Sau khi Âu Dương Tu cầu mưa thành công, Tô Đông Pha cũng thực hiện trai giới và khẩn cầu Thần ban mưa xuống. Câu chuyện ly kỳ này được ghi chép trên bia đá và còn lưu truyền tới ngày nay.

Tháng 8 năm Nguyên Hựu thứ sáu đời Tống Triết Tông (năm 1091), Tô Đông Pha đến Dĩnh Châu nhậm chức. Năm ấy Dĩnh Châu trải qua một đợt hạn hán lớn, vụ mùa thất thu, lúa mạch mùa đông cũng héo úa vì thiếu nước. Nếu hạn hán cứ tiếp tục thì Dĩnh Châu sẽ phải đối mặt với một năm đói kém mất mùa. Với thân phận là quan Dĩnh Châu, Tô Đông Pha một mặt tích trữ lương thực, vừa cứu trợ nạn đói vừa dâng tấu lên triều đình xin giảm bớt thuế cho người dân, một mặt lại chuẩn bị cúng tế cầu mưa.

Các quan viên nhà Tống cũng tham gia chủ trì lễ cầu mưa, bởi đó không chỉ là việc của quan chức mà còn là trách nhiệm vì người dân mà giải trừ khốn khó. Nhà Tống cũng xây dựng và công bố các quy tắc của nghi lễ. Theo ghi chép trong Tống Sử – Cát Lễ Ngũ thì trong năm Hàm Bình thứ hai (năm 999) và năm Cảnh Đức thứ ba (năm 1006), triều đình đã công bố “Kỳ vũ pháp” (phép cầu mưa) và “Họa long kỳ vũ pháp” (cách vẽ rồng cầu mưa), quy định chi tiết về thời gian, địa điểm, bàn thờ, vật tế lễ và các chủ tế của lễ cầu mưa.

Tô Đông Pha đã viết lời cầu mưa cho Dĩnh Châu để chuẩn bị cho lễ tế. Sau đó ông lại được nghe Âu Dương Tu kể rằng huyện Dĩnh Thượng có một ngôi đền thờ Thần Trương Long Công vô cùng linh nghiệm, vì vậy Tô Đông Pha đã hướng về vị Thần này mà thỉnh cầu.

Một phần của “Lời cầu nguyện mưa cho huyện Dĩnh Châu” được viết bởi Tô Đông Pha. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Trương Long Công là vị Thần phương nào? Dựa theo ghi chép trong văn bia “Chiêu Linh Hầu miếu bi” của Tô Đông Pha, Trương Long Công tên là Lộ Tư, sống ở làng Nhân Xã huyện Dĩnh Thượng vào thời nhà Tùy. Năm 16 tuổi ông đã thi đỗ Minh kinh khoa, vốn là kỳ thi tuyển quan chức của Võ Đế thời nhà Hán, nhưng sau này đã bị bãi bỏ trong thời nhà Tống.

Trong những năm Cảnh Long triều Đường (707-709), Trương Lộ Tư đảm nhiệm chức Tuyên thành lệnh, nổi tiếng là một viên quan giỏi có tài năng. Ông cùng phu nhân Thạch Thị có chín người con trai. Sau khi bãi quan, ông thường câu cá ở Tiêu Thị Đài. Vào một ngày nọ, ông thấy ở nơi mình câu cá xuất hiện một cung điện nguy nga tráng lệ, ông bèn bước vào thăm thú. Từ đó ông thường ra ngoài vào ban đêm và trở về nhà vào buổi sáng sớm.

Mỗi lần ông trở về, phu nhân phát hiện thấy người ông lạnh toát lạ thường, bèn hỏi ông chuyện gì đã xảy ra? Ông nói: “Tôi là một con rồng, Trịnh Tường Viễn người đất Liễu cũng là rồng. Ông ta với tôi tranh nhau nơi ở tại cung điện, ngày mai chúng tôi sẽ quyết chiến với nhau. Mong phu nhân hãy gọi chín đứa con trai đến giúp tôi. Hãy nhớ rằng tôi có một mảnh vải lụa màu đỏ trên cổ áo, còn của Trịnh Tường Viễn là màu xanh”.

