Trong dân gian Trung Quốc lưu truyền một câu ngạn ngữ là: “Ba tuổi thấy nhỏ, bảy tuổi thấy già”, còn có một câu là “ba tuổi định tám mươi”. Ý muốn nói là từ vẻ ngoài của một đứa trẻ lúc nhỏ đã có thể biết được sau này nó lớn lên sẽ trở thành người như thế nào. Tại sao lại nói như vậy? Chúng ta hãy nghe câu chuyện dưới đây.

Ngày xưa có một người họ Trình tên là Trình Tướng. Có lẽ là cha anh hy vọng sau này anh có thể thi cử đỗ đạt, được làm tể tướng, rạng danh tổ tiên nên mới đặt cái tên này. Trình Tướng rất giỏi văn chương, từ nhỏ đã lập chí hướng phải thi đỗ Trạng nguyên. Nhưng thầy giáo riêng của anh lại không nghĩ như vậy. Ông cho rằng Trình Tướng không có mệnh làm Thừa tướng, hỏi ông vì sao thì ông lại không nói.

Về sau đến ngày thi cử, Trình Tướng quả thật là vừa cầm bút lên liền viết ra văn chương phi phàm, được quan chủ khảo đánh giá rất cao, chấm bài thi của anh được hạng nhất, cũng tức là Trạng nguyên. Một ngày nọ, Trình Tướng đang ăn cơm trong tửu lâu, bỗng nhìn thấy dưới đất có một đồng tiền, liền dùng chân dẫm lên, rồi ngồi xổm xuống để nhặt đồng tiền lên. Vô tình anh lại bị một vị đại thần trong triều đang có mặt tại đó nhìn thấy.

Ngày hôm sau công bố kết quả khoa thi, Trình Tướng quả thật được đỗ Trạng nguyên. Trình Tướng đi đến Kim Loan Điện để tạ ơn hoàng thượng. Khi đến Kim Loan Điện, không ngờ anh bị vị đại thần nhìn thấy anh nhặt tiền hôm nọ nhận ra. Ông đã đem chuyện đó nói lại với hoàng thượng. Hoàng thượng vô cùng tức giận, cho rằng ngay đến một đồng tiền mà cũng tham, nếu giao trọng trách cai trị quốc gia cho anh, chắc chắn lại xuất hiện thêm một tham quan tham lam tiền của và xem thường vương pháp. Vì vậy hoàng thượng tuyên bố Trình Tướng mãi mãi không được trọng dụng nữa. Trình Tướng vô cùng chán nản buồn khổ quay trở về nhà.

Lúc này mọi người lại đi hỏi vị thầy giáo kia lần nữa. Thầy giáo nói với mọi người rằng: “Trình Tướng từ nhỏ tuy rất thông minh, nhưng lại rất ích kỷ và ham những lợi ích nhỏ, loại người như vậy không thể thành tựu đại sự được”.

“Ba tuổi thấy nhỏ, bảy tôi thấy già”. Thầy giáo từ tính tham lam của Trình Tướng lúc nhỏ đã có thể nhìn ra được tương lai sau này của anh, điều này cũng rất có lý.

Người xưa nói: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”. Không có tội phạm giết người nào từ lúc mới sinh ra đã mất hết nhân tính, họ luôn bắt đầu từ những việc xấu nhỏ nhất, rồi từng bước đi đến vực thẳm của tội ác.

Tuy rằng tài hoa của con người là rất quan trọng, nhưng đức hạnh lại càng có thể thành tựu một con người hơn, không phải sao?

Thiện lương vốn dĩ là một phẩm đức quý giá của con người, cũng là sức mạnh tiềm ẩn vô biên mà bẩm sinh mỗi người khi sinh ra đều có. Trong bất kể hoàn cảnh khó khăn nào, bạn hãy kiên trì thiện lương, nhân ái. Khi biết yêu thương người khác, ta mới có thể được sống trong vòng tay ấm áp của tình người. Vì mầm lành thiện lương gieo xuống sẽ cho gặt quả phúc báo.

Làm người, sống thiện lương khó hơn rất nhiều so với thông minh, khôn lỏi. Vì thông minh là một loại thiên bẩm còn lương thiện lại là lựa chọn.