Giới sản xuất ô tô đang gồng mình chống chọi với việc giá thép và nhôm tăng do căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, theo Wall Street Journal.

Sau gần một thập niên tăng trưởng, doanh số bán xe mới tại các thị trường ô tô lớn nhất thế giới đang bước vào giai đoạn “giảm tốc” kéo dài lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 trong bối cảnh xung đột thương mại quốc tế nổi lên.

Thị trường xe hơi một thời đầy sôi động của Trung Quốc đang hạ nhiệt trong thời gian gần đây, một phần do căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang và nhu cầu đối với xe hơi cùng xe tải của Mỹ giảm. Trước đó, Trung Quốc được coi là điểm sáng của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu khi liên tục đứng ở ngôi vương tăng trưởng trong 7 năm qua, giúp nâng cao doanh thu cho nhiều nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng ô tô trên toàn thế giới. 

Tại châu Âu, doanh số bán xe mới từng được hưởng lợi nhờ sự phục hồi của thị trường, nhưng hiện nay cũng sa sút vì nhu cầu giảm. Điều này khiến nhiều công ty tại khu vực đồng Euro phải chật vật để tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhu cầu của thế giới vẫn rất mạnh nhờ được thúc đẩy bởi sức tăng trưởng kinh tế, nhưng những làn sóng tiêu cực dường như đang được tích lũy.

Chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump đang ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng tại nhiều thị trường bên ngoài nước Mỹ. Đây được xem là một rủi ro lớn cho đà tăng trưởng kinh tế của toàn cầu.

Doanh số bán ô tô toàn cầu sa sút vì căng thẳng thương mại
Doanh số bán xe hạng nhẹ giảm so với năm 2017. (Ảnh: WSJ)

Giới phân tích cho rằng, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại của nước này lắng dịu, tăng trưởng doanh số bán ô tô mới lại khởi sắc.

Bằng chứng là khi một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Mexico được ký kết vào ngày 27/8, thị trường chứng khoán của Mỹ và hàng hóa toàn cầu đã tăng giá trở lại. Cổ phiếu của các hãng ô tô Đức như Volkswagen, BMW đều tăng vọt.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang đe dọa đánh các khoản thuế mới với châu Âu và điều chỉnh thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

“Cuộc chiến thương mại toàn diện có thể đẩy ngành công nghiệp ô tô xuống vực sâu”, các nhà phân tích nhận định.

Theo dự báo của tổ chức Oxford Economics, kịch bản chiến tranh thương mại có thể khiến tăng trưởng GDP toàn cầu mất khoảng 0,5% vào năm 2019, và nhu cầu ô tô theo đó cũng sẽ giảm.

Những lo lắng này khiến nhiều nhà sản xuất xe hơi, trong đó có Ford, thận trọng hơn trong việc đưa ra những tính toán về tài chính của hãng. Daimler, công ty sản xuất xe Mescerdes, đưa ra cảnh báo rằng thuế nhập khẩu trả đũa của Trung Quốc đánh lên các loại xe mới được lắp ráp tại Mỹ có thể sẽ làm giảm doanh thu và lợi nhuận của hãng.

Tuần trước, Continental AG, nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn thứ hai thế giới, cũng cảnh báo các nhà đầu tư rằng lợi nhuận của họ có thể bị ảnh hưởng trong năm nay và đổ lỗi cho nhu cầu ô tô ở châu Âu và Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích Dave Sullivan của công ty tư vấn AutoPacific đánh giá: “Doanh số ô tô suy giảm diễn ra vào thời điểm rất khó khăn khi ngành công nghiệp ô tô đang dần chuyển sang điện khí hóa hơn và dồn tiền vào cuộc chạy đua các nghiên cứu mới”.

Triển vọng tăng trưởng ngày càng yếu đi khi các công ty phải vật lộn với việc giá thép và nhôm tăng vì mức thuế mới của chính quyền ông Trump đưa ra trong năm nay. Các quy định về khí thải ở châu Âu và Trung Quốc cũng nghiêm ngặt hơn, buộc các nhà sản suất ô tô phải chi hàng tỷ USD cho công nghệ mới để hạn chế khói gây ô nhiễm.

Kiều Ngọc