Tăng huyết áp có thể gây nhiều biến chứng cho trái tim và bộ não gây ra hậu quả nặng nề nếu để tình trạng này tồn tại lâu ngày. Một trong những biến chứng nguy hiểm trên hệ tim mạch là nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim là một trong 3 bệnh gây đột tử cao nhất thế giới. Huyết áp cao làm tăng áp lực lên thành mạch, khiến thành mạch giãn tạo túi phình hoặc tích tụ huyết khối dẫn đến nhồi máu cơ tim gây đột quỵ.

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng máu bị đông tụ thành cục trong động mạch vòng làm tắc đường dẫn máu lên tim. Khi mạch máu bị tắc tức là oxy không được vận chuyển nên tim, mà thiếu oxy thì tim sẽ ngừng đập và tử vong.

Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những biến chứng của tăng huyết áp, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Bệnh tiến triển thầm lặng kéo dài, ít thấy các triệu chứng lâm sàng, nhưng đau ngực là dấu hiệu nổi bật của nhồi máu cơ tim cấp.

Ảnh: soha.vn

Người bệnh thường thấy đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc ngực trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út, đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng bụng trên, cơn đau kéo dài hơn 20 phút và không đỡ khi dùng Nitroglycerin.

Các dấu hiệu khác đi kèm có thể gặp như vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn, rối loạn tiêu hóa… tăng sinh xơ hóa cơ tim, phì đại tế bào cơ tim dần dần xuất hiện các tổn thương của tim như phì đại thất trái kèm giãn hay không giãn buồng thất, suy tim, bệnh động mạch vành, rối loạn nhịp, nhồi máu cơ tim.

Một số trường hợp không có hoặc ít cảm giác đau (còn gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng) hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp, bệnh nhân có thể đột tử mà không có dấu hiệu báo trước.

Biến chứng nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp

Huyết áp tăng cao làm tăng áp lực trên thành động mạch nuôi tim, lâu ngày tạo thành mảng xơ cứng khiến lớp vỏ thành động mạch bị xơ vữa. Khi có mảng xơ vữa, áp lực dòng máu lớn sẽ dễ gây bong, vỡ mảng vữa xơ.

Các mảng vữa xơ này khi di chuyển trong lòng mạch dễ làm bít tắc lòng mạch. Hơn nữa, mảng vữa xơ bong ra cũng là một yếu tố dẫn đến hình thành các cục máu đông – là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim.

Biến chứng nhồi máu cơ tim có thể xảy ra sớm trong giai đoạn cấp và những biến chứng muộn sau đó. Biến chứng sớm trong giai đoạn cấp như rối loạn nhịp tim, suy tim cấp, hen tim, phù phổi cấp, vỡ tim, thủng – phình vách tim, tắc các mạch máu như tắc động mạch phổi, chi, viêm tĩnh mạch… gây nguy cơ tử vong cao.

Ảnh: dictionary.cambridge.org

Cho dù được điều trị, qua khỏi giai đoạn cấp, nhồi máu cơ tim có thể gây ra những biến chứng muộn có tỉ lệ tử vong cao và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, kinh tế cho gia đình và xã hội như suy tim mãn, phình vách tim, viêm màng ngoài tim, hở van hai lá, nhồi máu cơ tim tái phát….

Vì tình trạng nghiêm trọng của nó, phòng ngừa nhồi máu cơ tim là việc mà mỗi người đều cần phải chú ý thực hiện. Trong đó, phòng ngừa và kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa hình thành cục máu đông bằng thuốc, bằng chế độ sinh hoạt cũng là một trong những cách ngăn ngừa nguyên nhân quan trọng dễ gây nên nhồi máu cơ tim.

Điều trị và phòng ngừa biến chứng nhồi máu cơ tim

Khi nghi ngờ bị nhồi máu cơ tim cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế, tốt nhất trong vòng 3 giờ đầu, có thể kịp thời cứu vãn được vùng cơ tim bị nhồi máu.

Ngoài thuốc, điều trị còn bao gồm chế độ ăn uống, sinh hoạt, vật lý trị liệu tùy giai đoạn và kết quả điều trị. Nên tránh thăm hỏi nhiều của người nhà trong giai đoạn cấp.

Với những bệnh nhân trong giai đoạn cấp hoặc chưa ổn định cần bất động tại giường. Sau 24 giờ có thể cho vận động nhẹ nhàng và sau 48 giờ có thể cho đi bộ nhẹ tại phòng rồi tăng dần mức vận động để trở về bình thường. Khi về nhà bệnh nhân cần tập đi lại ngay, tối thiểu mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 20 – 30 phút và duy trì nhịp tim không tăng quá 20 nhịp so với nhịp tim lúc nghỉ.

Ảnh: baokhanhhoa.vn

Chế độ ăn đủ năng lượng (1200 – 1800 calorie/ngày), ít chất béo và muối, tránh táo bón.

Người bệnh không nên hút thuốc, không sử dụng rượu, bia, không ăn nhiều chất béo, không ăn mặn. Cần tập thể dục đều đặn, thường xuyên, tránh căng thẳng thần kinh.

Thường xuyên kiểm tra huyết áp bằng cách đo huyết áp tại nhà hoặc tới các cơ sở y tế để theo dõi huyết áp.

BS. Thu Trang