Khi ông Putin tới Trung Quốc, qua những phát biểu của ông, chuyên gia nhận định rằng Tổng thống Nga đã thể hiện rõ sẽ tiếp tục trói chính quyền Trung Quốc vào cỗ xe chiến tranh. Cựu quan chức Trung Quốc cho rằng, ĐCSTQ có thể sẽ phải gánh chịu 4 hậu quả nghiêm trọng chính, đe doạ tới sự tồn vong của mình.

Hôm 15/5, Tổng thống Nga Putin đã đến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Putin kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ năm, và là chuyến thăm thứ hai tới Trung Quốc sau bảy tháng, chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ 23 kể từ khi ông lên nắm quyền và là cuộc gặp lần thứ 43 của ông với ông Tập kể từ khi ông lên nắm quyền.

Bối cảnh chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin là cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã kéo dài hơn hai năm, Nga đã rơi vào tình trạng cô lập chưa từng có trên trường quốc tế. Theo tiến sĩ Vương Hữu Quần (王友群), cựu Giám sát viên Ủy ban Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ, ông Putin rất cần được truyền máu từ ĐCSTQ cho cỗ máy chiến tranh của mình.

Ngày 16/5, Tổng thống Nga Putin đưa ra tuyên bố sau cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình rằng: “Nga và Trung Quốc lên án mạnh mẽ việc Mỹ khai triển vũ khí hỏa tiễn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga và Trung Quốc”; “Matxcova và Bắc Kinh sẽ tăng cường hợp tác hợp tác quân sự trong lĩnh vực này”.

Cựu quan chức Trung Quốc, Vương Hữu Quần nhận định, đánh giá từ tuyên bố do Nga đưa ra, cho thấy Tổng thống Nga Putin sẽ tiếp tục trói ĐCSTQ vào cỗ xe chiến tranh Nga-Ukraina, không chỉ để tăng cường quan hệ kinh tế Nga-Trung mà còn tăng cường quan hệ quân sự Nga-Trung.

Đối với Bắc Kinh, kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraina bùng nổ, chế độ này đã là nguồn truyền máu quan trọng nhất của cỗ máy chiến tranh Nga trong tương lai, họ sẽ tiếp tục cung cấp máu cho cỗ máy chiến tranh Nga.

Vậy Bắc Kinh sẽ thu được gì từ chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Nga Putin? Theo cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần, ĐCSTQ có thể phải gánh chịu 4 hậu quả nghiêm trọng chính:

Đầu tiên, chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin làm gia tăng sự đối đầu giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ

Theo ông Vương Hữu Quần, phương châm cơ bản trong đường lối ngoại giao của Bắc Kinh là phản đối và lật đổ hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chừng nào ĐCSTQ còn nhất quyết đi theo con đường hiện tại, thì chắc chắn họ sẽ coi Hoa Kỳ tư bản là kẻ thù của mình.

Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraina bùng nổ, Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo ĐCSTQ không cung cấp viện trợ quân sự cho Nga. Tuy nhiên, chính quyền này luôn ‘nói một đằng, làm một nẻo’.

Theo danh sách được Mỹ công bố vào tháng 4 năm nay, đến năm 2023, 90% chip mà Nga nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc và được sử dụng để sản xuất hỏa tiễn, xe tăng và máy bay. Trong quý cuối cùng của năm ngoái, 70% máy công cụ nhập khẩu của Nga đến từ Trung Quốc và có thể được sử dụng để sản xuất hỏa tiễn đạn đạo.

Một mục đích quan trọng trong chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng trước là cảnh báo ĐCSTQ không cung cấp viện trợ quân sự cho Nga, đồng thời cảnh báo: “Nếu Bắc Kinh không hành động, Hoa Kỳ sẽ hành động”.

ĐCSTQ miệng vẫn nói rằng họ sẽ không cung cấp viện trợ quân sự cho Nga. Tuy nhiên, theo cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần, xét theo học thuyết mà ĐCSTQ tin tưởng, những sự thật trong quá khứ và tuyên bố của ông Putin sau chuyến thăm Trung Quốc, ĐCSTQ chắc chắn sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Nga. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự xấu đi hơn nữa trong quan hệ Mỹ-Trung.

