Phụ nữ là phần quan trọng nhất trong xã hội loài người, không có họ thì sẽ không có nhân loại hôm nay bởi vì bất kỳ ai cũng phải do mẹ sinh ra. Vì thế nên những gì bao la vĩ đại và đẹp đẽ nhất đều có thể ví với phụ nữ. 

Là một nước văn hiến với 4.000 năm lịch sử, lẽ dĩ nhiên phụ nữ của Việt Nam cũng không thể tầm thường được. Vì thế mà đất nước ta trong lịch sử mới sản sinh ra những người phụ nữ rất vĩ đại, những người luôn dịu dàng nhã nhặn nhưng một khi đứng lên thì có thể thay đổi cả thế giới. Thế mới đúng là:

“Quần hồng Giao Chỉ nghiêng Đông Hán

Dồn ngược mây thành xuống Bắc phương

Ôi dáng lệ kiều lưng chiến tượng

Long Biên thẳng trỏ mũi gươm vàng

Tiếng hô diệt tặc sông truyền núi

Cuộn thủy triều theo lệnh nữ vương”

Những phụ nữ thừa kế và duy trì tinh hoa thời Hùng Vương

Nhà Triệu tiêu diệt An Dương vương và thiết lập quyền cai trị trên lãnh thổ Âu Lạc cũ, nhưng họ chỉ cai trị với đại diện là 2 viên quan sứ ở 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân.

Đến khi nhà Tây Hán diệt nhà Triệu (111 TCN), giai đoạn đầu vẫn duy trì cấp độ thống trị ở cấp quận. Chế độ các Lạc hầu, Lạc tướng của người Việt với quyền thế tập trên lãnh thổ Âu Lạc cũ được nhà Hán chấp nhận cho duy trì, nhưng ngày càng suy yếu.

Trong khi đó, có một người phụ nữ gọi là Man Thiện quê ở tổng Cam Giá, trấn Sơn Tây. Theo Việt Nam danh nhân tự điển của Nguyễn Huyền Anh thì bà Thiện (cháu ngoại của Vua Hùng) có tên thật là Trần Thị Đoan, vợ của quan lạc tướng Họ Hùng ở Mê Linh. Bà là một trong những quý tộc lớn còn bảo lưu được quyền lực ảnh hưởng cũng như những tinh hoa của thời Hùng Vương như võ công binh pháp sau khi mất nước.

Bà cũng chính là mẹ ruột của Trưng Trắc và Trưng Nhị. Bà nuôi chí lớn nên từ nhỏ đã nuôi dạy hai con, đào luyện họ thành những lãnh đạo tương lai của lực lượng khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Trưng Trắc, Trưng Nhị lớn lên thành những thiếu nữ xinh đẹp lại giỏi võ nghệ cùng khả năng lãnh đạo kiệt xuất đủ để kế thừa ý chí của mẹ.

Trưng Trắc, Trưng Nhị lớn lên thành những thiếu nữ xinh đẹp lại giỏi võ nghệ cùng khả năng lãnh đạo kiệt xuất đủ để kế thừa ý chí của mẹ. (Ảnh: britannica.com)

Anh hùng nữ kiệt thành đôi – Nhất dạ phu thê nhất dạ ân

Có gia nhân tất phải có anh hùng sánh đôi. Cùng chung ý chí quật khởi chống quân xâm lược và cùng mến tài võ nghệ của nhau, câu chuyện tình yêu tuyệt vời mà bi thương giữa đôi anh hùng nữ kiệt Thi Sách và Trưng Trắc vẫn còn ghi trong huyền sử:

“Thù hận đôi lần chau khoé hạnh

Một trời loáng thoáng bóng sao rơi

Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi”

Thời đó, nhà Hán đô hộ nước ta, cử Tô Định làm thái thú Giao Chỉ – bộ phận trung tâm của nước Âu Lạc cũ. Tô Định vốn nổi tiếng tham lam, tàn bạo, gây nên bao nỗi oán thán, uất hận trong nhân dân.

Thi Sách là con trai lạc tướng Chu Diên, cũng là người quật cường và giàu lòng yêu nước. Nghe tiếng hai chị em, chàng tìm đến Mê Linh. Hai Bà Trưng vốn biết vài điều về Thi Sách nên đón tiếp niềm nở, mời chàng dự cuộc săn diệt hổ.

Khi đến gần sào huyệt thú dữ, Thi Sách xông vào đánh nhau với nó. Trong lúc con hổ mãi vờn nhau với chàng, Trưng Trắc vận dụng tài bắn cung, nhanh tay bắn một mũi tên xuyên qua một mắt hổ. Thấy nó khựng lại, Thi Sách lập tức bồi thêm hai mũi lao hiểm. Trưng Trắc chạy tới gần thú dữ trước tiên. Bà kín đáo rút mũi tên của mình, nhường chiến công lại cho chàng trai trẻ.

