Ngày nay, đi làm trễ giờ là điều hết sức bình thường. Vì yêu cầu hiệu suất công việc mà các công ty đều có quy định hình phạt riêng với những đối tượng đi trễ. Thời cổ đại cũng như vậy, từng triều đại đều có quy định chi tiết đối với các quan viên trễ giờ, ngày hôm nay đọc lại thấy vô cùng thú vị.

Dưới đây là giờ giấc làm việc hằng ngày của cổ nhân.

Thói quen đi sớm về sớm

Các quan viên thời cổ đại tuân theo nguyên tắc “thanh, thận, cần” (liêm khiết, cẩn trọng, siêng năng). Yêu cầu cơ bản của “cần” là làm việc đúng giờ, không đi trễ về sớm, không có hành vi lười biếng. Đây là một trong những nguyên tắc làm quan cơ bản thời cổ đại. Thời gian làm việc của cổ nhân và thời gian làm việc 8 tiếng đồng hồ ngày nay của chúng ta không giống nhau. Nói một cách đơn giản, đó là đi làm sớm, mà tan làm cũng sớm.

Trong Thi Kinh – Tề Phong – Kê Minh từ hơn hai ngàn năm trước có một câu chuyện như thế này: Sáng sớm người vợ gọi chồng dậy, nói rằng: “Gà trống đã gáy, thời gian lên triều đã đến. Phía đông cũng đã hừng sáng, mọi người bắt đầu bận rộn lên triều rồi”.

Bởi vì lúc bấy giờ giao thông bất tiện, ai muốn đi làm đúng giờ thì phải chuẩn bị từ sớm. Có thể thấy, bắt đầu từ thời Xuân Thu, cổ nhân đã có truyền thống “kê minh tức thượng ban” (gà gáy thì đi làm). Cứ như vậy cho đến sau này, khoảng thời gian này được định là “giờ Mão”, tức là từ 5 đến 7 giờ sáng, từ đó hình thành cách nói “đi làm giờ Mão”.

Về quy định tan làm, hầu như không có gì thay đổi giữa các triều đại. Ví dụ như vào thời nhà Thanh, mùa xuân và mùa hạ thời gian tan làm là 4 giờ chiều, còn mùa thu và mùa đông thì là 3 giờ chiều. Cũng vì thói quen của cổ nhân, đã hình thành giờ làm việc khoảng từ 6, 7 giờ sáng đến 3, 4 giờ chiều, tổng cộng hơn 8 tiếng đồng hồ.

Cũng giống như thời gian làm việc ngày nay, hơn nữa cổ nhân cũng mất nhiều thời gian trên đường đi làm. Nhà thơ Bạch Cư Dị thời Đường đã từng miêu tả những khó khăn trên đường đi làm như thế này: “Thối nha quy bức dạ, bái biểu xuất xâm thần” (Khi trở về nhà thì trời đã khuya, lúc đi làm thì trời vừa sáng). Đường đi xa cộng thêm giao thông bất tiện, những quan viên sống ở ngoại thành phải lên đường từ sáng sớm tinh mơ để kịp buổi triều sớm, sau đó lại trở về nhà trong đêm tối, vì vậy gọi là “bức dạ” (trời gần khuya).

Các quan chức phải nghị triều từ rất sớm. (Ảnh: Wikipedia)

Hễ lên triều là phải hội họp

Vào thời cổ đại, việc đầu tiên khi các quan viên lên triều là mở cuộc họp. Đây cũng là việc quan trọng nhất trong buổi chầu triều của triều đình. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng noi theo triều đình mà mở hội họp do quan viên địa phương chủ trì, sau đó mới ai làm việc nấy.

Đương nhiên, lúc mở hội họp thì phải xác định số người, những đồng liêu rất quen thuộc với nhau, ai không đến chỉ cần nhìn sơ là biết. Vì vậy đây cũng xem như là một hình thức “điểm danh”.

Trước thời nhà Tống, văn võ bá quan đều có ghế ngồi, đến thời Tống, quan viên chỉ có thể đứng nói. Cho tới khi người Mông Cổ đến, các đại thần muốn bẩm báo chuyện gì đều phải quỳ gối để làm gương. Cứ như vậy cho đến thời nhà Nguyên quy định này vẫn được duy trì. Cuối cùng nhà Thanh thống nhất giang sơn, quy định quỳ gối hành lễ được đẩy lên đỉnh điểm.

Đi làm trễ phải bị phạt đánh

Buổi triều sớm nếu như có người đi trễ hoặc lười biếng thì bị phạt vô cùng nghiêm khắc. Trong lịch sử đã có không ít người nổi tiếng vì đi trễ mà bị phạt đánh.

Trong Đường luật sơ nghị chức chế ngũ có nhắc đến pháp lệnh: “Quan nhân vô cố bất thượng”, nghĩa là các quan viên đến trễ hoặc lười biếng một ngày thì sẽ bị phạt đánh 20 tiểu bảng. Nếu ba ngày thì đánh gấp đôi, nếu hai mươi lăm ngày thì sẽ bị đánh 100 đại bảng, ba mươi lăm ngày thì phạt tù giam trong 1 năm.

Đồng thời cũng giải thích các quy định cụ thể, đại khái là: Các quan viên mỗi ngày đều phải điểm danh, có ngày còn điểm danh tới mấy lần. Mỗi lần điểm danh không có mặt thì bị phạt đánh 20 tiểu bảng. Mỗi ngày đều vắng mặt, hoàn toàn không đến làm việc mà không có lý do thì sẽ tính theo số ngày mà bị định tội và trừng phạt.

