Dù không hoành tráng như cung điện Versailles của vua Louis XIV, Pháp, nhưng ý tưởng thiết kế thời Phục hưng của Ý và phong cách cổ điển trong trang trí cung điện vẫn khiến cho người xem không thể không ấn tượng với ‘cung điện mùa hè’ The Breakers.

Một cung điện khác thường

Cung điện này nằm tại thành phố New York – là nơi nghỉ hè của Cornelius Vanderbilt II (một thành viên của gia đình Vanderbilt II), được xây dựng từ năm 1893 đến 1895 trên diện tích 14 mẫu đất nằm sát một vách đá. Cung điện nhìn ra bờ biển phía đông Đại Tây Dương. Người ta nói rằng vì luôn nghe tiếng sóng đập vào đá, cung điện này được đặt tên là The Breakers (có ý nghĩa là sóng vỡ khi va vào đá). Người thiết kế ngoại thất cho cung điện này là vị kiến trúc sư nổi tiếng Richard Morris Hunt (1827 – 1895); thiết kế nội thất do Jules Allard, Sons và Ogden Codman Jr. đảm nhiệm. Cung điện được xây dựng theo phong cách Phục Hưng nước Ý với 70 phòng với tổng diện tích là 11.644,4 mét vuông và không gian sống là 5.804,8 mét vuông.

Kiến trúc sư nổi tiếng Richard Morris Hunt, John Singer Sargent vẽ năm 1895 (Ảnh: epochtimes)

The Breakers là một trong những công trình nổi tiếng nhất được Richard Morris Hunter thiết kế để tôn vinh kiến trúc Beaux-Arts (phong cách trang trí cổ điển của Paris thế kỷ 19 – École des Beaux-Arts). Đây là tác phẩm cuối cùng của Hunter và là một trong số ít các tòa nhà còn sót lại của ông. Breakers được biết đến với những thành tựu kiến trúc hiếm có và nổi bật. Hunter cũng trưng bày sự giàu có, hy vọng vào sự lạc quan của Hoa Kỳ ở thời điểm đó dưới hình thức văn nghệ Phục hưng; ông được những người đương thời gọi là “Hiệu trưởng Học viện Kiến trúc Hoa Kỳ”.

Tòa nhà Breakers hoàn toàn phù hợp với sự hùng vĩ của một cung điện quý tộc, bên trong được trang trí bởi rất nhiều vàng bạc và đá cẩm thạch cùng một số đồ trang sức của châu Âu. Lấy cảm hứng thiết kế từ thời Phục hưng nước Ý, ngoại thất tinh tế và chi tiết khiến nó trở thành một mô hình kiểu mẫu cho cung điện thuộc “Thời đại hoàng kim” cổ điển ở Hoa Kỳ.

Đôi nét về chủ nhân của The Breakers: gia tộc Vanderbilt

Tổ tiên của gia đình Vanderbilt là những nông dân người Hà Lan. Trong thời kỳ vàng, gia đình này đã thu được khối tài sản kếch xù, nhanh chóng được nâng lên một địa vị xã hội nổi bật. Vanderbilt đã từng là gia đình giàu có nhất nước Mỹ. Trước khi qua đời, Cornelius Vanderbilt (1794 -1877) là người giàu nhất nước Mỹ. Sau đó, con trai ông là William đã thừa kế tài sản của cha mình và cũng lại trở thành người giàu nhất nước Mỹ. Vinh quang của gia đình Vanderbilt chỉ kéo dài đến giữa thế kỷ 20, khi 10 cung điện ở Đại lộ thứ năm của gia đình bị phá hủy, hầu hết các ngôi nhà khác của dòng họ Vanderbilt đã được bán hoặc chuyển thành các viện bảo tàng.

Gia đình Vanderbilt mới đầu nổi lên nhờ công việc vận tải đường thủy và đường sắt, được biết đến với tuyến đường sắt trung tâm New York. Gia đình này sau đó đã càng trở nên giàu có nhờ mở rộng hoạt động sang các ngành công nghiệp khác và còn tham gia các tổ chức từ thiện .

Chủ sở hữu của Breakers – Cornelius Vanderbilt II (Ảnh: epochtimes)

The Breakers thực ra là cung điện mùa hè được xây dựng cho đứa cháu ruột của Cornelius Vanderbilt – Cornelius Vanderbilt II (27 tháng 11 năm 1843 – 12 tháng 9 năm 1899). Cornelius Vanderbilt II là một nhân vật nổi tiếng trong xã hội, một người thừa kế và một doanh nhân người Mỹ. Năm 1885, ông kế nhiệm vị trí người đứng đầu tuyến đường sắt nối với tuyến đường sắt trung tâm New York.

