Một hành tinh giống Trái Đất cách chúng ta 1.200 năm ánh sáng “có thể tồn tại sự sống”, theo tuyên bố của các nhà nghiên cứu.

Theo kết quả các thí nghiệm mô phỏng bằng máy tính mới đây, hành tinh Kepler 62f có khả năng tồn tại sự sống. Hành tinh này có kích thước lớn hơn Trái Đất 40% và có thể có các đại dương trên bề mặt.

Kepler 62f là hành tinh xa nhất trong một hệ gồm năm hành tinh quay quanh một ngôi sao chủ, vốn có kích thước nhỏ hơn và nhiệt độ thấp hơn Mặt Trời. Hành tinh này đã được kính viễn vọng Kepler của NASA phát hiện vào năm 2013.

hành tinh
Khu vực có thể tồn tại sự sống (Habitable zone). (Ảnh: NASA)

Nhưng gần đây, các thí nghiệm mô phỏng những bầu khí quyển tiềm năng có thể được phát hiện trên Kepler 62f đã được tiến hành. “Chúng tôi đã phát hiện thấy có nhiều thành phần khí quyển khiến nó giữ mức nhiệt đủ ấm để duy trì nguồn nước trên bề mặt ở trạng thái lỏng. Điều này khiến nó trở thành một ứng cử viên sáng giá cho một hành tinh có tồn tại sự sống”, trưởng nhóm nghiên cứu, TS Aomawa Shields từ Trường Đại học California ở Los Angeles, trao đổi với trang The Independent.

Với khoảng cách như vậy từ hành tinh này đến ngôi sao chủ, sẽ cần đến một lớp khí quyển dày đặc, có mật độ khí CO2 cao để duy trì lượng nước ở trạng thái lỏng, theo kết quả nghiên cứu. Nhiệt độ bề mặt hành tinh này có thể gia tăng lên trên ngưỡng đóng băng vào những giai đoạn khác nhau trong năm, và có thể có một số sự tương đồng với Trái Đất.

Dưới đây là kết quả mô phỏng bằng máy tính được nhóm nghiên cứu thực hiện, theo trang web khoa học Phys.org:

– Một bầu khí quyển có độ dày bằng 1-12 lần bầu khí quyển Trái Đất.

– Mật độ phân bổ khí CO2 không đồng đều trong bầu khí quyển, trong phạm vi 1-2.500 lần bầu khí quyển Trái Đất.

– Có thể tồn tại một số quỹ đạo chuyển động khác biệt.

“Nhưng nếu không tồn tại một cơ chế để sản sinh ra rất nhiều khí CO2 trong bầu khí quyển để giữ mức nhiệt đủ ấm, và tất cả những gì Kepler 62f có là một khối lượng khí CO2 tương tự trên Trái Đất, thì một số quỹ đạo chuyển động nhất định có thể cho phép các mức nhiệt bề mặt của Kepler-62f tạm thời tăng lên trên ngưỡng đóng băng vào một số thời điểm trong năm”, TS Shields nói. “Và điều này có thể giúp các dải băng đang tan chảy hình thành tại các thời điểm khác trong quỹ đạo chuyển động của hành tinh này”.

Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí online Sinh học Thiên thể (Astrobiology) vào tuần trước.

Ít nhất 2.300 ngoại hành tinh đã được phát hiện và xác nhận, nhưng chỉ vài chục trong số đó được cho là cư ngụ trong “vùng sự sống (habitable zone)”, tức là có khả năng duy trì sự sống”, TS Shields nói.

Tác giả: Đại Kỷ Nguyên.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: