Liên quan đến thương vụ Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á khiến nhiều người lo ngại Grab sẽ dễ dàng thao túng thị trường nhờ thế độc quyền, lãnh đạo Bộ Giao thông cho rằng mối lo này chỉ đúng một phần.

Trả lời phỏng vấn của báo chí chiều 29/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Uber, Grab được xác định là một giải pháp công nghệ cung cấp cho đơn vị vận tải kết nối hành khách và Việt Nam đã cho thí điểm.

Việc Uber, Grab sát nhập với nhau là hoạt động bình thường và là quyền của các doanh nghiệp theo luật pháp của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, thương vụ này lại đang khiến nhiều người lo ngại Grab sẽ trở nên độc quyền.

Lãnh đạo Bộ Giao thông lên tiếng về mối lo ngại Grab độc quyền
Nhiều người lo ngại Grab sẽ trở nên độc quyền sau khi thâu tóm Uber (ảnh: Tuổi trẻ).

Theo ông Đông, mối lo ngại trên chỉ đúng một phần bởi thực tế Grab đâu phải “một mình một chợ” ở Việt Nam. Hiện Việt Nam có 10 đơn vị cung ứng công nghệ kết nối vận tải hành khách có tính năng như Grab, Uber. Ngoài ra, sắp tới, các “đại gia” khác ở khu vực như Lalamove, Go-jek cũng “đổ bộ” vào Việt Nam.

Đồng quan điểm với lãnh đạo Bộ Giao thông, chia sẻ trên Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng Uber “biến mất” nhưng vẫn còn rất nhiều hãng taxi để người tiêu dùng và lái xe có thể lựa chọn. Nếu Grab tăng giá quá cao, người tiêu dùng có quyền không đi nữa và chọn phương thức khác cho phù hợp. Bên cạnh đó, một số taxi công nghệ đang và sẽ triển khai, nên khả năng độc quyền là khó.

Theo chuyên gia kinh tế này, khả năng Grab sẽ tăng chiết khấu với tài xế hay giảm khuyến mại với khách hàng là việc có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây là chiến lược dựa trên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp nào có thể sử dụng “chiến lược giá huỷ diệt” mãi được.

Nguyễn Trang