Trước khi có máy bắn đá việc tấn công những thành lũy kiên cố trở nên rất khó khăn và bất lợi cho phe tấn công, nhưng sau khi những cỗ máy khủng khiếp này được ra đời, mọi thứ đã thay đổi.

Một trong những biểu tượng phổ biến nhất trong thời Trung Cổ ở Châu Âu là các tòa lâu đài. Hệ thống phòng thủ này thường được gia cường một cách chắc chắn, với những bức tường đá dày và cao.

Trước khi máy bắn đá ra đời, việc công thành là rất khó khăn với những thành lũy kiên cố. Để có thể giải quyết được một thành lũy như vậy bên tấn công phải sử dụng một lượng lớn quân đội xông lên vượt qua kênh nước, bàn chông, dưới làn mưa tên, đá của quân đội phòng thủ, bắc thang leo lên tường thành và chiến đấu với đội quân bên trong đang chờ sẵn. Thường thì bên tấn công sẽ phải chịu tổn thất nhân mạng cực lớn mà nhiều khi không thể giải quyết được thành.

Những lâu đài kiên cố như thế này thì việc hạ được chúng là rất khó khăn (Ảnh qua: thanhnien.vn)

Còn một cách khác là vây hãm, triệt nguồn lương thực khiến bên phòng thủ hoặc là chết đói hoặc phải đầu hàng. Nhưng biện pháp này mất rất nhiều thời gian, thường là mất hàng tháng trời, có khi là hàng năm. Đây là một cuộc chiến đấu kéo dài, mệt mỏi và đôi khi không khả thi về mặt chiến lược.

Đứng trước những khó khăn đó, những người kỹ sư thời cổ đại đã nghĩ ra được một loại vũ khí hủy diệt, có sức mạnh khủng khiếp có thể phá bung nhiều mảng tường đá kiên cố, giúp chiến thắng nghiêng về phe tấn công: máy bắn đá.

Những cỗ máy bắn đá đang công thành (Ảnh qua: vothuat.vn)

Những cỗ máy ném đá khổng lồ xuất hiện ở châu Âu từ thế kỷ thứ VI, đã được sử dụng như thứ vũ khí có khả năng hủy diệt mạnh nhất trong suốt 1000 năm, cho đến khi súng đại bác khiến chúng trở nên lỗi thời từ thế kỷ XVI. Những người đầu tiên sử dụng cỗ máy này được cho là người La Mã.

Tuy nhiên, theo một số tư liệu, có các ghi chép cho thấy máy bắn đá cũng đã được quân đội Trung Quốc thời cổ đại sử dụng. Lấy ví dụ, trong đầu thời kỳ Xuân Thu (770–476 TCN), có một cỗ máy tên là ‘Huy’ đã được Chu Hoàn Vương sử dụng để chống lại Trịnh Trang công trong một trận chiến vào năm 707 TCN. Tuy vậy, những cỗ máy của họ nhỏ hơn và đóng vai trò ít quan trọng hơn trong các trận đánh công thành.

Máy bắn đá di động của Trung Quốc cổ đại. (Ảnh: Wikimedia)

Dưới hình thức cơ bản nhất, máy bắn đá có thể được miêu tả là một “máy bắn đá một trục”. Trong thế giới của người La Mã, một cỗ máy công thành có chức năng giống máy bắn đá, được biết đến với cái tên ‘onager’, đã được sử dụng khi quân đội La Mã bao vây kẻ địch. Một loại máy bắn đá khác, vốn có một sợi dây ná, được gọi là ‘bọ cạp’, vì cú bắn từ thiết bị này trông khá giống với sự chuyển động của một cái đuôi bọ cạp. Tuy nhiên máy bắn đá chỉ thực sự phát huy sức mạnh hủy diệt của nó khi công thành.

Máy bắn đá onager của người La Mã với một sợi dây ná (‘bọ cạp’). (Ảnh: Public Domain)

Chính vì sức mạnh của cỗ máy này nên nó liên tục được hoàn thiện sức mạnh tấn công trong nhiều thế kỷ. Máy bắn đá cuối cùng đã phát triển thành cỗ máy đối trọng có khớp nối trebuchet, một công cụ công thành có mức độ chính xác và phạm vi lớn hơn rất nhiều, cũng như một quỹ đạo cao hơn máy bắn đá thông thường. Các cỗ máy trebuchet đã thống lĩnh các chiến trường Châu Âu trong vài thế kỷ cho đến khi vũ khí thuốc súng ra đời.

