Nhắc đến Hàn Quốc là nói tới những xu hướng mới nhất như thời trang, âm nhạc hay công nghệ. Đằng sau sự chuyển mình không ngừng ấy là văn hóa “nhanh lên” (ppalli-ppalli) đặc trưng của những người Hàn Quốc thuộc mọi ngành nghề trong xã hội, từ người nông dân, công nhân cho đến giáo sư, công chức.

Văn hóa “nhanh lên” đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một số cửa hàng thức ăn nhanh của McDonald’s cam kết phục vụ bữa trưa trong vòng 90 giây. Nếu không thực hiện được điều đó, họ sẽ không nhận tiền. Ở Mỹ ngày nay, mỗi lần khám bệnh, thời gian bình quân bệnh nhân gặp bác sỹ chỉ là 8 phút. Các nhà hàng phục vụ tiệc buffet ở Tokyo tính tiền theo phút, bạn càng ăn nhanh thì giá càng rẻ.

Từ quốc gia kém phát triển, Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế hàng đầu châu Á. (Ảnh dẫn qua: jakwave.co.uk)

Tuy nhiên, văn hóa này được khắc họa rõ nét nhất ở Hàn Quốc, khi nó len lỏi trong tất cả mọi ngành nghề xã hội và in đậm trong ý thức của mỗi người dân. “Nhanh lên” ở Hàn Quốc được dùng ở mọi trường hợp, mọi thời điểm và mọi đối tượng. Dường như ở bất cứ đâu, ở lớp học, nhà ăn, siêu thị, chợ hay công sở… người Hàn đều động viên nhau “nhanh lên”.

Văn hóa “nhanh lên” trong đời sống người Hàn Quốc thể hiện như thế nào?

Từ một quốc gia kém phát triển, Hàn Quốc đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á. Cụm từ “nhanh lên” có ngay trong tính cần mẫn của người Hàn Quốc. Những người Hàn Quốc, từ học sinh, giáo sư, công chức hay ngay cả những người công nhân bình thường… đều có chung một nhịp độ công việc nhanh và luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác. Văn hóa “nhanh lên” đã tạo ra những yêu cầu khắt khe hơn những quốc gia khác dành cho những vị trí việc làm của họ.

Dường như ở bất cứ đâu, ở lớp học, nhà ăn, siêu thị, chợ hay công sở, người Hàn đều động viên nhau “nhanh lên”. (Ảnh dẫn qua: BBC)

Đối với những người làm công chức ở Hàn Quốc, việc họ phải đi làm về muộn là chuyện thường xuyên, trong khi tại một số quốc gia khác, người ta cố gắng trở thành công chức để có một công việc nhàn rỗi hơn.

Sinh viên Hàn Quốc sẽ rất vui vẻ trả lời câu hỏi khi bạn hỏi đường, nhưng sau đó, họ lại nhanh chóng tập trung làm bài tập của mình. Sinh viên cũng thường xuyên “chạy đến lớp” chứ không phải đi đến lớp.

Những người nông dân cũng áp dụng văn hóa “nhanh lên” trong công việc của họ và chỉ 8 giờ sáng, họ đã làm xong hết việc đồng áng của mình.

Sân bay Incheon có 7 năm liên tiếp được bình chọn là sân bay có dịch vụ tốt nhất thế giới. Bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất tốt và nhân viên thân thiện thì “tốc độ” chính là yếu tố tạo nên sức mạnh cạnh tranh nơi đây. Nếu theo tiêu chuẩn quốc tế, thời gian thực hiện thủ tục xuất cảnh tại sân bay là 45 phút thì dịch vụ này tại sân bay Incheon chiếm của bạn chỉ 12 phút. Dịch vụ ở đây được thực hiện vô cùng nhanh chóng và chuyên nghiệp, tốc độ gấp 3 lần so với tiêu chuẩn quốc tế.

Sân bay Incheon có dịch vụ tốt nhất thế giới. (Ảnh dẫn qua: vigwines)

Một doanh nhân người Pháp đã có câu nói vui rằng: “Nếu việc điều hành một doanh nghiệp ở châu Âu giống như lái một chiếc xe ôtô thông thường thì việc điều hành doanh nghiệp ở Hàn Quốc giống như lái một chiếc xe đua.” Quả thực, ngay cả những người chưa từng đặt chân tới Hàn Quốc cũng có thể cảm nhận được văn hóa “nhanh lên” này, bởi người Hàn đã khắc sâu nó trong tâm trí và tái hiện một cách chân thực qua những bộ phim truyền hình, điện ảnh.

Nhờ đâu người Hàn sản sinh ra văn hóa “nhanh lên” như vậy?

