Cùng thời đại với Sherlock Holmes lừng danh ở Anh, ở Pháp cũng có một người nổi tiếng không kém Holmes, đó chính là tên trộm hào hoa – Arsène Lupin.

Arsène Lupin là một nhân vật hư cấu xuất hiện dưới ngòi bút của nhà văn Pháp Maurice Leblanc trong loạt truyện thám tử, tiểu thuyết trinh thám của ông.

Nhân vật Arsène Lupin xuất hiện dưới ngòi bút của nhà văn Pháp Maurice Leblanc. (Ảnh: bakerstreet.wikia.com)

Arsène Lupin ra đời nhờ vào ý tưởng của Pierre Lafitte, người bạn thân của Leblanc đồng thời là chủ bút tập san mang tên “Gì cũng biết”. Vào thời điểm ấy, dân chúng nước Pháp rất hào hứng theo dõi những câu chuyện phiêu lưu của vị thám tử kỳ tài Sherlock Holmes của xứ sở sương mù. Tập san “Gì cũng biết” lại mới ra đời, chưa thu hút được nhiều độc giả. Vậy nên Pierre Lafitte rất mong muốn tờ báo của mình sẽ có một loại truyện dài kỳ mà nhân vật chính cũng cuốn hút giống như Sherlock Holmes nhưng phải mang bản sắc của dân tộc Pháp. Và ông đã giao trọng trách này cho người bạn tốt của mình là Maurice Leblanc.

Vậy là vào năm 1905, Arsène Lupin lần đầu tiên xuất hiện trong câu chuyện có tựa đề “Arsène Lupin bị tóm cổ” được đăng trên tập san “Gì cũng biết”. Để rồi sau đó, những cuộc phiêu lưu kỳ thú của tên trộm lịch lãm lạ đời này trong suốt 30 năm tiếp theo đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Pháp nói riêng và người dân thế giới nói chung.

Lupin là nguyên mẫu cho việc xây dựng nhân vật siêu trộm Kaito Kid trong Thám tử lừng danh (Ảnh: youtube.com)

Tuy nhiên, thay cho một nhân vật chuyên điều tra các vụ trộm kiểu như Sherlock Holmes, Leblanc đã sáng tạo ra một nhân cách hoàn toàn đối nghịch – một kẻ lêu lổng chuyên nghề đạo chích. Ban đầu Leblanc còn tinh nghịch gọi nhân vật của mình là Arsène Lopin – giống tên một vị ủy viên hội đồng thành phố Paris khét tiếng lúc bấy giờ. Nhưng sau này ngài Lopin thật đã lên tiếng phản đối dữ dội nên ông đành đổi “Lopin” thành “Lupin”.

Không chỉ có tài siêu trộm, Arsène Lupin còn khiến độc giả ấn tượng với biệt tài hóa trang đẳng cấp. Khi thì ông giả làm lái xe, lúc đóng vai thầy thuốc, lúc lại trở thành một nhà giám định nghệ thuật hay vị công tước Nga… dưới những cái tên khác nhau như Paul Sernine hay Luis Perenna (gồm 11 chữ cái trong tên Arsène Lupin ghép lại). Các nhà nghiên cứu đã đếm thử và tổng kết rằng Arsène Lupin cải trang cả thảy 47 lần để hành nghề.

Khi thì Lupin giả làm lái xe, lúc đóng vai thầy thuốc, lúc lại trở thành một nhà giám định nghệ thuật hay vị công tước Nga… dưới những cái tên khác nhau. (Ảnh: Twitter)

Mục tiêu nhắm đến của Arsène Lupin thường là các quý tộc giàu có nhưng không lương thiện. Lupin thường tiếp cận mục tiêu dưới dáng vẻ một quý ông lịch thiệp và sang trọng để thăm dò, sau đó ông sẽ tiến hành những kế hoạch thông minh của mình một cách rất nhanh gọn. Số tài sản đánh cắp được ông sẽ dùng để chia cho những người nghèo đang gặp cảnh ngộ khó khăn.

Lupin còn đáng nể ở chỗ ông vẫn có thể duy trì phong thái lịch lãm của mình ngay cả trong lúc trộm đồ của người khác. Có lần ông đã lẻn vào dinh cơ của một nhà giàu nhưng lại ra về tay không sau khi để lại cho chủ nhà tấm danh thiếp ghi rằng: “Arsène Lupin xin trở lại khi đồ vật trong nhà đã được thay bằng đồ xịn”. Ngoài ra, tên trộm hào hoa này cũng vô cùng “trí thức”. Ông say mê nhạc kịch cổ điển và còn dành thời gian rảnh giữa các vụ trộm để chú giải cuốn “Chân dung các nhân vật lừng lẫy” của một nhà văn Hy Lạp cổ. Trong quan hệ với phụ nữ ông cũng toàn cặp kè với các bà, các cô có chữ “de” quý phái trong tên họ.

Trong quan hệ với phụ nữ ông cũng toàn cặp kè với các bà, các cô có chữ “de” quý phái trong tên họ. (Ảnh: Pinterest)

Tầm ảnh hưởng của hình tượng Lupin khá lớn khi nhiều câu chuyện và bộ phim về ông ra đời sau này. Độc giả mê trinh thám thường mong mỏi có một cuộc đấu trí huyền thoại giữa Lupin – kẻ trộm chính nghĩa và Sherlock Holmes – người bảo vệ công lý.

Thực ra, Leblanc đã để cho hai nhân vật này gặp nhau trong các tập truyện “Holmlock Shears đến trễ quá!” (1907), “Arsène Lupin đụng đầu Holmlock Shears” (1908) (do vấp phải sự phản đối của Conan Doyle nên tên vị thám tử đáng kính đã được đổi từ Sherlock Holmes sang… Holmlock Shears).  Không những thế, trong các truyện này, Leblanc còn cho tên trộm láu cá của mình dùng mưu mẹo để qua mắt nhà thám tử lừng danh người Anh.

Độc giả mê trinh thám thường mong mỏi có một cuộc đấu trí huyền thoại giữa Lupin – kẻ trộm chính nghĩa và Sherlock Holmes – người bảo vệ công lý. (Ảnh: Baker Street Wiki – Fandom)

Tuy không trực tiếp đọc được cuộc đối đầu của Lupin và Holmes, ta vẫn có thể tìm thấy điều đó thông qua 2 nhân vật được xem như “hậu duệ” của họ ở Nhật Bản, đó chính là Kid và Conan.

Theo các nhà nghiên cứu thì hình mẫu ngoài đời của nhân vật Arsène Lupin chính là anh chàng Marius Jacob lừng danh thuộc phái vô chính phủ vào cuối thế kỷ XIX ở Pháp. Anh chàng này cũng chuyên lấy tài sản của nhà giàu chia cho dân nghèo. Tuy nhiên sau hàng trăm vụ trộm trót lọt, Marius Jacob cuối cùng đã bị đày biệt xứ chứ không được bình an vô sự như Arsène Lupin.

Anh chàng Marius Jacob lừng danh chuyên lấy tài sản của nhà giàu chia cho dân nghèo nhưng cuối cùng vẫn bị đi đày biệt xứ. (Ảnh: Alchetron)

Không chỉ lôi cuốn độc giả bằng lối hành văn lưu loát điêu luyện “rất Lupin”, lòng cao thượng, những hành động lịch lãm của nhân vật chính cùng với cuộc đấu tranh của ông với cái ác còn làm nảy sinh trong lòng độc giả những tình cảm trong sáng, hướng thiện. Chính vì thế những câu chuyện về Lupin không chỉ để đọc cho vui mà còn mang ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc.

 Ngọc Thuần