Không chỉ là thứ quả quê dân giã, quả sung còn có thể hỗ trợ trị liệu hiệu quả. Trong Đông y, đây được coi là vị thuốc dân gian điều trị được nhiều loại bệnh.

Sung còn có tên khác là vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, phẩm tiên quả, nãi tương quả, mật quả…Theo Đông y, quả sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho khan, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp…

Theo nghiên cứu hiện đại, quả sung có chứa glucose, saccharose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citric acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, photpho, kali… và một số vitamin như C, B1… Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy, nó có tác dụng nhuận tràng, ngừa táo bón, hạ huyết áp, giảm cân và phòng chống ung thư.

Tác dụng của quả sung với sức khỏe

1. Hạ huyết áp, tốt cho tim mạch

Tuy bé nhưng quả sung có một “công dụng vàng” đối với tuổi thọ của quả tim cũng như hệ tuần hoàn. Nó chứa nhiều kali, ít natri. Đây là hai dưỡng chất thiết yếu có tác động trực tiếp đến khả năng hoạt động của hệ tuần hoàn. Theo đó, sự mất cân bằng giữa natri và kali sẽ khiến huyết áp tăng cao nhanh chóng. Do đó, việc áp dụng chế độ ăn uống giàu trái cây và rau củ, bao gồm sung tươi sẽ giúp cho lượng kali tăng trở lại, ngừa cao huyết áp. Đặc biệt hơn, nghiên cứu cũng cho thấy sung chứa lượng dồi dào omega-3 và omega-6, giúp điều hòa huyết áp, nuôi dưỡng một trái tim khỏe mạnh.

Quả sung vị ngọt, tính bình nuôi dưỡng hệ tiêu hóa khỏe mạnh. (Ảnh: pixabay.com)

2. Nuôi dưỡng hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Quả sung chứa một lượng chất xơ khá nhiều so với các loại rau củ khác, đặc biệt là giàu prebiotic – chất hiếm hoi giúp ổn định khả năng hoạt động của vi sinh hệ tiêu hóa. Chính vì thế, quả sung từ lâu đã được dùng như một vị thuốc dùng để cải thiện hệ tiêu hóa của những người “yếu bụng”. Sung có khả năng kích thích nhu động ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột phát triển. Vì vậy, ăn sung sẽ góp phần cải thiện hệ tiêu hóa, chống táo bón và ngừa bệnh trĩ.

3. Bảo vệ xương khớp cho người có tuổi

Mặc dù vẻ ngoài xấu xí, vị đắng chát nhưng sung đôi khi còn tốt hơn cả những ly sữa giàu canxi mà mọi người vẫn dùng. Các nhà khoa học đã công bố, quả sung chứa nhiều kali, mangan và canxi… những khoáng chất có tác động trực tiếp đến sự phát triển và ổn định khung xương của người trưởng thành.

Kali trong sung đóng vai trò như một chất xúc tác, chống lại sự bài tiết canxi thông qua nước tiểu. Mangan giúp kích hoạt các enzym tiêu hóa thức ăn một cách dễ dàng, từ đó giải phóng canxi giúp xương chắc khỏe. Bạn có thể dùng như một loại thực phẩm bổ sung cung cấp canxi tự nhiên cho cơ thể.

Sung có thể hỗ trợ rất tốt cho người tiểu đường và ung thư. (Ảnh: vietnamplus.vn)

4. Phòng chống bệnh thời đại: đái tháo đường và ung thư

Một trong những công dụng đáng lưu ý ở quả sung chính là khả năng chống lại hai căn bệnh kinh hoàng trong thời hiện đại là ung thư và tiểu đường. Nghiên cứu tại Đại học bang Colorado (Mỹ) đã công bố, không phải ngẫu nhiên mà người ta đang chiết xuất hoạt chất của sung để bào chế các dược phẩm. Trong quả sung giàu hoạt chất mang dược tính như coumarin, pectin, beta-carotene, vitamin A, C, E, K, đồng, sắt, kẽm… hầu hết những chất này có thể làm giảm cholesterol xấu trong máu, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư ruột kết.

Lá sung có đặc tính chữa bệnh. Sắc lá cây sung uống có thể giúp bệnh nhân tiểu đường giảm hấp thu insulin. Đặc biệt hơn, ăn sung giúp tạo môi trường kiềm, đưa pH của cơ thể ở mức 7,0 – 7,4 nhờ đó mà hạn chế nguy cơ bệnh tật.