Có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến việc hình thành và duy trì văn hóa “nhanh lên” ở Hàn Quốc. Sự phát triển của công nghệ thông tin chính là yếu tố đầu tiên. Ở Hàn Quốc ngày nay, mọi hoạt động sống, sinh hoạt và công việc đều gắn liền với công nghệ thông tin. Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia có tiêu chuẩn cao nhất thế giới về tốc độ phổ biến Internet. Chính vì thế, mọi khía cạnh trong cuộc sống của người Hàn đều không nằm ngoài sự phát triển với tốc độ chóng mặt của công nghệ thông tin như hiện nay.

Công nghệ thông tin được ứng dụng ở mức tối đa trong đời sống người Hàn Quốc. (Ảnh dẫn qua: Itoutcomes)

Nguyên nhân thứ hai bắt nguồn từ những bài học thành công của các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, đó là Samsung, LG, Poso, Hyundai. Để tăng cường năng lực cạnh tranh và mức độ hài lòng của khách hàng, các tập đoàn thường xuyên cho phát triển các sản phẩm mới, thay đổi thiết kế cũng như nhanh chóng quyết định ý tưởng, dịch vụ… qua đó dần dần nâng cao năng lực tốc độ của doanh nghiệp.

Tốc độ là một trong những năng lực cạnh tranh của các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc. (Ảnh dẫn qua: Toplist)

Để đuổi kịp Mỹ và châu Âu, những quốc gia đi trước một bước trong cuộc cách mạng công nghiệp, Hàn Quốc đã tiến hành công cuộc đẩy nhanh tốc độ, và giáo dục cũng không nằm ngoài điều ấy. Giáo dục ở Hàn Quốc được đẩy nhanh để bắt kịp thế giới và những thành công đạt được càng giúp người dân Hàn nhận thức được tầm quan trọng của tốc độ.

Văn hóa “nhanh lên” ở Hàn Quốc còn có nguyên nhân bắt nguồn từ lịch sử lâu đời. Do người Hàn từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt trong quá khứ và để sinh tồn họ không có cách nào ngoài nhanh chóng đi sơ tán. Điều này đã phần nào tác động, làm tăng tính tốc độ của người Hàn Quốc.

“Nhanh lên” có đồng nghĩa với “thiếu kiên nhẫn”?

Văn hóa “nhanh lên” thể hiện mặt tích cực khi mọi công việc được thực hiện nhanh chóng, khi nói tới Hàn Quốc là nói tới những xu hướng mới nhất như thời trang hay công nghệ. Tuy nhiên, mặt khác, nó cũng gây áp lực để mọi việc được thực hiện ngay nhưng có thể đạt kết quả không như mong muốn.

“Nhanh lên” có đồng nghĩa với “thiếu kiên nhẫn”? (Ảnh dẫn qua: Korean)

Theo định nghĩa mới của Meyer Friedman, con người có hai loại tính cách phổ biến. Người có tính cách loại A là người rất hay ganh đua, thiếu kiên nhẫn, nóng tính và lúc nào cũng cố làm được nhiều việc mà tốn ít thời gian nhất. Ngược lại, người có tính cách loại B là người điềm tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn, ít vội vã hơn và không dễ cáu gắt.

Và người Hàn phần lớn có tính cách loại A. Họ cảm thấy khó chịu khi máy tính khởi động quá chậm. Họ thậm chí còn canh đồng hồ xem nó khởi động mất bao lâu, và tính được thời gian khởi động mất đến 2 phút!

Họ cũng thường bấm thang máy nhiều lần trong thời gian chờ đợi. Đôi khi họ cũng nhấn nút chuyển tiếp trên điện thoại để bỏ qua lời hướng dẫn trong hộp thư thoại. Chính vì sự nôn nóng, nhiều người Hàn khi đi mua cà phê ở máy bán hàng tự động đã vội vàng tự làm bỏng tay mình.

Cả thế giới vẫn đang chứng kiện sự phát triển và chuyển mình không ngừng của Hàn Quốc. Dù văn hóa “nhanh lên” đôi khi gây ra những áp lực nhất định, nhưng nó cũng là động lực chính để người Hàn Quốc biết cách tận dụng tối đa tài nguyên mà họ có: Thời gian.

Quan trọng hơn, dù vội vàng, gấp gáp nhưng xã hội Hàn Quốc lại rất có trật tự, người dân ở nơi công cộng vẫn tuân theo quy định và những nguyên tắc hành xử chung của xã hội. Và đằng sau những hành động ấy là đức tính cần mẫn tuyệt vời, trân trọng từng giây từng phút cuộc sống của người dân xứ sở kim chi.

Thiên Thủy