Đối với Hoa Kỳ, việc Nga xâm lược Ukraina là thách thức lớn nhất đối với vị thế lãnh đạo thế giới tự do của Hoa Kỳ sau Thế chiến thứ hai. Nếu Ukraina bị đánh bại, trật tự quốc tế hậu Thế chiến II do Mỹ đứng đầu sẽ bị viết lại hoàn toàn. Đây là điều mà Hoa Kỳ sẽ không bao giờ cho phép xảy ra.

Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraina bùng nổ, Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Kyiv. Vào ngày 23 tháng 4, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraina.

Trong khi cung cấp viện trợ quân sự cho Kyiv, Washington đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo thống kê của Sputnik ngày 22/1/2024, dựa trên dữ liệu công khai, Mỹ đã áp đặt 3.500 lệnh trừng phạt đối với Matxcova. Ngày 23/2, Mỹ áp đặt hơn 500 lệnh trừng phạt mới.

Vào ngày 1 tháng 5, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 22 công ty Trung Quốc đã giúp Nga “có được công nghệ và thiết bị rất cần thiết từ nước ngoài”. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trừng phạt hơn 341 công ty Trung Quốc, vượt xa các chính phủ Mỹ trước đây.

Tổng thống Joe Biden không chỉ duy trì mức thuế của người tiền nhiệm Donald Trump đối với hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD của Trung Quốc, mà còn leo thang hơn nữa thuế quan đối với các sản phẩm chủ chốt.

Vào ngày 14/5, Tòa Bạch Ốc công bố mức thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 18 tỷ USD mỗi năm – các sản phẩm thép và nhôm, tăng từ 0-7,5% lên 25%; thuế đối với chất bán dẫn, tăng từ 25% lên 50%; thuế đối với xe điện tăng từ 25% lên 100%.

Tạp chí Phố Wall ngày 23/4 đưa tin, Mỹ đang soạn thảo các lệnh trừng phạt có thể cắt đứt một số ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần nhận định, sau chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Nga Putin tới Trung Quốc, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ.

Hậu quả nghiêm trọng thứ 2 với ĐCSTQ là chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin sẽ làm tăng sự đối đầu giữa ĐCSTQ và EU

Cuộc chiến Nga-Ukraina là mối đe dọa an ninh lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt kể từ khi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Sau khi chiến tranh nổ ra, trong khi EU ủng hộ Ukraina thì mối quan hệ giữa họ với Nga trở nên hoàn toàn thù địch. Cuộc xâm lược Ukraina của Nga không chỉ làm gián đoạn trao đổi kinh tế của EU với Nga mà Liên minh này còn áp đặt 13 đợt trừng phạt đối với Matxcova.

Vào ngày 18 tháng 3, Hội đồng Châu Âu tuyên bố sẽ phân bổ thêm 5 tỷ euro (tương đương hơn 5,4 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraina. Dữ liệu do EU công bố cho thấy kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraina bùng nổ, EU và các quốc gia thành viên đã cung cấp hoặc cam kết cung cấp hơn 138 tỷ euro (tức hơn 150 tỷ USD) dưới nhiều hình thức viện trợ khác nhau cho Kyiv, trong đó 28 tỷ euro (tương đương hơn 30,4 tỷ USD) là viện trợ quân sự.

Ngày 23/2, EU đã thông qua vòng trừng phạt thứ 13 đối với Nga, bổ sung 88 thực thể và 106 cá nhân vào danh sách cấm đi vào EU hoặc kinh doanh tại EU. Trước đó, khoảng 2.000 cá nhân và công ty đã nằm trong danh sách 12 lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.

Giờ đây, ĐCSTQ đang một tay bám lấy EU và bám lấy Nga bằng tay kia, cố gắng giành miếng bánh của mình.

Tuy nhiên, cựu quan chức Vương Hữu Quần chỉ ra rằng, chừng nào ĐCSTQ còn tiếp tục bơm máu vào cỗ máy chiến tranh của Nga thì sẽ không có bước đột phá nào trong quan hệ Trung Quốc-EU.

Vòng trừng phạt thứ 13 của EU đối với Nga lần đầu tiên bao gồm 4 công ty Trung Quốc, trong đó có 3 công ty từ Trung Quốc và một công ty có trụ sở tại Hong Kong.

Vào tháng 5 năm 2021, Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-EU đã bị đóng băng. Cho đến nay, thỏa thuận đã bị đóng băng trong ba năm và không có hy vọng khởi động lại.

Trước việc ĐCSTQ bán phá giá xe điện vào châu Âu, vào tháng 10 năm ngoái, Liên minh châu Âu đã mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Bắc Kinh. EU có thể theo chân Mỹ trong việc áp thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc.

Ngày 10/5, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC) cho biết, tỷ lệ các công ty châu Âu cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp lịch sử.

Cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần nhận định, sau chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Nga Putin tới Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc-EU sẽ không ổn định và sẽ tiếp tục xấu đi.

Thứ ba, chuyến thăm của ông Putin sẽ làm gia tăng sự đối đầu giữa ĐCSTQ và các quốc gia khác ủng hộ Ukraina

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, hơn 100 quốc gia tại Liên hợp quốc đã ủng hộ Ukraina và phản đối Nga, trong đó có các nước trung lập trước đây là Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Một trong những cái cớ của Nga để xâm lược Ukraina là ngăn chặn sự bành trướng về phía đông của NATO. Tuy nhiên, ngay sau khi chiến tranh Nga-Ukraina nổ ra, Phần Lan và Thụy Điển đã nhanh chóng nộp đơn xin gia nhập NATO. 

Ngày 4/4/2023, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Biên giới giữa Nga và NATO đột ngột tăng thêm 1.340 km, đạt tổng chiều dài 2.550 km.

Ngày 26/2 năm nay, Quốc hội Hungary đã chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Bằng cách này, trở ngại cuối cùng để Thụy Điển gia nhập NATO đã được gỡ bỏ, Thụy Điển sắp trở thành thành viên thứ 32 của NATO. 

Thụy Điển đã theo đuổi chính sách trung lập trong 200 năm. Trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Thụy Điển đã giảm 90% quân đội và 70% lực lượng không quân và hải quân. Một cuộc chiến tranh Nga-Ukraina bất ngờ đánh thức Thụy Điển.

Tất cả 31 nước NATO, trong đó có Thụy Điển, sắp được chấp thuận gia nhập NATO, đều ủng hộ Ukraina.

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraina, Nhóm liên lạc quốc phòng (Defense Contact Group) đã được thành lập, do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đứng đầu, với sự tham gia của hơn 50 quốc gia, và hợp tác chặt chẽ với quân đội Ukraina để xác định và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của quân đội.

Hoa Kỳ cũng đã thành lập một nhóm “liên minh năng lực” – các nhóm đồng minh và đối tác chuyên đáp ứng các nhu cầu quốc phòng quan trọng của Ukraina. Đan Mạch, Hà Lan và Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về Liên minh Không quân, Estonia và Luxembourg chịu trách nhiệm về Liên minh Công nghệ Thông tin, còn Na Uy và Vương quốc Anh chịu trách nhiệm về Liên minh An ninh Hàng hải.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và thậm chí cả đối tác lâu dài của Nga là Ấn Độ đều đang viện trợ Ukraina theo nhiều cách khác nhau.

Cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần đánh giá, khi ĐCSTQ tiếp tục bơm máu vào cỗ máy chiến tranh của Nga, họ thực sự đang trở thành kẻ thù của tất cả các quốc gia ủng hộ Ukraina. Chế độ này sẽ càng trở nên bị cô lập hơn trên trường quốc tế.

Thứ tư, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong nước của ĐCSTQ

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào năm 2023 là hơn 664 nghìn tỷ USD. Trong số đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ là hơn 500 nghìn tỷ USD và nhập khẩu của Trung Quốc từ Hoa Kỳ là hơn 164 nghìn tỷ USD.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục căng thẳng trong năm ngoái, nhưng Washington vẫn là khách hàng lớn nhất của Bắc Kinh. Theo lẽ thường, ĐCSTQ nên ưu tiên hàng đầu để cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chế độ này coi Hoa Kỳ là kẻ thù số một của mình. Theo cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần, điều này là không thể chấp nhận được đối với tất cả người dân Trung Quốc có suy nghĩ bình thường.

Ở thời hiện đại, Mỹ chưa hề chiếm một tấc lãnh thổ nào của Trung Quốc, còn Nga là quốc gia chiếm nhiều lãnh thổ nhất của Trung Quốc. Theo lẽ thường, ĐCSTQ nên ưu tiên phát triển quan hệ Trung-Mỹ hơn quan hệ Trung-Nga. Tuy nhiên, họ lại coi Hoa Kỳ là kẻ thù lớn nhất, và Nga là người bạn tốt nhất của mình. Tiến sĩ Vương Hữu Quần chỉ ra rằng, điều này là không thể chấp nhận được đối với tất cả người dân Trung Quốc có suy nghĩ bình thường.