Bài thuốc trị bệnh từ sung

Thủy đậu: Lá sung tươi 100 – 150g, sắc lấy nước, dùng tăm bông tẩm nước thuốc, bôi lên nốt đậu, ngày 3-5 lần. Hoặc lấy một mảng vỏ sung cỡ 2 bàn tay, cạo bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài, đập dập cho vào nồi nấu, chờ nước đỡ nóng (còn âm ấm) thì tắm. Nói chung, sau 3-5 ngày là có kết quả. Nhiều người đã ứng dụng thấy kết quả tốt.

Lá sung đun nước có thể dùng trị thủy đậu hiệu quả. (Ảnh: baomoi.com)

Chữa zona: Lá sung rửa sạch, hong khô, cắt nhỏ, thêm chút giấm ăn, giã nhuyễn, đắp vào chỗ bị bệnh, thuốc khô lại thay.

Mụn nhọt: Giai đoạn sưng đỏ, nung mủ. Băm thân cây sung, hứng lấy một chén con nhựa, bôi trực tiếp vào chỗ đau, sưng đỏ đến đâu bôi đến đó, bôi liên tục nhiều lần trong ngày. Hoặc có thể trộn nhựa sung với lá non, giã nát rồi đắp lên chỗ đau. Khi mụn đã có mủ, muốn lấy ngòi ra thì giã thêm một củ hành với nhựa và lá sung rồi đắp như trên, để hở miệng.

Trị bỏng: Lá vú sung phơi khô, sao vàng, tán bột mịn, trộn đều với mỡ lợn, bôi vào nơi bị bỏng nhẹ độ 1,2 sẽ đỡ đau rát. Ngày bôi nhiều lần.

Trên mặt nổi mụn: Dùng lá sung tật (có u) nấu nước nóng xông rửa mặt hàng ngày.

Trẻ em ghẻ lở: Lá sung non giã nhỏ xát vào, bong vẩy là được.

Viêm khớp: Sung tươi lượng vừa đủ đem hầm với thịt lợn nạc ăn. Hoặc sung tươi 2-3 quả rửa sạch thái vụn rồi tráng với trứng gà ăn.

Viêm họng: Dùng sung tươi sấy khô, tán bột, lấy một chút thổi vào họng. Hoặc sung tươi gọt vỏ, thái phiến, sắc lấy nước, cho thêm đường phèn rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hàng ngày.

Ho khan không có đờm: Lấy lượng sung chín vừa đủ, rửa sạch, giã nát, rồi vắt lấy nước ép, uống mỗi ngày một lần, có thể hỗ trợ trị chứng ho khan có đờm.

Táo bón: Sung tươi 9g sắc uống hàng ngày. Hoặc ăn sung chín mỗi ngày 3 – 5 quả. Hoặc lấy 10 quả sung tươi đem rửa sạch bổ đôi, ruột già lợn một đoạn làm sạch thái nhỏ, hai thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn trong ngày.

Theo Đông y, quả sung khô có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh trĩ và dạ dày hiệu quả. (Ảnh: pixabay.com)

Bệnh trĩ: Lấy 1 – 2 quả sung ăn sống hoặc nấu lên ăn ngày 2 lần. Kết hợp dùng nhựa quả bôi vào vùng bị trĩ hoặc lấy lá sung nấu nước để ngâm rửa hậu môn, sau đó lau khô. Bài thuốc này có tác dụng tiêu thũng, giảm đau dùng cho người bị bệnh trĩ sưng đau và trĩ chảy máu giúp giảm triệu chứng bệnh hiệu quả. Ngoài ra có thể dùng 10 quả sung khô (hoặc vỏ cây sung) hoặc 1 nắm lá sung to đem nấu nước để xông hậu môn, khi nước còn ấm thì dùng để ngâm rửa vùng bị trĩ. Mỗi ngày làm như vậy 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần xông hơi 30 phút và thực hiện liên tục trong 8 – 10 ngày (1 liệu trình).

Đau dạ dày: Dùng quả sung khô, tán thành bột mịn cho vào lọ, đậy kín dùng dần. Mỗi ngày lấy 2 – 3 thìa cafe bột sung pha với 350ml nước ấm, uống trước ăn 20 phút. Dùng liên tục trong 2 tháng sẽ có hiệu quả rõ rệt. Hoặc lấy 2 quả sung khô, ngâm nước ấm để qua đêm. Ăn cả cái và uống nước khi bụng đói. Thực hiện liên tục trong 2 tháng.  

Lưu ý:

Sung chứa oxalate – hợp chất tự nhiên có thể gây hại khi tích tụ trong máu. Thông thường, thận sẽ lọc bỏ hợp chất này ra nhưng khi không khỏe mạnh, sẽ không thể thực hiện chức năng này. Ăn quá nhiều sung cũng có thể làm tình trạng sức khỏe thận, mật gặp vấn đề. Do đó, cần hết sức lưu ý khi tiêu thụ loại trái cây này.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: SKĐS