Nếu bạn có cơ hội đi qua khu vực trạm thu phí Suối Giữa, tỉnh Bình Dương, xin đừng quên ghé thăm “ông cụ bán sen”, để mua một đóa hồng liên tươi thắm. Đến mua sen ở đây, bạn không chỉ mua được những đóa hoa do chính tay ông cụ trồng mà cuộc sống của ông sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn khác để ngẫm nghĩ về ý nghĩa của đời người. 

Người dân Bình Dương khi lưu thông trên Quốc Lộ 13 từ Thủ Dầu Một đi Bến Cát hẳn đã rất quen thuộc với hình ảnh của ông lão bán sen gầy gò, nhỏ thó với cái đầu trọc lốc và làn da đen nhăn nheo. Ông bán hoa ở khu vực này đã ngót nghét 20 năm. Nhưng ông chỉ bán duy nhất một loài hoa, là hoa sen. 

Ông cụ bán sen ở Bình Dương (Ảnh: Facebook Hóng)
Hình ảnh ông lão gầy gò bên những đóa sen đã trở nên quá đỗi thân thương với nhiều người dân ở đây (Ảnh: Facebook Hóng)

Người dân ở đây quen thuộc với hình ảnh của ông đến độ, không ai còn để ý tới tên thật của ông là Nguyễn Văn Xuân. Bởi biệt hiệu “ông cụ bán sen” đã ghi sâu trong trí nhớ của nhiều người.

Những người đã từng đến mua sen của ông đều cho biết, sen của ông đẹp lắm, mà ông bán giá lại thật phải chăng, 50 nghìn một bó mười bông.

Sen của ông đẹp lắm (Ảnh: Facebook Hóng)
Mà ông bán còn rẻ nữa (Ảnh: Facebook Hóng)

“Hoa đẹp thế mà ông bán rẻ vậy, sao ông già vậy mà vẫn phải đi bán sen. Chắc cuộc sống mưu sinh của ông phải vất vả, gian truân lắm”. Đây có thể là suy nghĩ của nhiều người đến mua hàng của ông Xuân. Cái hình hài khắc khổ, lối trang phục giản đơn, nghèo nàn của ông khiến người qua đường và người mua hoa càng thêm xót xa. Ông thường chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn, tấm thân để trần. Đôi chân đi đôi dép nhựa đã cũ, có quai hậu làm bằng sợi dây ni-lông. 

Trang phục giản đơn của ông khiến nhiều người xót xa (Ảnh: Facebook Hóng) 
Đôi dép quai hậu tự chế của cụ (Ảnh: Facebook Hóng)

Lựa chọn khác biệt

Ông cụ bán sen ấy đã ngoài 80, ông đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm. Ở cái tuổi ấy, con người ta thường luôn mong được vui vầy bên con cháu và rất sợ sự cô đơn, lạnh lẽo của những ngày cuối cùng còn trên cõi đời. Nhưng với ông Xuân, câu chuyện và sự lựa chọn cuộc sống lại có nhiều phần khác biệt. 

Được biết, ngày còn nhỏ, ông Xuân còn có tên gọi là Hai. Từ thủa bé, ông Xuân đã yêu mến không khí thanh tịnh, an yên nơi cửa chùa. Đến năm 19 tuổi, ông quyết định lên chùa quy y, dành đời mình để tu theo Phật. Nhưng, ông ở chùa được 4 năm thì sư trụ trì qua đời. Ông Xuân khi ấy cũng trở lại đời thường, rồi đất nước có biến động, ông tham gia kháng chiến. 

Chiến tranh qua đi, ông Xuân nhận ra rằng, tấm lòng của ông vẫn hướng về sự Từ Bi của Phật. Vì thế, ông không lấy vợ sinh con mà ở vậy trồng sen đem bán cho những người đi lễ Phật. 

Ông chọn dành cả đời này để trồng sen, bán sen cho những người đi lễ Phật (Ảnh: Facebook Hóng)

Ông Xuân chia sẻ, ông yêu bông sen lắm. Loài hoa này thanh tao, thuần khiết tựa như tấm lòng của Phật. Ông chọn công việc này vì tấm lòng thành kính vẫn luôn hướng về Đức Phật, vì yêu sen và cũng vì để cha mẹ ông nơi chín suối có thể mỉm cười hạnh phúc. Hóa ra, việc bán sen là cách ông lựa chọn cuộc sống cho mình, chứ không phải đơn thuần chỉ là câu chuyện mưu sinh.