Yếu tố nghệ thuật của cung điện The Breakers

The Breakers là khu nghỉ mát mùa hè của hai vợ chồng Cornelius Vanderbilt II. Nhiều trong số 70 phòng của cung điện là theo phong cách Phục hưng nước Ý; phòng ngủ của chủ nhà, phòng ăn sáng, v.v.. đều mang phong cách của cung điện vua Louis XIV, XV, XVI.

Mỗi căn phòng, mỗi bức tường, thậm chí mỗi góc của cung điện đều có rất nhiều chi tiết nhỏ được thiết kế tỉ mỉ. Các tác phẩm điêu khắc tinh tế, đèn chùm pha lê lớn, màu tường phòng và hình dáng đồ nội thất, bao gồm cả sự lựa chọn rèm cửa, đều tinh tế và tuyệt đẹp. Tòa nhà của cung điện rất tráng lệ, được đặt trên vùng đất tốt nhất, đã tạo được sự hoàn hảo theo yêu cầu của Vanderbilt II.

Vách đá bên sườn núi này đã bị phá hủy bởi một vụ hỏa hoạn vào năm 1892, nên tòa nhà theo phong cách Phục Hưng nước Ý như nhìn thấy hiện nay là được xây dựng lại vào năm 1895. Vanderbilt II qua đời ở tuổi 55 vào năm 1899, ngay sau khi ngôi nhà được xây dựng xong. Ông đã không được hưởng thụ nhiều thời gian trong khu nghỉ mát sang trọng mùa hè này của chính mình.

Dưới đây chúng ta hãy cùng nhìn một cách chi tiết hơn về kiến trúc huy hoàng lộng lẫy của tòa nhà này:

The Breakers được xây dựng theo phong cách Phục hưng Ý, đối xứng xung quanh sảnh trung tâm và được xây dựng bằng đá vôi vùng Indiana. Cung điện có năm tầng, với các phòng nhà chính để ở gồm ba tầng, thêm một tầng hầm và một tầng áp mái. Không có bộ phận nào bằng gỗ trong cấu trúc của tòa nhà, toàn bộ được dựng lên nhờ các kết cấu kèo thép, đá cẩm thạch và gạch.

Có một cổng vòm ở lối vào phía tây bắc của cung điện. Mặt tiền tòa nhà ngăn cách với các cửa ra vào ở tầng một bởi hàng cột, trong khi các cột giả được bố trí nằm giữa các cửa sổ. Khung cửa sổ bên ngoài của cung điện được trang trí bằng các mảng đá cẩm thạch tròn và hình chữ nhật, được tô điểm thêm bằng hình cây sồi và lá nguyệt quế.

Về phía tây nam của cung điện, đối diện với những luống hoa tráng lệ. (Ảnh: UpstateNYer / Wikimedia Commons)

Phía tây nam của cung điện đối diện với những vườn hoa tráng lệ. Ở trung tâm của khu vườn phía tây nam là một hình bán nguyệt nổi bật. Các luống hoa được thiết kế theo hình sao biển và vỏ sò; hình ảnh vị thần sông được trang trí trên cửa ở tầng một.

Mặt tiền phía đông nam đối diện với Đại Tây Dương được tạo ấn tượng bằng hai mái hiên bằng kính hai lớp. Trên tầng đầu tiên mang phong cách Dorian, với kí hiệu tên gia đình là chữ “V” trong Vanderbilt, được bao quanh bởi hình lá sồi và thủy tinh, đại diện cho những thành tựu của gia tộc Vanderbilt. Hunter đã sử dụng đá cẩm thạch của Ý để thêm một chút màu sắc, cùng kết hợp với màu vàng nhạt của đá vôi bên ngoài, và hình điêu khắc những chiếc đầu sư tử được xếp dọc theo đường mái của The Breakers, tạo vẻ uy nghi.

Cánh cổng sắt rèn ở lối vào cung điện The Breakers. (Ảnh: Edmundmp / Wikimedia Commons)

Cổng bằng sắt rèn ở lối vào chính của cung điện được chế tạo bởi công ty William Jackson, New York. Ngoài ra còn có hàng rào bằng sắt rèn xung quanh ba mặt của cung điện cũng là một trong những công trình sắt rất nghệ thuật. Trong cung điện còn có 56 tấm sắt dài 9,5m và cao 2,5m, được đặt giữa các trụ đá vôi lớn với những bức tường đá vôi cao 1,2m. Ngoài việc cách ly tiếng ồn, hệ thống này cũng làm tăng vẻ đẹp độc đáo của trang viên.

Cột đèn bằng đồng kiểu Ý thời Phục hưng (Ảnh: fotolia)

(Còn tiếp)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch