Các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã phát triển một đội ngũ robot hình chim thiên nga (NUSwan) để giám sát, đo lường mức độ ô nhiễm nguồn nước ở các khu vực đô thị.

Những con robot này có thể hòa vào khủng cảnh xung quanh, trong khi vẫn đang cần mẫn thực hiện công việc lấy mẫu nước để đo lường bên dưới bề mặt. Phương pháp này có chi phí tiết kiệm và hiệu quả vượt trội so với các thiết bị tự động trước đây.

“Chúng tôi đã bắt đầu với một số mẫu chim nhỏ hơn, trước khi quyết định chọn dùng hình chim thiên nga. Nó vừa hay phù hợp với kích cỡ”, nhà nghiên cứu dẫn đầu dự án, PGS Mandar Chitre trao đổi với Jack Board từ kênh Channel News Asia. “Nếu bạn quan sát con robot này trong môi trường, bạn sẽ cảm tưởng như một con thiên nga thật đang bơi lội xung quanh”.

robot thien nga 2Ông Koay Teong Beng đang điều khiển từ xa các robot hình chim thiên nga tại hồ chứa Pandan, Singapore. (Ảnh: Jack Board/Channel News Asia)

“Nếu tiến hành đo lường bằng tay hay sử dụng các thiết bị vận hành tự động dưới nước thì chi phí sẽ khá đắt đỏ”, PGS Chitre nói. “Vì vậy để giảm thiểu sự phụ thuộc vào sức người và tăng cường mức độ hiệu quả trong công tác giám sát đo lường chất lượng nước, chúng tôi đang không ngừng phát triển các công nghệ mới với chức năng cải thiện”.

Đội robot NUSwan đã được gắn bộ định vị GPS để đi theo đúng đoạn đường đã vạch sẵn và thống kê các địa điểm đã lấy mẫu. Khi gần hết nhiên liệu, các con robot này đã được lập trình để tự động quay về bờ để sạc.

Các robot này có thể đo độ pH, chất diệp lục, nồng độ khí oxy hòa tan, mức độ đục của nước, sau đó tải số liệu lên lưu trữ đám mây qua mạng wifi.

robot thien nga 1(Ảnh: Channel News Asia)

Dù có một bề ngoài khá mỏng manh, nhưng con robot này có thể chống chọi các cú va chạm với thuyền kayak và ngay cả các con thuyền nhỏ mà không xuất hiện các thiệt hại nghiêm trọng.

Trung Quốc, một trong những quốc gia đang phải hứng chịu mức độ ô nhiễm kỷ lục trong những năm qua, có thể sẽ cân nhắc sử dụng loại robot này tại những con sông bị ô nhiễm nặng nề của họ.

“Chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng ứng dụng NUSwan ở các vùng nước ngọt đô thị và vùng ven biển Singapore. Với việc dữ liệu được lưu trữ trên các đám mây điện tử, các cộng tác viên nghiên cứu có thể chia sẻ và tổng hợp dữ liệu để hiểu hơn về tình trạng nguồn nước trên toàn cầu”, PGS Chitre nói.

Quý Khải tổng hợp