Rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân, Chính phủ và các tổ chức đã nỗ lực chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong những năm qua. Năm 2019 đã ghi dấu một số thành tựu ấn tượng, cho thấy chúng ta đã đạt được những bước tiến đáng chú ý trong vấn đề môi trường.

Dưới đây là 9 bản tin vắn ấn tượng về chủ đề môi trường trong năm 2019 theo đánh giá của Good News Network.

9. Công ty Hà Lan ra mắt chiếc xe năng lượng mặt trời chạy đường dài đầu tiên trên thế giới

Đó là một chiếc xe hơi 4 chỗ có tên là Lightyear One, chạy hoàn toàn bằng năng lượng điện mặt trời. Công ty ô tô Lightyear của Hà Lan đã giới thiệu chiếc xe này vào tháng 7 năm nay.

Đã có 100 đơn đặt hàng cho năm 2021, sau khi chiếc xe được giới thiệu cho một số đối tượng được lựa chọn như các nhà đầu tư, khách hàng, đối tác và báo chí ở Hà Lan trong mùa hè vừa qua.

Ảnh: Công ty Lightyear.

Đội ngũ kỹ sư quốc tế của Lightyear (một số đến từ hai hãng Ferrari và Tesla) cho biết, họ tin rằng đây là một bước ngoặt lịch sử trong vấn đề đối phó với lượng khí thải CO2 toàn cầu.

8. Hơn 1.000.000 người làm vườn chung tay tạo ra mạng lưới cây xanh toàn cầu nuôi dưỡng ong và bướm

Vào tháng Tư, tổ chức National Pollinator Garden Network (tạm dịch: Mạng lưới vườn thụ phấn quốc gia) đã nhận được số đơn đăng ký tham gia chương trình “Thử thách 1.000.000 vườn thụ phấn” vượt chỉ tiêu, khi có tới 1.040.000 nhà vườn muốn tham dự.

Ảnh: Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

National Pollinator Garden Network đã đưa ra sáng kiến ​​đầy tham vọng này từ năm 2015 nhằm mục đích cứu những loài côn trùng thụ phấn – chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng thực phẩm chúng ta ăn mỗi ngày.

Hầu hết các vườn thụ phấn đã đăng ký tập trung ở Hoa Kỳ. Dự án cũng tuyển các thành viên ở Canada, Mexico và các nước châu Âu. Các nhà vườn này có thể là của tư nhân hoặc công cộng, tạo thành một mạng lưới khoảng 5 triệu mẫu, cung cấp môi trường sống mới hoặc được cải thiện cho các loài côn trùng thụ phấn.

7. Nhà máy mới sử dụng enzyme để tái chế nhựa đồng loạt với sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn

Công ty khởi nghiệp Carbios của Pháp đã sẵn sàng giải quyết hầu hết các câu hỏi hóc búa về vấn đề tái chế của thế giới bằng một quy trình mới, sử dụng enzyme để phá vỡ các loại nhựa PET khó xử lý nhất thành một dạng tinh khiết đến mức có thể sử dụng để làm chai nước trong suốt.

Ảnh: Carbios.

Công ty công nghệ xanh này đã tuyên bố vào tháng 10 rằng họ đã được tài trợ cho việc xây dựng một nhà máy mới sử dụng enzyme sinh học để trong vài giờ có thể đồng loạt tái chế nhựa nhiều màu, như khay đựng thức ăn hay áo sơ mi polyester, những thứ mà với các phương pháp khác, tỷ lệ tái chế dường như là số 0.

6. ‘Pin nước’ ba tầng tiết kiệm 40% chi phí điện của một trường đại học trong một tháng

“Cục pin” đầu tiên loại này đã được đưa vào sử dụng tại Đại học Sunshine Coast (Úc) vào tháng 9 vừa qua. Nó thực chất là một hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt khổng lồ.

Ảnh: Đại học Sunshine Coast.

6.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên các mái của trường, tạo nên một hệ thống quang điện 2,1MW. Năng lượng điện mặt trời này sau đó được sử dụng để làm mát 4,5 triệu lít nước trong bể chứa ba tầng. Nước đã làm mát này được sử dụng cho các hệ thống điều hòa không khí trong khuôn viên trường, và cho hiệu quả tuyệt vời khi đã làm giảm 40% mức sử dụng điện của họ. 

Trong 25 năm tới, hệ thống này dự kiến ​​sẽ tiết kiệm 100 triệu đô-la chi phí điều hòa không khí và giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính của trường.

5. Nam thanh niên người Cameroon sử dụng vỏ chai nhựa để chế tạo thuyền cho ngư dân

Một thanh niên sáng tạo ở Cameroon đã góp phần giải quyết ô nhiễm trong thành phố của mình bằng cách biến vỏ chai nhựa đã qua sử dụng thành thuyền.

Ảnh: Madiba and Nature.

Ismaël Essome Ebone lần đầu tiên được truyền cảm hứng để làm “thuyền sinh thái” từ khi còn là một học sinh vào năm 2011. Sau khi những chiếc thuyền được thử nghiệm thành công, anh đã đầu tư tất cả tiền của mình để sáng lập “Madiba & Nature” – một tổ chức tình nguyện, chuyên thu gom rác thải nhựa trong khu vực và biến nó thành thuyền phục vụ du lịch sinh thái hoặc dành cho những ngư dân có nhu cầu.