Trong thời hiện đại, Trung Quốc đã phải hứng chịu rất nhiều sự xâm lược và người dân Trung Quốc đã cảm nhận được nỗi đau của các cuộc chiến tranh xâm lược. Tuy nhiên, ĐCSTQ không những không phản đối việc Nga xâm lược Ukraina mà ngược lại, họ còn trở thành cỗ máy truyền máu lớn nhất cho cỗ máy chiến tranh Nga. Tiễn sĩ Vương Hữu Quần lại nói, điều này cũng là không thể chấp nhận được đối với tất cả người dân Trung Quốc có suy nghĩ bình thường.

ĐCSTQ liên tục nói rằng họ muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh. Sau khi Nga xâm lược Ukraina, Matxcova đã chiếm giữ 4 tỉnh miền đông Ukraina là: Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Bốn tỉnh này chiếm 15% lãnh thổ Ukraina. Cuộc sáp nhập này là cuộc sáp nhập lãnh thổ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. 

Tuy nhiên, ĐCSTQ chưa bao giờ lên án việc Nga vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Ukraina. Theo cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần, điều này là không thể chấp nhận được đối với tất cả người dân Trung Quốc có suy nghĩ bình thường.

Nga được biết đến là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới và cường quốc quân sự lớn thứ hai. Ban đầu Matxcova nghĩ có thể thắng Ukraina bằng đòn chiến tranh chớp nhoáng, nhưng cuộc chiến Nga-Ukraina đã diễn ra hơn hai năm và cuộc chiến vẫn đang trong thế bế tắc. Điều này cho thấy điện Kremlin đã thất bại về mặt chiến lược trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraina. Tiếp theo, liệu Nga có thể đánh bại Ukraina?

Phùng Ngọc Quân (馮玉軍), chuyên gia về các vấn đề Nga tại Đại học Bắc Kinh, đã đăng bài viết “Nga chắc chắn sẽ thua ở Ukraina” trên tạp chí “The Economist” của Anh vào ngày 11/4. 

Chuyên gia Phùng tin rằng ngay cả việc Nga liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân cũng không thể bảo đảm chiến thắng cho nước này. Chuyên gia Phùng nói về các lý do khiến Ukraina sẽ giành chiến thắng, trong đó bao gồm: sự phản kháng và đoàn kết dân tộc của người dân Ukraina; sự lạc hậu của vũ khí Nga và sự thiếu thông tin thực tế của ông Putin.

Cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần cho hay, quan điểm của chuyên gia về các vấn đề Nga đại diện cho quan điểm của khá nhiều người Trung Quốc có lối suy nghĩ bình thường. Tuy nhiên, ĐCSTQ bị hoang tưởng và nhất quyết coi Matxcova là bạn tốt nhất của mình.

Vì vậy, việc ĐCSTQ bị Tổng thống Nga Putin trói vào cỗ xe chỉ có thể làm tăng thêm sự phản đối của người dân Trung Quốc đối với ĐCSTQ.

Kể từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình, nhiều người trong và ngoài nước đã nhận thấy rằng ông Tập đã đưa ra hết đánh giá sai lầm này đến đánh giá sai lầm khác, hết quyết định sai lầm này đến quyết định sai lầm khác về nhiều vấn đề lớn trong đối nội và đối ngoại của ĐCSTQ. 

Theo cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần, những đánh giá sai lầm và quyết định sai lầm này của ông Tập Cận Bình đã đẩy ĐCSTQ vào một cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có.

Tại sao ông Tập lại đưa ra những đánh giá và quyết định sai lầm? Tiến sĩ, cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần nói rằng, trước đây ông đã nhiều lần nhấn mạnh một điểm trong bài viết phân tích về ĐCSTQ: ĐCSTQ là đảng sát hại nhiều người nhất và mắc nợ máu nhiều nhất trên thế giới. 

Với gánh nặng lịch sử nặng nề như vậy, ĐCSTQ đã đi đến hồi kết của lịch sử. Họ không thể hiểu được thế giới xung quanh một cách khách quan và đưa ra những quyết định đúng đắn, mà chỉ có thể mắc sai lầm hết lần này đến lần khác và dẫn đến con đường tội lỗi, mê lạc trong bóng tối.