Trong lúc “số phận” của tòa Dinh Thượng thơ hơn 130 năm tuổi còn chưa ngã ngũ, có thêm nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia, nhà khoa học đề nghị bảo tồn, giữ lại toàn bộ công trình này.

Theo Báo Người Lao Động, Sở Quy hoạch Kiến trúc vừa có báo cáo gửi UBND TP. HCM về tòa Dinh Thượng thơ (tòa nhà số 59-61 Lý Tự Trọng đang là trụ sở của Sở Thông tin – Truyền thông).

Theo báo cáo, sau khi trưng bày triển lãm về phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND – UBND TP, với việc phá dỡ Dinh Thượng thơ đa số ý kiến của người dân, chuyên gia, nhà khoa học đề nghị bảo tồn, giữ lại toàn bộ công trình này.

TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng việc tháo dỡ công trình sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn kiến trúc tổng thể của TP. HCM.

Tương tự, nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp cho rằng, giá trị của từng công trình cổ không thể riêng lẻ với toàn thể đô thị cổ TP. Trụ sở UBND TP dù nguyên vẹn hình thức kiến trúc nhưng nếu gắn thêm khối công trình mới thiết kế sẽ không phù hợp và hoàn toàn áp chế không gian cổ của UBND TP và cả khu phố Lý Tự Trọng, Đồng Khởi và Pasteur. Xóa sổ di sản đồng nghĩa với phá vỡ quy hoạch, một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể.

Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, đa số thành viên Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch TP. có chung ý kiến cần cân nhắc kỹ về yếu tố bảo tồn tòa Dinh Thượng thơ.

“Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực bảo tồn trước đây do Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức đoàn khảo sát vào thời điểm năm 2014-2015 là có ý kiến đồng thuận phương án bảo tồn nguyên trạng công trình này” – Sở Quy hoạch thông tin.

them nhieu y kien de nghi bao ton nguyen trang dinh thuong tho
Trải qua 3 thế kỷ, tòa Dinh Thượng thơ đang là một trong những công trình cổ quý giá còn sót tại TP. HCM. (Ảnh: VnExpress)

Trước đó, tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TP. HCM trưa 2/5 đã công bố thông tin: Dinh Thượng thơ không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa – Thể thao nên thành phố quyết định không bảo tồn.

Thông tin tòa Dinh Thượng thơ có thể bị đập bỏ đã khiến nhiều người quan tâm và bày tỏ sự tiếc nuối. Ngay trong tháng 5, một nhóm tri thức gồm các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, chuyên gia… đã ký tên và kiến nghị chính quyền TP. giữ lại tòa nhà cổ quý giá này và đưa ra quan điểm “xóa sổ di sản đồng nghĩa phá vỡ quy hoạch – một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể”.

them nhieu y kien de nghi bao ton nguyen trang dinh thuong tho
Bức ảnh Dinh Thượng thơ chụp từ thế kỷ trước. (Ảnh: VnExpress)

Dinh Thượng thơ do người Pháp xây vào những năm 1860 và hoàn thành năm 1864, trước đây là Nha giám đốc Nội. Đây là tòa nhà cổ thứ hai của Sài Gòn, chỉ sau căn nhà của Giám mục Bá Đa Lộc xây năm 1790 hiện đang được bảo quản trong khuôn viên Tòa Tổng giám mục Sài Gòn.

Lần bảo tồn gần đây nhất của công trình là từ năm 1890 (gần 130 năm) và hiện kiến trúc cổ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.

Thế Tam (Tổng hợp)