Ông cụ tỷ phú

Ông cụ bán sen không nghèo khó như người ta vẫn nghĩ (Ảnh: Facebook Bình Dương 24H)

Nhiều người thương ông nghèo, nhưng không mấy ai biết, dưới con mắt của người thời nay, miếng đất hàng ngàn mét nơi ông trồng sen đem bán có trị giá hàng tỷ đồng. Theo một cách nào đó, “ông cụ bán sen” là một tỷ phú, chứ không phải chuyện giỡn chơi. Nhưng đồng tiền và những lời chào mua hấp dẫn cũng không khiến ông Xuân động lòng. Mảnh đất này là nơi để ông gieo sen, trồng sen, rồi chọn những bông đẹp nhất bán cho mọi người. 

Ông sống trong một túp lều tôn (Ảnh: Facebook Bình Dương 24H)
Xung quanh bát ngát toàn sen (Ảnh:  Facebook Bình Dương 24H)

Khi ở ngoài kia, người người đua nhau sắm nhà to, sắm đồ công nghệ mới nhất, ông Xuân sống giữa vườn sen, trong một căn lều nhỏ lợp bằng tôn không điện, không nước máy. Trước hiên nhà, ông đặt nhiều lu lớn để hứng nước mưa.

Ông hứng nước mưa để ăn uống (Ảnh: Facebook Bình Dương 24H)
Sống không điện, không nước sạch (Ảnh: Facebook Bình Dương 24H)

Ông ăn uống bằng thứ nước trời ban và tắm giặt ở con sông ngay gần đó. Ông còn có một cái thú là đi nhặt những đôi dép tông, những đôi giày cũ về để sửa lại. Ông buộc thêm quai, tháo cái này, lắp vào cái kia để tạo thành những đôi dép mới cho mình. 

Ông còn thu thập những đôi dép cũ (Ảnh: Facebook Bình Dương 24H)
Tự mình chế lại thành những đôi dép quai hậu (Ảnh: Facebook Bình Dương 24H)

Cuộc sống của ông cụ cứ nhẹ nhàng trôi như thế. Ngày trước khi còn khỏe, ông hay để sen vào những chiếc thùng trắng rồi đặt lên xe đạp, rong ruổi khắp phố phường, mang những bông hoa thanh khiết đến với mọi người. Nay, sức khỏe yếu đi nhiều nên ông chỉ bán quanh ở khu vực trạm thu phí này. Cuộc đời ông 20 năm này luôn gắn liền với những đóa sen như thế. 

Một góc nhìn khác về ý nghĩa của cuộc đời

Đúng như lời bình luận của một người dùng mạng, trông ông khắc khổ nhưng không hề có sự đau khổ của những người đang nặng gánh cái nợ cơm, áo, gạo, tiền. Trông ông giản dị, có phần rách nát nhưng người ta vẫn quý, vẫn thương.

Thực ra ông không vất vả, khó khăn hay nghèo khó như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ là ông chọn cho mình cách sống giản đơn này. Ông trồng sen, thương sen, lấy sen đem bán cho mọi người và khi rảnh rỗi … ông làm thơ về sen. Ông Xuân tự hào lắm về hàng trăm bài thơ ông đã làm tặng cho sen.

Nếu bạn yêu sen, yêu thơ, việc dành một ngày đến để bầu bạn cùng ông, xin ông được ở trong “ốc đảo sen” hẳn là một cơ hội quý để cảm nhận cuộc sống này theo một cách hoàn toàn khác. Ở giữa ốc đảo không điện nước, không tiện nghi vật chất, chỉ có những bông sen thanh khiết, có tấm lòng thành kính hướng đến Đức Phật từ bi và những vần thơ ca ngợi những điều thanh khiết, bạn sẽ thấy cuộc sống này nhẹ đi nhiều lắm. 

Ông cụ bán sen khiến nhiều người có một cách nhìn khác về ý nghĩa của cuộc sống (Ảnh: Facebook Bình Dương 24H)

Nhìn cụ, nhiều người có lẽ sẽ đặt câu hỏi cho chính mình: Con người chúng ta sinh ra trên cõi đời này phải chăng vì để làm việc thật nhiều, kiếm thật nhiều tiền, mua thật nhiều đồ đạc để hưởng thụ cho hết cái cuộc đời ngắn ngủi này? Niềm hạnh phúc thật sự của mỗi chúng ta liệu có nằm ở những vật chất hiện hữu mà con người khao khát sở hữu?

Những điều tưởng chừng như giản dị nhất và không thể cầm nắm lại có thể mang đến cho một con người một cuộc sống thật thảnh thơi và tự tại. Như những bông sen nở rồi tàn, như tấm lòng kính ngưỡng dâng trọn cho Đức Phật đã đem đến cho ông lão bán sen một cuộc đời thật khác…

Hy Văn