Không chỉ vậy, vào thời cổ đại hình phạt trễ giờ cũng giống như ngày nay dựa theo số lần mà bị phạt tiền. Vào thời Đường Huyền Tông, văn võ bá quan không tham gia chầu triều thì sẽ bị phạt bổng lộc 3 tháng, quy định này được ghi chép trong Đường hội yếu, quyển thứ hai mươi tư. Đến thời Đường Túc Tông, ai không tham gia chầu triều thì sẽ bị phạt bổng lộc 1 tháng. Lại đến thời Đường Văn Tông, văn võ bá quan không chầu chiều một lần thì sẽ bị phạt bổng lộc 25 văn tiền.

Ngoài ra, nhà Đường còn có quy định, nếu bỏ phế chầu triều 35 ngày thì sẽ bị phạt tù một năm. Đối với những quan viên ở khu vực quân sự trọng địa hay ở khu vực biên cảnh thì tội nặng gấp đôi.

Hình phạt cho những quan lại đi làm muộn, lười biếng là rất nặng. (Ảnh: Youtube)

Nhà danh họa Triệu Mạnh Phủ của nhà Nguyên là một trong những người bị đánh vì đi trễ. Câu chuyện phát sinh vào thời Nguyên Thế Tổ, Triệu Mạnh Phủ nhậm chức Binh Bộ Lang Trung. Thừa Tướng Tang Ca rất nghiêm khắc đối với vấn đề đi làm đúng giờ. Nếu ai đi trễ hoặc lười biếng thì phải bị phạt đánh, do Đoạn Sự Quan chấp hành. Lúc đó người nhậm chức Đoạn Sự Quan tên là Trát Lỗ Hốt Xích, người này rất coi thường người Hán, cho nên chưa từng nể mặt ai. Vào một ngày nọ, Triệu Mạnh Phủ đi trễ, và đã thật sự bị đánh.

Đến thời nhà Minh, mức phạt cho những người đi trễ càng tăng cao nhiều lần. So với các quy định của triều đại nhà Đường, mức phạt của nhà Minh rõ ràng là nghiêm ngặt hơn: Vắng mặt một ngày bị đánh 20 tiểu bảng, ba ngày tăng gấp đôi, hai mươi ngày bị đánh 100 đại bảng.

Triều đại nhà Minh vốn “nghiêm hình tuân pháp”, chấp hành luật pháp nghiêm khắc vượt xa các triều đại trước, thậm chí có đại thần vì không muốn đi trễ mà phải vội vàng lên đường đến mức rơi xuống sông chết đuối.

Vào thời Ngụy Trung Hiền nắm quyền, ông quy định không được đốt đèn đường cũng không cho phép các quan viên ngồi kiệu cưỡi ngựa. Mùa đông trời sáng hơi trễ, đường đi tối đen như mực, lại phải chầu triều sớm, kết quả các quan viên phải vừa mò đường vừa đi. Vào một ngày nọ, có vị quan viên sống cách xa hoàng cung, lên đường tiến cung trễ, vì sợ muộn buổi triều họp cho nên phải chạy trong mưa, con đường trơn trượt, phần vì lo sợ mà đánh mất phương hướng, nên đã rơi xuống sông mà chết.

Ngày nào lên triều còn phải xem Hoàng đế

Vào thời Hán Tuyên Đế, 5 ngày mới có một lần thượng triều. Khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân nắm quyền, ông luôn nghĩ biện pháp trị lý đất nước một cách tốt nhất. Lúc đầu cứ cách 3 ngày là thượng triều một lần, sau đó bởi vì tuổi tác ngày càng cao, ông mới đổi thành 5 ngày một lần.

Bi thảm nhất chính là những quan viên thuộc triều đại nhà Minh, Chu Nguyên Chương trời sinh đã có sức khỏe hơn người, buổi triều sớm diễn ra hai ngày một lần. Đến thời kỳ Gia Tĩnh, đã có tình huống hơn 10 năm không thượng triều. Cuối cùng cháu của ông là Vạn Lịch lại liên tiếp 28 năm không thượng triều, thành công lập kỷ lục mới, cho đến nay không ai vượt qua được.

Nghị triều để bàn bạc chuyện đối sách, ít lên triều chứng tỏ quốc thái dân an. (Ảnh: Wikipedia)

Không nên so bì thông minh với Hoàng đế

Trong lịch sử từng có đại thần giả vờ bệnh tật mà xin nghỉ phép, nhưng ở bên ngoài ăn chơi sa đọa, cuối cùng bị Hoàng đế phát hiện phải chịu phạt nặng.

Vào thời kỳ Đường Tuyên Tông, có rất nhiều quan lại đêm đêm đàn ca hát xướng ở nhà, lại tùy ý tìm lý do xin nghỉ buổi chầu triều. Những quan viên khác nhìn không thuận mắt, quyết liệt yêu cầu Hoàng đế phải tăng mạnh hình phạt.

Vào thời Đường Nhân Tông, đã từng xảy ra chuyện 33 vị quan viên đồng loạt xin nghỉ, khiến cho Hoàng đế tức giận, hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Hoàng đế lập tức ban ra luật mới: “Nếu như có quan viên nghỉ bệnh, ta sẽ phái thái y đến xem xét sức khỏe toàn diện miễn phí”. Ngày hôm sau hầu như tất cả quan viên đều lên triều, hoàng đế đắc ý mỉm cười.

Theo Soundofhope
Khải Phong biên dịch