Ngày hôm sau, hai rồng đại chiến, chín người con của Trương gia đã bắn một mũi tên trúng vào người Trịnh Tường Viễn, khiến Trịnh rơi xuống núi Tây của Hợp Phì, nơi đó sau này đã trở thành núi Long Huyệt. Theo truyền thuyết chín người con trai nhà họ Trương cũng hóa thân thành rồng, còn phu nhân Thạch Thị sau khi qua đời được chôn cất tại Quan Châu. Anh trai của Trương Lộ Tư làm quan Mã bộ sứ giả, cháu trai của Trương gia sống trong làng, và nghĩa trang vẫn còn đó. Sự việc này được một người thời nhà Đường là Triệu Canh ghi lại, từ đó câu chuyện ‘Trương gia hóa rồng’ được lưu truyền qua đời đời. Sau này Âu Dương Tu cũng ghi chép lại sự kiện này trong Tập Cổ Lục – bộ sưu tập các ghi chép cổ xưa.

Lý do Âu Dương Tu biết được sự linh nghiệm của Trương Long Công là vì bản thân ông cũng đã từng khấn Thần Trương Long Công mà cầu mưa thành công.

Âu Dương Tu thuật lại rằng: Bởi vì lúc ấy đất nước lâm cảnh khó khăn, quan viên không có khả năng xử lý được nên người dân buộc phải rời đi. Ông tự trách chính mình, nghĩ rằng vì tính tình ngoan cố và ngu muội của bản thân mà thiếu đi sự chân thành và tín tâm đối với Thần, nên mới không cảm động đến các vị Thần được. Nhìn đức vua thì buồn rầu, dân chúng thì đói khát, cuộc sống thì khốn khổ, ông đã thành khẩn cầu trời cho một cơn mưa lớn để giải cứu nạn hạn hán. Đây là việc tốn ít sức lực nhất nhưng lại có nhiều công đức nhất, đồng thời cũng là việc mà người bình thường không có khả năng thực hiện nổi, còn đối với Thần linh mà nói thì rất dễ dàng. Âu Dương Tu hy vọng rằng Thần linh sẽ không chỉ vì trách cứ một kẻ như ông mà giáng họa lên bách tính lê dân.

Cầu mưa. (Ảnh: Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Bắc)

Âu Dương Tu đã chủ trì lễ tế cầu Trương Long Công làm mưa, quả nhiên trời đã đổ mưa. Sau đó ông viết hai bài thơ như sau:

Bài thơ thứ nhất: “Kỳ vũ hiểu quá hồ thượng” (Sáng cầu mưa đi trên hồ) có viết:

Tinh mơ xua ngựa nghĩ miên man,
Hồ lặng mênh mông bích ngọc lam.
Mặt trời chưa rạng mây mù nổi,
Mặt hồ xanh ngọc nổi khói chàm.

Thân nhàn bỗng thấy quang cảnh đẹp,
Xuân đi cảnh sắc vẫn chứa chan.
Đợi lúc bốn bề mưa tưới đẫm,
Bội thu mưa thuận nhạc mừng vang.

Bài thơ thứ hai là “Hỷ vũ” (Mừng mưa) viết:

Mưa lớn tuy tầm tã,
Dấu xe rõ nắng mưa.
Mưa nhỏ tan ngập nước,
Tưới đẫm khắp một vùng.

Đâu chỉ là tưới đẫm,
Lợi ích ấy vô cùng.
Chẳng nói mưa to nhỏ,
Mưa nhỏ dân cũng mừng.

Lúa mạch đã chắc hạt,
Lúa mới chưa nhú chồi.
Một ngày mưa đúng lúc,
Phúc được mùa một năm.

Đêm nghe mưa rả rích,
Ánh ban mai mát lành.
Cánh đồng sông sạch bóng,
Cỏ cây bừng sáng trong.

Trẻ con mừng khoai sắn,
Nông phu ngắm ao hồ.
Ai nói làm ruộng khổ,
Vui này mãi không tàn.

Nghe nói rằng sau khi Âu Dương Tu cầu mưa thành công, Tô Đông Pha đã viết lời cầu mưa nghênh đón Thần Trương Long Công, đồng thời phái Giáo thụ Trần Sư Đạo (quan Giáo thụ là chức quan văn cấp phủ, chỉ đạo việc giáo dục và học hành) và con trai Tô Đãi thực hiện trai giới, sau đó xậy dựng một ngôi đền thờ tại Hồ Tây cho Trương Long Công.

Từ ngày 25/10 đến ngày 1/11, Tô Đông Pha thực hiện trai giới rồi cầu mưa, sau đó quả nhiên trời đã xuất hiện mưa tuyết, giải trừ nạn hạn hán cho Dĩnh Châu. Bởi không có gì để báo đáp lại Thần linh, nên ông đã kêu gọi dân chúng trùng tu lại đền thờ Thần Trương Long Công và dựng lên một phiến đá khắc chữ ghi lại sự kiện này.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tác giả: Tống Bảo Lam
Ngọc Ni biên dịch