Cơn sốt của trẻ có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Đứa bé thường quấy khóc và bạn thấy da bé đỏ ửng hoặc nóng khi chạm vào. Nhiệt kế xác nhận sự nghi ngờ của bạn: Con bạn đã bị sốt. Nhưng bạn nên làm gì? Bạn cần nắm được một số kỹ năng chăm sóc trẻ khi sốt và biết lúc nào thì cần trợ giúp của nhân viên y tế.

Nguyên gây gây sốt ở trẻ

Mặc dù bạn có thể cảm thấy sự khác biệt về nhiệt độ chỉ bằng cách chạm tay, nhưng đó không phải là một phương pháp chẩn đoán sốt chính xác. Khi nghi ngờ bé bị sốt, bạn hãy đo nhiệt độ của bé bằng nhiệt kế. Nhiệt độ trực tràng hơn 38°C (nhiệt độ ở nách hơn 37,2°C) được coi là sốt. Trong hầu hết các trường hợp, sốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể em bé đang chống lại nhiễm trùng.

Ảnh: Business.fcebook.com

Triêu chứng sốt kích thích sự phòng vệ cơ thể để bảo vệ chống lại virus và vi khuẩn xâm nhập. Đây là một phản ứng tích cực trong việc chống nhiễm trùng, nhưng sốt cũng có thể khiến bé khó chịu. Bạn sẽ nhận thấy rằng bé đang thở nhanh hơn. Sốt ở trẻ thường liên quan đến một số bệnh như: Viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tai, cúm, cảm lạnh, viêm họng; nhiễm trùng máu, ruột và đường tiết niệu; viêm màng não, một loạt các bệnh do virus gây ra…

Sốt có thể dẫn đến mất nước nếu bé không bú (uống) tốt hoặc bị nôn. Trẻ nhỏ có thể bị mất nước nhanh chóng. Các triệu chứng mất nước có thể bao gồm: Không khóc thành tiếng, khô miệng, đi tiểu ít hơn bình thường. Nếu con bạn vẫn có thể ngủ, bú mẹ hoặc ăn, chơi bình thường thì bạn vẫn nên chờ xem cơn sốt có tự hết không.

Làm thế nào để giúp cho một đứa bé bị sốt được thoải mái?

Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng một liều acetaminophen hoặc ibuprofen cho trẻ. Những thuốc này thường hạ sốt ít nhất 1 hoặc 2°C sau 45 phút hoặc lâu hơn. Dược sĩ hoặc bác sĩ có thể cung cấp cho bạn thông tin liều lượng chính xác cho em bé. Lưu ý rằng, đừng cho bé uống aspirin.

Hãy chắc chắn rằng em bé của bạn mặc quần áo nhẹ và thoáng mát và cần cung cấp chất lỏng thường xuyên. Cha mẹ thử giúp bé thoải mái theo một số cách sau:

  • Lau người bằng nước ấm
  • Sử dụng quạt làm mát
  • Cởi bỏ bớt quần áo
  • Cung cấp đầy đủ nước

Sau khi bạn đã thử những cách này, tiếp tục kiểm tra nhiệt độ để xem sốt có giảm hay không. Nếu bé vẫn đang bú mẹ, hãy cố gắng cho bé bú thường xuyên hơn để ngăn ngừa mất nước. Sử dụng quạt thông khí để điều chỉnh nếu căn phòng quá ấm hoặc ngột ngạt.

Khi nào cần cho trẻ bị sốt đi gặp bác sĩ?

Ảnh: baomoi.com

Nếu em bé bị sốt kèm theo một trong các triệu chứng dưới đây, bạn nên đưa trẻ đến trung tâm y tế hoặc gọi điện cho bác sĩ gia đình:

  • Trẻ nôn trớ
  • Bệnh tiêu chảy
  • Phát ban không rõ nguyên nhân
  • Xuất hiện cơn co giật
  • Trẻ quấy khóc, cáu gắt bất thường, thờ ơ hoặc khó chịu

Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ trực tràng từ 38°C trở lên, nên đến gặp bác sĩ.

Trẻ sơ sinh có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể khi chúng bị bệnh. Điều này có nghĩa là chúng có thể trở nên lạnh thay vì nóng. Nếu trẻ sơ sinh của bạn có nhiệt độ thấp hơn 36°C, hãy gọi bác sĩ.

Co giật và sốt ở trẻ sơ sinh

Ảnh: gaurani.almightywind.info)

Đôi khi, trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi có thể bị co giật do sốt. Trong nhiều trường hợp, một cơn co giật do sốt sẽ diễn ra trong vài giờ đầu tiên của bệnh. Chúng có thể chỉ dài vài giây và thường kéo dài chưa đến 1 phút. Cơ thể bé có thể cứng, co giật, đảo mắt lên trên trước khi trở nên lờ đờ, chậm chạp và không phản ứng. Làn da của bé trông tối hơn bình thường. Co giật do sốt hầu như không dẫn đến nhiều di chứng về sau. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải báo cáo những cơn co giật này với bác sĩ.

Nếu em bé của bạn bị khó thở, hãy gọi xe cứu thương hoặc các dịch vụ khẩn cấp tại địa phương của bạn ngay lập tức. Cũng gọi ngay nếu cơn co giật tiếp tục trong hơn 5 phút.

Trẻ thực chất đang bị sốt hay bị say nắng?

Trong một số ít trường hợp, sốt có thể bị nhầm lẫn với bệnh liên quan đến nhiệt như say nắng. Nếu em bé của bạn đang ở một nơi rất nóng hoặc nhiệt độ quá cao trong thời tiết nóng và ẩm, thì say nắng có thể xảy ra. Nó không phải do nhiễm trùng hoặc một tình trạng bên trong cơ thể bị bệnh gây ra. Thay vào đó, nó là kết quả của sức nóng xung quanh. Nhiệt độ của em bé có thể tăng lên mức cao nguy hiểm trên 39,5 hoặc 40,5°C và phải được hạ xuống nhanh chóng.

Các phương pháp làm mát cho bé bao gồm:

  • Di chuyển trẻ đến nơi mát mẻ
  • Rửa người trẻ bằng nước mát hoặc dùng khăn ướt lau
  • Tiếp tục theo dõi thân nhiệt cho trẻ và làm mát cho tới khi thấy nhiệt độ xuống còn dưới 38,5°C

Say nắng được coi là một trường hợp khẩn cấp, vì vậy trong khi hạ nhiệt cho bé, bạn cần nhờ người gọi xe cấp cứu ngay.

Như vậy, sốt có thể đáng sợ, nhưng điều quan trọng cần nhớ là nó chỉ là triệu chứng biểu hiện của tình trạng cơ thể đang bị tổn thương. Cần tìm được căn nguyên của sốt. Trong khi đó, bạn nên giúp trẻ bị sốt được thoải mái bằng nhiều biện pháp. Nếu không chắc chắn về cách hạ sốt của mình hiệu quả cho bé, đừng ngần ngại cho trẻ đến trung tâm y tế hoặc gọi cho bác sĩ gia đình.

Theo Healthline
An Chi