Cấu tạo một cỗ máy bắn đá Trebuchet gồm sợi dây treo, cánh tay đòn và đối trọng nặng. (Ảnh qua: vothuat.vn)

Những chiếc máy bắn đá cỡ lớn có thể ném những tảng đá nặng tới 140 kg đi xa khoảng 300m. Đã có những cỗ máy khổng lồ ném đạn đá nặng đến 1,5 tấn được ghi nhận trong lịch sử. Với khả năng này, máy bắn đá là thứ vũ khí có khả năng hủy diệt thành trì và sinh lực đối phương rất lớn.

Loại vũ khí này hoạt động bằng nguyên lý cơ học về lực đòn bẩy. Các thành phần chính của máy gồm sợi dây treo, cánh tay đòn và đối trọng nặng. Khi sợi dây treo và cánh tay đòn vung lên thành tư thế thẳng đứng, đoạn cuối sợi dây treo tung ra đẩy viên đạn về phía mục tiêu với sức mạnh khủng khiếp.

Ngoài đạn đá, máy bắn đá còn được sử dụng để ném những quả cầu lửa, thậm chí là xác chết vào thành lũy của kẻ thù. Tiêu biểu là năm 1422, hoàng tử Sigismund Korybut của Hungari trong trận tấn công Karlstejn (cộng hòa Séc ngày nay) đã bắn xác người và phân vào trong thành, nhằm làm lan tràn bệnh tật trong hàng ngũ kẻ thù.

Ngoài đạn đá, máy bắn đá còn được sử dụng để ném những quả cầu lửa (Ảnh: vothuat.vn)

Nhiều kỹ thuật tiến bộ đã được áp dụng lên những cỗ máy bắn đá Trebuchet. Một thanh chắn được đặt ở điểm dừng của cánh tay đòn có thể sử dụng để tăng lợi thế đàn hồi tự nhiên. Ngoài ra, các nhà khoa học hiện còn tranh cãi về việc liệu những chiến binh thời xưa có sử dụng hệ thống bánh xe để hấp thụ những lực dư thừa và truyền trở lại vào trong viên đạn hay không.

Máy bắn đá được sử dụng nhiều nhất ở lục địa châu Âu tại các vùng đất vùng đất quanh  Địa Trung Hải. Loại vũ khí này đã phát huy vai trò quan trọng trong nhiều trận đánh lớn.

Những trận đánh tiêu biểu có sự tham gia của máy bắn đá:

Trong cuộc bao vây thành Acre năm 1191, 2 chiếc máy Trebuchet cỡ lớn được đặt tên là “God’s Own Catapult” và “Bad Neighbour” do vua Richard của Anh ra lệnh lắp ráp đã chấm dứt thế bế tắc kéo dài hàng năm trời của trận chiến.

Những chiếc máy bắn đá khổng lồ có thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến (Ảnh: vothuat.vn)

Vào cuối những năm 1260, trong cuộc vây hãm hai thành Phàn Thành và Tương Dương của nhà Tống, quân Mông Cổ đã nhờ 2 kỹ sư người Ba Tư lắp đặt hàng loạt máy máy bắn đá để công phá đối phương. Kết quả là sau nhiều năm trời chống đỡ kiên cường, hai tòa thành này đã bị san bằng, buộc lực lượng phòng thủ phải đầu hàng.

Trong cuộc vây hãm tại lâu đài Stirling năm 1304, vua nước Anh là Edward Longshanks đã cho chế tạo một cỗ máy bắn đá khổng lồ có tên gọi là “Warwolf”. Cỗ máy khủng khiếp này có thể bắn những tảng đá nặng tới 1,5 tấn, hủy diệt được những mục tiêu kiên cố nhất của kẻ thù.

Những cỗ máy bắn đá ra đời khiến việc phòng thủ trên những pháo đài kiên cố trở nên bất lợi (Ảnh: kienthuc)

Như vậy, những cỗ máy bắn đá đã hóa giải những bức tường thành cao và dày, khiến cục diện chiến tranh thay đổi: lợi thế chiến thắng nghiêng về phe tấn công.

Để đối phó lại sức công phá của những cỗ máy bắn đá, các công trình sư thời Trung cổ đã phải thiết kế các thành lũy, pháo đài với độ dày lớn nhất có thể. Bản thân máy bắn đá từ một vũ khí tấn công đã được sử dụng vào mục đích phòng thủ bằng cách đặt chúng trên những tháp canh khổng lồ mà di tích còn lưu lại ở một số địa điểm như Damascus, Bosra (Syria), Cairo (Ai Cập). Tuy nhiên, thế cờ vẫn không thể lật ngược. Những bức tường dày lên thì cũng có các cỗ máy lớn hơn phá hủy, những cỗ máy bắn đá sử dụng cho mục đích phòng thủ thì không có hiệu quả mấy với bên tấn công có tính cơ động cao.

Nam Minh