Viêm tai giữa xảy ra do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tai giữa là vùng nằm sau màng nhĩ. Khi tai giữa bị viêm sẽ lấp đầy dịch mủ, làm căng màng nhĩ và gây đau.

Trẻ bị viêm tai giữa thường có dấu hiệu chính là đau tai, có thể kèm theo sốt; ăn uống, ngủ kém. Trẻ lớn hơn thường kêu đau tai, nhưng trẻ nhỏ chỉ hay dụi, kéo vành tai hoặc quấy khóc hơn bình thường. Nếu áp lực trong tai giữa quá cao sẽ gây thủng màng nhĩ và chảy dịch qua lỗ tai. Trẻ bị thủng màng nhĩ có thể cảm thấy chóng mặt buồn nôn, hoặc nghe thấy tiếng vo ve trong tai.

Chiến lược điều trị viêm tai giữa

Các bác sĩ cần phải cân nhắc dựa trên nhiều phương diện khi điều trị viêm tai giữa. Không phải mọi trường hợp viêm tai giữa đều cần điều trị kháng sinh. Đa phần trẻ bị viêm tai giữa sẽ tự khỏi sau 2 – 3 ngày mà không cần điều trị đặc thù.

Đối với viêm tai giữa thông thường, các bác sĩ thường sẽ theo dõi bệnh nhi là chính. Trẻ sẽ được dùng thuốc giảm đau mà không kê kháng sinh trong vài ngày, để theo dõi bệnh có tự tiến triển tốt lên hay không.

Kháng sinh sẽ không được kê cho mọi trường hợp viêm tai giữa, bởi:

  • Không có ích trong trường hợp nhiễm virus
  • Không loại bỏ được dịch trong tai giữa
  • Có thể gây tác dụng phụ
  • Thường không giảm đau trong 24h đầu và chỉ có tác dụng nhỏ sau đó.

Hơn thế nữa, lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến kháng kháng sinh, khiến việc điều trị cho trẻ sau này khó khăn hơn. Một số trẻ bị viêm tai giữa nhiều lần và trẻ mất thính lực kéo dài, trẻ chậm nói có thể cần phải điều trị phẫu thuật.

Khi nào cần dùng kháng sinh?

Ảnh: Photo AC

Kháng sinh là điều trị chính cho trẻ nhiễm khuẩn nặng. Trẻ nhỏ hoặc trẻ bệnh nặng có thể cần kê kháng sinh ngay từ đầu. Chiến lược theo dõi cũng có thể không dùng cho trẻ kèm theo các bệnh khác, như nứt vòm miệng, bệnh Down, hay các rối loạn hệ miễn dịch.

Dù được điều trị kháng sinh hay không, cha mẹ sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn nhờ các thuốc giảm đau hạ sốt như actaminophen hay ibuprofen. Các bác sĩ cũng có thể kê thuốc nhỏ tai giảm đau nếu màng nhĩ chưa thủng.

Một số lưu ý giúp phòng viêm tai giữa cho trẻ

  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Nếu trẻ bú bình, hãy bế nghiêng trẻ thay vì để trẻ nằm bú.
  • Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, do khói thuốc làm tăng số lần và mức độ viêm tai.
  • Cha mẹ và trẻ nên rửa tay đúng và thường xuyên. Đây là một biện pháp đơn giản và quan trọng giúp chấm dứt sự lây lan của các tác nhân gây cúm, viêm tai giữa.

Khi nào trẻ cần được khám bác sĩ?

Rất hiếm khi viêm tai giữa không tự khỏi hoặc viêm nhiễm nặng tái diễn nhiều lần dẫn đến biến chứng. Nếu trẻ thấy đau tai hoặc cảm giác căng tức tai, đặc biệt kết hợp với sốt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu tình trạng không tiến triển tốt lên sau vài ngày.

Đau tai còn có thể do một số nguyên nhân khác như đau răng, dị vật trong tai, ráy tai cứng trong lỗ tai. Các bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị cho trẻ.

Đại Hải
Theo kidshealth