Trước khi các phương tiện thông tin liên lạc phổ biến như hiện nay, người ta chủ yếu giao dịch bằng thư tay và để tăng tính bảo mật, những hội kín và các tổ chức bí mật đã sáng chế ra mực tàng hình. Dưới đây là 3 cách giúp bạn tạo ra chúng.

1. Nước chanh

Đây là một trong các loại mực tàng hình đầu tiên được Henry Solomon Wellcome phát minh vào thế kỷ 19. Bạn hãy pha nước cốt chanh với một chút nước lọc, khuấy đều, vậy là xong. Bây giờ bạn có thể bơm mực vào bút và viết lên giấy trắng những tin nhắn bí mật. Sau khi mực khô, bức mật thư sẽ nhìn như một tờ giấy trắng, rất khó phát hiện.

Loại mực này đơn giản và hoạt động trên nguyên tắc hóa học của axit. Trong chanh có axit citric – một loại axit yếu, khi viết lên giấy sẽ gây phản ứng oxy hóa. Phản ứng này mắt thường ta khó quan sát được.

Tuy nhiên, khi nhận được mật thư, người đọc chỉ cần chiếu ánh sáng UV hoặc hơ trang giấy trên lửa thì dòng chữ sẽ hiện lên. Nhiệt độ sẽ khiến nước chanh khô, nóng lên và chuyển sang màu nâu.

2. Muối ăn

Đầu tiên bạn cần pha một lọ dung dịch muối ăn đặc (NaCl). Sau đó hãy viết lên tấm thiệp bằng dung dịch muối ăn bạn vừa pha chế và để cho mực khô.

Phương pháp này bảo mật hơn nhiều cách thứ nhất do không bị phát hiện bằng các kỹ thuật thông thường như hơ trên lửa nhưng cũng cầu kỳ hơn khi để đọc được thư, người nhận cần tới cửa hàng hóa chất để mua một ít muối bạc nitrat (AgNO3). Hòa muối này vào nước, nhúng bức mật thư vào dung dịch, đợi một lúc và các chữ trên thư sẽ dần dần hiện lên.

Lý giải cho hiện tượng này, đó là do bản thân muối ăn chứa các ion clorua (Cl-), khi ngâm trong dung dịch muối bạc, sẽ xảy ra phản ứng hóa học, tạo nên kết tủa bạc clorua (AgCl) trắng. Kết tủa trắng sẽ bám lên trên dòng chữ với độ dày khác nhau tùy theo lượng mực bạn sử dụng, trở thành thông điệp in nổi đẹp và lạ mắt.

3. Phenolphthalein 

Phenolphthalein (C₂₀H₁₄O₄) là chất chỉ thị độ pH phổ thông được biết đến nhiều nhất. Hóa chất này chuyển sang màu đỏ khi tác dụng với dung dịch bazơ.

Vì vậy, bạn có thể sử dụng dung dịch này để làm mực viết và người nhận thư sau đó phun lên mặt thư các dung dịch có tính bazơ như nước vôi trong Ca(OH)2 hoặc dung dịch xà phòng để đọc được nội dung thư.

Hoài Anh