Đứng vững trước những lời quảng cáo “ngọt như đường” của các “cò” đất là điều không đơn giản với người có nhu cầu mua bất động sản.

Trên địa bàn TP. HCM thời gian qua đã xuất hiện tình trạng nhiều dự án bất động sản “bánh vẽ” chào mời công khai. Gần đây là việc một số đối tượng đứng phát tờ rơi, thông tin khu dự án nhà ở liền kề Royal Gold Land tại phường Đông Hưng Thuận thuộc quận 12.

Tuy nhiên, theo kiểm tra của UBND quận, đây là khu đất thuộc quy hoạch đất cây xanh (nằm đối diện trụ sở UBND phường Đông Hưng Thuận). Cơ quan chức năng không phê duyệt hoặc thỏa thuận bất kỳ dự án nào thuộc khu vực này.

Một sự việc tương tự khi Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, rao bán và thu tiền giữ chỗ đối với dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII – 3 (TP.HCM). Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã cảnh báo tới người tiêu dùng và nhà đầu tư về những thông tin sai sự thật của địa ốc Alibaba.

Theo HoREA, dự án mà Alibaba tự xưng là chủ đầu tư thực chất đang được thành phố mời gọi đầu tư; dự án chưa được giải phóng mặt bằng; chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán. Do đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba không có tư cách để nhận danh xưng này.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều dự án bất động sản “bánh vẽ” đang “bung” trên thị trường mà người dùng cần tránh. Chia sẻ trên Người lao động, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật INTECO, có rất nhiều dấu hiệu nhận diện những dự án bất động sản “bánh vẽ”.

Thứ nhất, là việc chủ đầu tư không thực hiện việc công bố thông tin về dự án mà họ bắt buộc phải công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, bao gồm: Loại bất động sản; Vị trí bất động sản; Thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản; Quy mô dự án; Đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của dự án; thông tin về từng loại mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư…

Thứ hai, chủ đầu tư không cung cấp hồ sơ của chủ đầu tư cũng như của dự án bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định ủy quyền ký hợp đồng mua bán nhà…; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy hoạch 1/500; tài liệu về giải phóng mặt bằng; giấy phép xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế mặt bằng điển hình, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà văn bản cho phép bán, cho thuê mua của Sở Xây dựng,…

Thứ ba, chủ đầu tư không gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng thương mại cho bên mua.

Thứ tư về nội dung hợp đồng, khách hàng cần cẩn trọng với những trường hợp sau: Hợp đồng không quy định rõ về thời hạn bàn giao nhà, chất lượng và tính đồng bộ của công trình khi bàn giao, hồ sơ bàn giao kèm theo; Hợp đồng mua bán không quy định rõ thông tin về diện tích, vị trí của phần sở hữu chung như đường giao thông, sân chơi trẻ em, công viên, cây xanh, chỗ để xe…

Theo luật sư Phong, nếu thấy dự án có những dấu hiệu trên, người mua nhà nên cảnh giác, tìm hiểu kỹ lưỡng và có thể hỏi ý kiến tư vấn các chuyên gia bất động sản, các luật sư về bất động sản trước khi quyết định ký kết hợp đồng và thanh toán tiền.

Hoàng Minh (TH)