Một ngày tháng 5 cách đây hơn 20 năm có một em học sinh sắp thi đại học chạy tới kể với tôi: “Thầy ơi! Hôm qua trong lúc nghỉ ngơi, em đã xem được một tập phim rất hay! Thầy có muốn biết là tập phim gì không?”

Tôi trả lời: “Là phim gì mà em vui thế, nói đi xem nào!”

Em học sinh trả lời: “Là tập phim “Thỉnh kinh nữ nhi quốc” trong phim “Tây Du ký”!”

Tôi nói rằng, tôi đã xem qua, quả là một tập phim hay!

Em học sinh lại hỏi tiếp: “Thế thầy nói xem Đường Tăng có phải là ngốc nghếch không? Nữ vương xinh đẹp như vậy giữ ông ấy ở lại mà ông ấy không ở.”

Nhìn em học sinh tôi biết, cô bé có vẻ không đồng tình với Đường Tăng, rằng Đường Tăng đúng là ngốc nghếch. Với tư cách là một thầy giáo, tôi cần phải trả lời theo hướng tích cực để học sinh còn học tập, vì thế tôi nói: “Người có chí riêng em ạ! Nếu như Đường Tăng mà ở lại thì đã không lấy được kinh rồi. Giống như các em bây giờ, nếu mà có ý nghĩ muốn nghỉ học thì chắc chắn là không thi đỗ đại học, đúng không?”

Em nữ sinh lại nói: “Đường Tăng vẫn có thể để cho đồ đệ của ông đi lấy kinh được mà. Hơn nữa, ông ấy người trần mắt thịt nhận biết yêu ma quỷ quái không bằng Tôn Ngộ Không, đi bộ lại không bằng Trư Bát Giới. Nếu ông ấy không đi thì Tôn Ngộ Không đã sớm cưỡi mây đạp gió đi lấy kinh rồi. Thầy giáo, thầy chưa thuyết phục được em rồi. Nhưng mà em hiểu ý của thầy, em sẽ cố gắng ôn tập tốt để thi đỗ đại học ạ!”

Em nữ học sinh nói xong rồi lấy tay xua xua ra hiệu chào tạm biệt tôi và chạy đi.

Đúng vậy! Lúc ấy, tôi cũng cảm thấy em học sinh kia nói rất có lý. Nếu như Đường Tăng để cho đệ tử của ngài đi lấy kinh, Đường Tăng ở lại hưởng thụ vinh hoa phú quý, kinh cũng lấy được, chẳng phải là việc nhất cử lưỡng tiện sao? Vậy mà Đường Tăng lại vẫn đi, trùng trùng điệp điệp gian khổ, hao công tốn sức, chẳng phải là cái được không bù nổi cái mất à?

Bây giờ, xem lại “Thỉnh kinh nữ nhi quốc” nỗi băn khoăn trong lòng tôi đã được giải khai. Tôi đã hiểu được vì sao mà nữ vương lại không thể giữ được Đường Tăng. Kỳ thực, muốn hiểu rõ thì phải xem lại toàn bộ câu chuyện “tây du ký” này.

“Lấy kinh” là quá trình tu luyện

Cẩn thận nghiên cứu tác phẩm kinh điển này, chúng ta sẽ phát hiện “Tây Du Ký” chính là một câu chuyện tu luyện. Nó là dùng hình thức “lấy kinh” để biểu đạt quá trình tu luyện, quá trình “lấy kinh” chính là quá trình “tu luyện”. Đủ loại khó nạn mà thầy trò Đường Tăng gặp phải trong quá trình lấy kinh chính là đủ loại khó nạn mà người tu luyện gặp phải trong quá trình tu luyện. Trong “Tây Du Ký”, thầy trò Đường Tăng trải qua chín nhân chín là tám mươi mốt nạn là tượng trưng cho những nạn trải qua trong quá trình tu luyện. Đương nhiên, tình huống nạn của mỗi người là khác nhau, bao nhiêu nạn cũng là khác nhau và cũng không phải ai tu luyện cũng phải trải qua 81 nạn. Điều này là phụ thuộc vào nghiệp lực đời đời kiếp kiếp của một người và khả năng chịu đựng của người ấy.

Những nạn mà Đường Tăng gặp phải phần lớn đều là do yêu ma tác quái và cũng có nạn là do con người tạo ra. Thầy trò Đường Tăng đi qua “Nữ vương quốc” cũng là một đại nạn, một đại quan (quan ải, cửa ải). Tại đây, không chỉ phải vượt qua được “quan tình” mà phải vượt qua cả “quan sắc”, “quan dục”, “quan danh”, “quan lợi”. Nếu mà họ không vượt qua được quan này thì đương nhiên “tu mà như không” rồi, quan ải này so với nạn mà yêu ma quỷ quái tạo ra cũng không hề dễ dàng hơn!

Tu luyện là việc của cá nhân mỗi người

Nếu xét về tu luyện mà nói, người khác có thể tu thay mình không? Không thể! Ai tu thì người ấy được, ai không tu thì vĩnh viễn không được. Đường Tăng là người tu luyện, đương nhiên là ông hiểu rõ điểm này.

Lúc ấy, nói cho em học sinh kia nghe về việc tu luyện thì chắc hẳn em ấy không thể hiểu được. Và kể cả những người lớn, còn đang ở trong “danh, lợi, tình” thì cũng khó có thể hiểu được.

Nếu như Đường Tăng ở lại với Nữ vương xinh đẹp kia, thì điều ông có được là vinh hoa phú quý cả đời, ân ân ái ái, nhưng năm tháng qua đi giống như nước chảy. Một khi đã qua đi thì sẽ tiến vào vòng luân hồi, dù cho kiếp sau được đầu thai lại thành người trần, thì cũng sẽ không chắc chắn có được vinh hoa phú quý như đời này nữa. Khi ấy, nếu hai người vẫn có duyên là vợ chồng, nhưng lúc gặp khổ nạn thì cũng sẽ giống như chim rừng “đại nạn đến thì cất cánh bay” mà thôi. Bởi trên thế gian này, lời thề non hẹn biển giữa vợ chồng, hỏi mấy ai làm được?

Chỉ có tu luyện mới có thể đạt được sự sống vĩnh hằng. Người thường tự mình ấp ủ những ham muốn con người sẽ không thể hiểu được Đường Tăng, nhưng người tu thì đều rõ ràng minh bạch.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch