Sinh ra trong một gia đình gia giáo ở Bắc Kinh, cha là nhà sáng lập Lenovo – Chuanzhi Liu, Liu Qing không chọn cho mình con đường đi bằng phẳng bằng cách nối nghiệp cha mà tự mình chiến đấu và trở thành một trong những nữ lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Liu Qing (Jean Liu) là con gái của sáng lập viên công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc – Lenovo. Tuy sinh ra trong nhung lụa nhưng Liu Qing lại không cho phép mình đi trên con đường trải đầy hoa.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh với tấm bằng loại ưu, Liu tiếp tục học thạc sĩ tại Đại học Harvard, chuyên ngành khoa học máy tính. Sau khi tốt nghiệp, Liu tự mình nộp đơn ứng tuyển vào Goldman Sachs, một tập đoàn đầu tư đa quốc gia nổi tiếng tại Mỹ. Trải qua 18 vòng phỏng vấn, Liu cuối cùng cũng được nhận vào làm tại công ty với vị trí nhân viên phân tích cơ bản.

Chân dung Liu Qing: "Nữ tướng" cản bước Uber tại thị trường Trung Quốc
Liu Qing.

Trong 12 năm làm việc tại Goldman Sachs, cô luôn cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình, có những khoảng thời gian Liu dành tới 140 tiếng/tuần cho công việc. Năm 2013, Goldman Sachs bắt đầu đầu tư vào các startup công nghệ, và đây cũng là lúc Liu Qing để ý đến Didi.

Sau 2 lần đề nghị hợp tác không thành với Didi trong vai trò là nhà đầu tư, Liu đã đưa ra một quyết định táo bạo, nghỉ làm tại Goldman Sachs và nộp đơn ứng tuyển vào Didi. Năm 2014, Liu Qing được nhận vào Didi với chức danh COO. Nhờ vào kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Goldman Sachs, ngay khi gia nhập Didi cô đã nhận được đảm nhận nhiều công việc quan trọng. Tại đây, cô trở thành một trong những nữ nhân viên cấp cao nổi tiếng nhất tại Trung Quốc khi dẫn dắt startup này phát triển vũ bão.

Với kinh nghiệm 12 năm trong ngành ngân hàng và những mối quan hệ được xây dựng từ khi còn làm việc Goldman Sachs, Liu Qing đã thành công trong việc kết nối và sáp nhập với đối thủ lớn nhất của Didi lúc bấy giờ là Kuaidi trở thành ứng dụng đặt xe lớn nhất Trung Quốc với tên gọi Didi Chuxing. Tháng 2/2015, Liu là người được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Didi.

Năm 2016, Liu Qinh thành công trong việc gọi vốn trị giá 1 tỷ USD từ Apple, nâng tổng số vốn công ty này gọi được lên mức 4 tỷ USD nhờ câu nói dí dỏm: “Bất kỳ công ty nào có tên gọi gắn liền với một loại quả đều làm nên kỳ tích”. Trong khi Apple là “quả táo” thì cái tên Didi lại mang có nghĩa là một “quả cam bé nhỏ”.

Trên cương vị chủ tịch công ty, Jean Liu cũng bắt tay hợp tác cùng các đối tác như Grab (của Singapore), Ola Cabs (của Ấn Độ) và Lyft (của Mỹ) để cung cấp thêm lựa chọn cho hành khách của Didi Chuxing. Tất cả những điều đó đã góp phần khiến Uber buộn bán mình cho đối thủ để đổi lại 20% cổ phần.

Sau khi giành được vị thế tại sân nhà, mục tiêu tiếp theo của Jean Liu cho Didi là mở rộng kinh doanh. Công ty hiện hợp tác cùng các nhà sản xuất xe hơi để tạo nên những chiếc xe “thiết kế đặc biệt cho mục đích chia sẻ”. Jean Liu cũng tham vọng ở mảng xe điện, xe không người lái, xe thông minh.

Tháng 12/2017, Jean Liu gọi thêm số vốn 4 tỷ USD, nâng tổng mức đầu tư cho Didi trong năm 2017 lên 10 tỷ USD.

Theo số liệu tháng 1/2018 của CNN, Didi là một trong những startup có giá trị cao nhất thế giới với định giá 56 tỷ USD. Điều khác biệt của nó so với các ứng dụng gọi xe khác nằm ở quy mô. Với 400 triệu khách hàng tại hơn 400 thành phố Trung Quốc, mỗi ngày có 25 triệu lượt đặt xe qua Didi.

NguyễnThu