Thiền sư Pháp Thuận (914 – 990) tên thật là Đỗ Pháp Thuận, là thiền sư đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Sư trụ trì ở Chùa Cổ Sơn, làng Thừ, quận Ải. Sư từ nhỏ đã xuất gia, thờ Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy. Sư học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, hiểu rõ việc nước. Sau khi đắc pháp, sư nói ra lời nào cũng đều là sấm ngữ.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên nạn cát cứ 12 sứ quân, thống nhất non sông, xưng là Đại Thắng Minh hoàng đế. Nhà Đinh đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), lập nên triều đại quân chủ đầu tiên của nước Đại Việt.

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và thái tử bị cận thần Đỗ Thích phản bội ám sát. Thừa cơ nước Việt triều đình lục đục, chính sự rối ren, triều Tống cử binh sang xâm lăng. Trước nguy cơ nước mất nhà tan, thái hậu Dương Vân Nga quyết định mang hoàng bào, ấn kiếm truyền quốc trao cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, giúp ông lên ngôi hoàng đế năm 980 để thống lĩnh binh dân chống giặc giữ nước.

Thừa cơ nước Việt triều đình lục đục, chính sự rối ren, triều Tống cử binh sang xâm lăng. (Ảnh: motthegioi.vn)

Chiến thắng ngoại xâm xong, vua Lê Đại Hành gặp nhiều khó khăn trong việc nội trị, ngoại giao với lân bang. Rất may đương thời có thiền sư Pháp Thuận hết lòng hướng dẫn phò tá, trù kế hoạch định sách lược, sư tham dự đắc lực, có công lớn giúp Lê Đại Hành. Ðến khi thiên hạ thái bình, sư không nhận phong thưởng. Vua Lê Ðại Hành càng thêm kính trọng, thường không gọi tên, chỉ gọi là Ðỗ Pháp sư và đem việc soạn thảo văn thư giao phó cho sư.

Năm 986, Lý Giác sang Việt Nam lần đầu mang theo chế sách phong cho Lê Hoàn chức An Nam Đô Hộ Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ Kinh Triệu Quận Hầu; đồng thời bảo lãnh cho hai tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị Lê Hoàn bắt trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 981 về nước. Lần ấy theo sử sách, ông ta được tiếp đãi rất nồng hậu.

Năm 987, nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi đến chùa Sách Giang, Vua sai sư Pháp Thuận giả làm người lái đò ra đón. Giác rất giỏi và thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác nổi thi hứng ngâm nga mấy câu thơ rằng:

“Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha”.

Nghĩa là:

“Ngỗng ngỗng hai con ngỗng

Ngắm chân trời hát ca”.

Sư Pháp Thuận đang buông mái chèo, dừng tay tiếp lời Lý Giác, ngâm nga rằng:

“Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba”.

Nghĩa là:

“Lông trắng phơi dòng biếc

Chân hồng rẽ sóng xanh”.

Lý Giác vô cùng thán phục, vì hai câu thơ của ông lái đò hay hơn hai câu của Lý Giác rất nhiều, tạo lên bài thơ tuyệt cú. Hai câu thơ của Lý Giác chỉ là câu thơ bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, nhưng với hai câu của ông lái đò, là bức tranh sống động có đủ sắc màu trắng biếc xanh hồng, rất sinh động, trong thơ có hoạ. Hai câu thơ Lý Giác là viên gạch, còn hai câu thơ ông lái đò là hòn ngọc sáng.

Khi đến chùa Sách Giang, Vua sai sư Pháp Thuận giả làm người lái đò ra đón. (Ảnh minh họa: tinhhoa.net)

Lý Giác vịnh hai con ngỗng đang bơi trên dòng sông, Lý Giác dùng từ “ngưỡng diện” nghĩa là ngửa mặt và “thiên nha” có nghĩa là chân trời, ý muốn chỉ thiên triều nhà Tống. Như vậy, hai câu này đã nói lên sự ngạo mạn trịch thượng của một sứ thần phương Bắc. Ông đã ví vua quan nước Đại Việt như là bầy ngỗng đang ngưỡng mặt hướng về thiên triều thần phục. Đây là thái độ phổ biến của sứ thần phương Bắc.

Với kiến thức uyên bác và tài thơ văn, sư Pháp Thuận hiểu ngay những câu thơ cao ngạo ấy của Lý Giác. Với vai trò ông lái đò, sư Pháp Thuận đã bình thản trả lời Lý Giác bằng hai câu thơ. Hai câu này không những để đối trọng lại thái độ ngông nghênh mà Lý Giác đã nói trước đó, mà còn làm thành bài thơ hoàn chỉnh rất hay, khiến Lý Giác vô cùng kính nể: Nước Nam quả lắm nhân tài, ngay cả ông lái đò quê mùa này mà tài thơ ca đã vượt Lý Giác rồi.

Từ lúc đó trở đi, Lý Giác không còn dám cao ngạo coi thường vua quan nước Việt, vào triều đình giữ đúng phép tắc. Vua Lê Đại Hành rất mừng, và càng coi trọng sư Pháp Thuận hơn.

Triêu Lộ