Nếu tận dụng tốt cơ hội Mỹ đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó có sản phẩm gỗ, Việt Nam có khả năng vượt nước này trở thành nhà cung cấp đồ gỗ lớn nhất cho nền kinh tế số 1 thế giới.   

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 đạt 322,8 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Lũy kế đến hết ngày 15/9, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 5,98 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,17 tỷ USD, tăng 7,2%.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam. Trong tháng 7, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 373 triệu USD đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường này, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 2,1 tỷ USD đồ nội thất bằng gỗ sang Mỹ, tăng 5,4%.

Vneconomy dẫn số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho thấy nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ tính đến hết tháng 7/2018 đạt 11,1 tỷ USD, tăng 6,7%. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước cung cấp lớn nhất cho Mỹ với kim ngạch lần lượt là 5,1 tỷ USD và 2,1 tỷ USD.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc chính quyền Mỹ áp thuế bổ sung đối với 200 tỷ hàng hóa của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 24/9 sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ.

Điều này sẽ khiến các nhà nhập khẩu của Mỹ hạn chế nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc và chuyển đơn hàng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ trên Diễn đàn doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ hiện nay vẫn có sự tăng trưởng khá. Hiện tại những tín hiệu xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn ổn định và các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký các đơn hàng cho năm nay.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam cũng không hề nhỏ khi Việt Nam không phải là quốc gia có nguồn cung gỗ nguyên liệu mạnh. Ngành chế biến gỗ trong nước vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, trong đó bao gồm nhóm gỗ tròn và gỗ xẻ. Trong khi đó, Mỹ có quy định chặt về tính hợp pháp của gỗ và nguồn gốc gỗ.

Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khi Mỹ đưa mặt hàng gỗ của Trung Quốc vào danh sách bị áp thuế, nguy cơ cao Trung Quốc chuyển hàng hóa sang Việt Nam để mượn nguồn gốc xuất xứ tìm đường sang Mỹ. Nguyên nhân là bởi hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp FDI Trung Quốc ở Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong ngắn hạn, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro, đồng thời có những bước chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Để kiểm soát được thị trường, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có trên 1.500 doanh nghiệp đã ký cam kết tiêu thụ gỗ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng và không vi phạm các quy định của các quốc gia nhập khẩu.

(Tổng hợp)