4. Công nghệ đốt rác thải đột phá, tạo ra 100% sản phẩm có ích

Công ty Sierra Energy có trụ sở Hoa Kỳ là chủ nhân của công nghệ lò đốt mới có khả năng biến rác thành năng lượng tái tạo mà không sinh ra sản phẩm phụ độc hại nào.

Ảnh: Sierra Energy.

Nhiệt độ cực cao ở bên trong lò sẽ đốt cháy và làm phân rã ở mức độ phân tử tất cả các loại rác, kể cả các chất thải y tế, lốp xe, chất thải nguy hại… và tạo ra sản phẩm là 90% khí hỗn hợp (70% cacbon monoxit và 30% hydro), 10% là các chất bị hóa lỏng.

Công nghệ khí hóa chất thải (FastOx) của Sierra vừa là giải pháp thay thế bền vững cho các bãi chôn lấp rác thải, đồng thời sản xuất ra loại khí tổng hợp có giá trị, có thể dùng để chế tạo điện, khí hydro, dầu diesel (với độ tinh khiết gấp 20 lần tiêu chuẩn của California), và amoniac.

Tháng 8 vừa qua, công ty tuyên bố rằng họ có thể đóng vòng gọi vốn Series A trị giá 33 triệu đô-la để tiếp tục phát triển và thương mại hóa công nghệ của mình cho các đô thị và bãi chôn lấp để chuyển đổi chất thải thành năng lượng và nhiên liệu sạch, tái tạo.

3. Lần đầu tiên thu gom thành công rác thải nhựa trong đại dương

Sau nhiều năm phát triển và không ngừng mở rộng quy mô, tổ chức phi chính phủ Ocean Cleanup (tạm dịch: Làm sạch đại dương) đã bắt đầu tiến ra Great Pacific Garbage Patch (khu vực đảo rác Thái Bình Dương) để thu gom rác thải nhựa từ tháng 10/2018.

Ảnh: Ocean Cleanup.

Tổ chức này đã thông báo vào tháng 10 vừa qua rằng tàu System 001/B của họ đã thu gom thành công các mảnh vụn nhựa, thậm chí những vật thể siêu nhỏ với kích chỉ 1mm. Đáng mừng hơn nữa, họ đã đưa lượt rác đầu tiên vào tái chế hồi đầu tháng này.

2. Dân số cá voi lưng gù ngoài khơi Brazil đã tăng trở lại: từ 450 đến hơn 25.000 cá thể

Việc săn bắt cá voi, bắt đầu ở phía Nam Đại Tây Dương vào khoảng năm 1830, đã khiến số lượng cá voi lưng gù nơi đây giảm mạnh xuống mức chỉ còn 440 cá thể, gần như tuyệt chủng vào năm 1958. Với việc săn bắt cá voi thương mại bị kiềm chế và sau đó bị cấm vào năm 1986, số lượng cá voi lưng gù mới bắt đầu phục hồi.

Một nghiên cứu từ trường Khoa học và Thủy sản – Đại học Washington được công bố vào tháng 11/2019 cho thấy dân số của loài này đã tăng lên 25.000 cá thể. Đây quả là sự “hồi sinh kỳ diệu” rất đáng mừng.

Ảnh: Christopher Michel. 

1. Lần đầu tiên, các nhà khoa học xác định được nơi trồng cây và số cây có thể được trồng tại đó để ngăn chặn khủng hoảng khí hậu

Theo một nghiên cứu quan trọng được công bố bởi Phòng thí nghiệm Crowther của ETH Zurich hồi tháng 7, khoảng 0,9 tỷ ha đất trên toàn thế giới sẽ phù hợp để dùng cho trồng lại rừng và hấp thụ đến 2/3 lượng khí thải carbon nhân tạo bị thải ra.

Ảnh: Phòng thí nghiệm Crowther/ ETH Zurich.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những phần đất nào của thế giới phù hợp nhất với trồng rừng phục hồi. Chỉ có 6 quốc gia được tìm thấy có đủ tiềm năng để thực hiện điều này, đó là: Nga (151 triệu ha), Mỹ (103 triệu ha), Canada (78,4 triệu ha), Úc (58 triệu ha), Brazil (49,7 triệu ha) và Trung Quốc (40,2 triệu ha).

***

Khi con người biết trân trọng và bảo vệ vạn vật quanh mình, sống thân thiện, hòa hợp với thiên nhiên, chắc chắn chính chúng ta sẽ được đón nhận những lợi ích lớn lao từ những hành động của mình. Ngược lại, nếu tiếp tục mượn cớ để cải biến điều kiện sống mà ngang ngược phá hoại môi trường, tàn phá tự nhiên, thì người lãnh hậu quả cũng chính là chúng ta. Những ví dụ đưa ra đã quá nhiều rồi. Hy vọng rằng, năm mới 2020 sẽ có thật nhiều tin vui như thế này trên toàn thế giới! 

Huyền Thanh

Theo Good News Network

Video xem thêm: Khoa học cho tương lai

videoinfo__video3.dkn.tv||cf1dc00ec__