Dù đã cảnh báo, nhưng mỗi đợt gần Tết, số ca ngộ độc rượu ngày càng gia tăng, không ít trường hợp đã tử vong.

Rượu là một trong các tác nhân gây ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày, thực quản; làm tăng huyết áp, rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ…

Cận Tết, nhiều bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, năm 2017, số vụ ngộ độc rượu tăng đột biến với 115 người phải nhập viện và 11 người tử vong. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi trên thực tế, còn có rất nhiều người mắc các bệnh mạn tính liên quan đến rượu, bia.

Tính riêng tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm điều trị hơn 2.000 bệnh nhân xơ gan do lạm dụng rượu, bia và dự báo số ca nhập viện có xu hướng tăng đột biến trong dịp gần Tết Nguyên đán. Trước đây chủ yếu là bệnh nhân nam tuổi từ 40-50, nhưng gần đây rất nhiều bệnh nhân trên dưới 30 tuổi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân của 31% số vụ đánh giết nhau, 33% số vụ hiếp dâm, 18% số vụ tai nạn giao thông và là tác nhân gây ra 60 loại bệnh.

Trao đổi với Vnexpress, bác sĩ Hoàng Nam, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị đã tiếp nhận những bệnh nhân điều trị viêm gan, xơ gan, xuất huyết tiêu hóa tới 13 lần chỉ trong trong vài năm. Hiện nay, mỗi ngày khoa Tiêu hóa tiếp nhận 30 bệnh nhân, trong đó hơn một nửa liên quan đến rượu.

Từng bị thủng dạ dày vì rượu, người đàn ông 46 tuổi, Nghệ An vẫn tiếp tục uống đến mức gan to, tụy bị hỏng một phần, theo Vnexpress.

Sau nhiều lần ăn nhậu, bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân đã bị hỏng một phần tụy, viêm gan, gan hơi to.

Trước đó, năm 2010, sau một tuần liên tục uống nhiều loại rượu, bệnh nhân bị thủng tâm vị dạ dày, phải điều trị dài ngày. Người đàn ông cho biết đã uống rượu 20 năm nay, gần như tuần nào cũng có cuộc nhậu, chỉ ba người cũng uống hết hai lít rượu.

Trường hợp khác, bệnh nhân nam 56 tuổi ở Hà Nội cũng vào viện trong tình trạng viêm gan, ung thư niệu quản. Bệnh nhân có tiền sử suy giảm miễn dịch do uống rượu thường xuyên, theo VOV.

Cận Tết, nhiều bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu
(ảnh: VOV).

Người vợ cho biết, chồng nghiện rượu, uống cả nửa lít mỗi ngày. Khi được bác sĩ chẩn đoán bị viêm gan do rượu với tình trạng men gan cao, chồng vẫn uống. Dịp cuối năm, giáp Tết liên hoan nhiều, bệnh nhân càng uống nhiều hơn.

Hai bệnh nhân này đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cùng 10 trường hợp khác tương tự. Trước đó 2 tuần, một bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.

Theo Vnexpress, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều trường hợp ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp methanol.

“Không chỉ bị ngộ độc rượu methanol, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu thông thường. Nhiều “ma men” nghĩ rằng say rượu không nguy hiểm, nhưng họ đã nhầm. Thực tế, say rượu chính là biểu hiện của việc bị ngộ độc rượu, tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng gia tăng ngộ độc rượu hiện nay, đặc biệt vào dịp Tết. Bộ trưởng mong muốn người dân ý thức hơn về tác hại của rượu, tác dụng cấp tính và mạn tính như ung thư.

Ngộ độc rượu có thể xảy ra đối với hai loại rượu chủ yếu là rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Tuy số ca ngộ độc do sử dụng rượu thực phẩm ethanol phổ biến hơn nhưng ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nguy hiểm hơn, để lại nhiều di chứng và có tỉ lệ tử vong cao.

Khi đưa vào cơ thể, rượu cồn công nghiệp chuyển hóa thành các axit gây tổn thương cho các tết bào đặc biệt ở mắt não. Ngộ độc methanol có thể gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác nên gây mù vĩnh viễn. Ngoải ra, ngộ độc rượu cồn công nghiệp còn có thể để lại những di chứng như tổn thương não, gây sốc tụt huyết áp, suy thận, mất trí nhớ…

Tết Mậu Tuất 2018 đang đến gần, đây là thời điểm sản xuất, kinh doanh rượu tăng mạnh. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý rượu giả, rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, người dân không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày (đối với nam) và một đơn vị cồn/ngày (đối với nữ). Một đơn vị cồn tương đương với 1 cốc bia 330ml hay 1 ly rượu vang 100ml hoặc 1 cốc nhỏ 30ml rượu mạnh.

Bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo, mọi người nên ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau khi uống rượu, đặc biệt là bổ sung tinh bột (cơm, bún, mỳ,…) hoặc sử dụng thức ăn có nhiều đường.

Điều quan trọng là mọi người cần lưu ý uống vừa phải để tránh bị say. Trong trường hợp bị ngộ độc rượu thì cần bảo đảm thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên.

Phương Nam