Tin Thi Sách giết được hổ dữ giúp uy tín chàng tăng cao, tiếng tăm càng thêm lừng lẫy. Cùng chung chí hướng chống Hán, chàng kết hôn với Trưng Vương. Cuộc hôn nhân này tập hợp thế lực hai miền đất nước, gia tăng sức mạnh của cả hai nhà.

Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Vừa mới thành hôn không lâu, do e ngại trước lực lượng lớn mạnh của hai nhà sau khi thông gia, Thái thú Tô Định giả mời Thi Sách đến dự tiệc rồi giết chết ông.

“Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận

Non hồng quét sạch bụi trần ai

Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận

Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời…”

Vào một ngày của mùa xuân năm 40, Cửa sông Hát (Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Tây ngày nay) lúc này gió thổi mạnh làm tung bay những lá nghĩa kỳ phất phới trong ánh nắng xuân vẫn còn cái se lạnh của mùa đông chưa dứt hẳn. Cơ man nào là người, đông nghìn nghịt cửa sông. Không ai bảo ai mà tất cả đều xếp thành đội ngũ và đứng trầm mặc.

Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân xuất trận đánh giặc. (Ảnh: tistory.com)

Họ là những đạo quân ứng nghĩa đến từ khắp nơi trên cố quốc Văn Lang. Cái không khí trong lành và ấm áp của một buổi sáng mùa xuân vẫn không mảy may làm xao động những gương mặt cương nghị của các binh sĩ với những ngọn giáo sáng loáng, lưng đeo thủ đao đang sắp hàng trước lễ đài.

Không khí im phăng phắc, chỉ còn nghe tiếng tim đập khe khẽ cùng sự thành kính của làn hương trầm đang bay lên từ những nén hương trên đài cao kia. Trên đó có 2 bóng hình mảnh mai trong bộ giáp trận màu vàng kim đang hành lễ, họ khấn tuy không to nhưng lời lẽ đủ để lọt vào tai những chiến binh bên dưới:

“Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”

(Theo Thiên Nam ngữ lục)

Người đứng trên đài dần dần quay lại sau khi khấn, một gương mặt vô cùng diễm lệ trong bộ nhung trang chỉnh tề, hông đeo thanh bảo kiếm gia truyền toát lên một vẻ đẹp rực rỡ mà mạnh mẽ. Đó là Trưng Trắc, kế bên bà là người em gái cũng thu hút không kém – Trưng Nhị – họ là những người phụ nữ mà chỉ trong ít ngày nữa sẽ làm cho thiên hạ nhà Đông Hán đảo lộn chưa từng có…

“Trang Sử oai hùng thêu nếp gấm

Môi son hòa điệu hát đăng trình

Lĩnh Nam một cõi đôi vầng nguyệt

Hai lưỡi gươm vàng dựng đế kinh

Gợn nét mày chau cơn gió hú

Rung lên địa chấn xóa mây thành

Trò làn thư kiếm an thiên hạ

Áo chiến mây choàng vóc liễu xinh

Tay ngọc vờn cao, giông bão nổi

Sáu lăm thành quách hết điêu linh”

Cuộc khởi nghĩa được sự hưởng ứng của nhiều đội quân và nhân dân các nơi thuộc Âu Lạc và Nam Việt cũ. Quân Hai Bà đánh hãm trị sở Luy Lâu. Sử sách ghi lại rất sơ lược diễn biến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà từ khi bắt đầu tới khi thắng lợi. Sách Hậu Hán thư chép:

“Năm Kiến Vũ thứ 16 (40), người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá quận. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi Sách người Chu Diên, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Do vậy, những người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Gồm chiếm được 65 thành tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ giữ được thân mình mà thôi”.

Chúng ta có thể tóm lược trình tự cuộc khởi nghĩa như sau:

“Quân Hai Bà trước tiên tấn công đô úy trị quận Giao Chỉ ở Mê Linh. Chiếm được nơi đây, Hai Bà Trưng tiến đánh huyện Tây Vu, chiếm thành Cổ Loa. Trên đà thắng lợi, từ Cổ Loa, Hai Bà Trưng mang quân vượt sông Hoàng, sông Đuống đánh trị sở Giao Chỉ ở Luy Lâu bên bờ sông Dâu (làng Lũng Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh).

Quân khởi nghĩa tấn công quá nhanh khiến Tô Định không kịp trở tay. Trước thế mạnh của quân Hai Bà, các viên quan cầm đầu không trở tay kịp và không dám chống cự, bỏ chạy về phương Bắc.

Trước thế mạnh của quân Hai Bà, các viên quan cầm đầu không trở tay kịp và không dám chống cự, bỏ chạy về phương Bắc. (Ảnh: motthegioi.vn)

Thái thú Giao Chỉ là Tô Định hoảng hốt cũng tháo chạy. Để thoát thân, Tô Định phải cạo tóc, cạo râu, trà trộn vào loạn quân, vứt bỏ ấn tín mà chạy. Tương truyền người Việt đương thời vẫn có tục lệ phổ biến là cạo tóc, nên Tô Định làm như vậy để bắt chước cho khỏi bị phát hiện trên đường trốn. Cuối cùng Tô Định thoát về quận Nam Hải, bị Mã Viện dâng sớ lên Hán Quang Vũ Đế hạch tội “thấy tiền thì giương mắt lên, thấy giặc thì cụp mắt xuống”. Vua Hán hạ ngục trị tội Tô Định.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng rất nhiều. Sau khi Luy Lâu bị hạ, các thành khác nhanh chóng tan vỡ và quy phục. Cuộc khởi nghĩa lan rộng vào Cửu Chân, Nhật Nam, sang Uất Lâm, Hợp Phố…

Khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua, xưng vương. Thần phả cho biết Trưng Nhị được phong làm Phó Vương”.

“Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ

Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai

Hồn người chín suối cười an ủi

Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi”

Tuy rằng khởi nghĩa thành công nhanh chóng, nhưng than ôi dân Việt hãy còn tội nghiệt quá nặng nên lòng trời chưa thông. Cuộc quật khởi rốt cuộc cũng bì dìm vào biển máu:

Ngày 30 tháng 1 năm Tân Sửu (41), nhà Hán thấy Trưng Trắc xưng Vương dấy quân đánh lấy các thành ấp, nên hạ lệnh cho các quận Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi khe, chứa thóc lương, cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó tướng sang xâm lược.

Cánh quân bộ tiến vào vùng Đông Bắc Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành) đánh nhau với vua. Quân Nam bấy giờ ô hợp, rất nhiều thủ lĩnh không phục hai vua là đàn bà, lớp tan rã, lớp tự ly khai.

Hai bà thấy thế giặc mạnh lắm, không chống nổi, bèn lui quân về giữ Cấm Khê. Năm Quý Mão (43), Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán ở Cấm Khê, thế cuộc bị thua, đều tử trận.

Tướng Đô Dương tiếp tục cầm quân chống lại quân Hán đến cuối năm 43. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót lại huyện Cư Phong, cuối cùng lực lượng này cũng bị dẹp. Ngoài các tướng lãnh giỏi nhất bị giết, hơn 300 tướng súy người Việt bị bắt và đày sang Linh Lăng (Hồ Nam).

Từ đây, nước Việt lại thuộc quyền kiểm soát của nhà Hán, bắt đầu thời Bắc thuộc lần 2. Thời kỳ Hai Bà Trưng chỉ kéo dài được hơn 3 năm.

“Ai hay quốc vận còn hưng phế

Chớp mắt ba thu mộng thái bình

Biển dấy cuồng lưu cao núi hận

Cẩm Khê ngọc nát đá tan tành

Có nghe tiếng gọi hồn sông Hát

Sóng cuộn Đồng Nhân tạc bóng hình”

Lời kết

“Vằng vặc ngàn sao gương nữ kiệt

Hai mươi thế kỷ bỗng nghiêng mình

Mùa xuân Lạc Việt năm nào nhỉ

Ngây ngất mùi thơm vương giả hương”

Trong dòng sông dài của lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của dân Việt, giữa những màn chiến tranh đẫm máu và mồ hôi vô vị, dã man của cánh đàn ông, hai bà Trưng vụt sáng lên như 2 ngôi sao băng diễm lệ mà huy hoàng. Tuy chỉ có 3 năm ngắn ngủi nhưng không vì thế mà lại kém đấng mày râu.

Chỉ với 2 người phụ nữ vào thời điểm 2 ngàn năm trước lại dám đối đầu với Đế quốc hùng mạnh nhất thế giới mà còn có thể chiến thắng bằng vũ lực và thành lập nên quốc gia của riêng mình. Đó là một điểm mà cho đến nay vẫn ít thấy trong lịch sử nhân loại.

Trong dòng sông dài của lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của dân Việt, hai bà Trưng vụt sáng lên như 2 ngôi sao băng diễm lệ mà huy hoàng. (Ảnh: soha.vn)

Thế nhưng vũ lực chỉ nên là giải pháp cuối cùng khi tất cả biện pháp không còn giá trị, đặc biệt là với phụ nữ càng không nên động binh đao nếu muốn có một đời sống yên vui hạnh phúc. Vì thiên chức của họ là làm mẹ làm vợ, là người tô điểm cho gia đình, là người làm đẹp thêm cho nền hòa bình nhân loại chứ không phải dương uy nơi sa trường kia.

Nên tôi nghĩ rằng, dẫu rằng cuộc khởi nghĩa này là điều bắt buộc phải làm và tuy thành công ngay, nhưng thực chất nó không đem lại niềm vui cho hai bà. Vì sau bao nhiêu vinh quang trên chiến trường, ngai báu chót vót nhưng cô độc kia, chắc không thích hợp lắm dành cho những phụ nữ trẻ. Trên hết họ vẫn cần tình yêu thương và hạnh phúc mà thôi, như nữ sĩ Ngân Giang đã viết:

“Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”

(Chú thích: 2 bài thơ dùng trong bài viết trên gồm có Trưng Nữ Vương của Ngân Giang Nữ Sĩ và Hương Phấn Mê Linh của nhà thơ Đinh Hùng). 

Tĩnh Thủy