Vị tướng nước Nam trung thành với chúa Nguyễn, với hành trạng cuộc đời tựa như đã tái hiện điển tích Quan Công treo ấn gói vàng, vượt năm ải chém sáu tướng để trở về bên Lưu Bị.

Vào năm 1783, Nguyễn Phúc Ánh cùng hơn 3 vạn quân thủy bộ gây dựng trong mấy năm trời bị thủy quân của Tây Sơn do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy đánh cho tan tác. Thuyền chiến quân nhà Nguyễn từ tàu bọc đồng đến tàu lớn, tàu nhỏ đều bị đánh chìm hay tịch thu. Bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, Nguyễn Ánh phải theo đường rừng mà chạy.

Lúc tàn quân chạy đến Định Tường, Nguyễn Ánh bị sa lầy không đi được. Quân sĩ do bị đuổi gấp nên chạy hết, chỉ có một người trở lại cứu. Người đó là Tiền quân Huỳnh Tường Đức.

Lúc này trời nhá nhem tối, lại ở trong rừng khó xác định phương hướng. Huỳnh Tường Đức một mình lớn tiếng thách thức quân Tây Sơn lại gần. Tiếng nói của ông vang dội cả rừng, khiến quân Tây Sơn nghi hoặc, sợ có mai phục nên rút lui. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát được. Đêm đó, vì quá mỏi mệt, Nguyễn Ánh đã gối đầu lên đùi Huỳnh Tường Đức ngủ mê man… Đức thức trắng đêm đuổi muỗi cho chúa. Cảm động, Nguyễn Ánh ban cho ông quốc tính và xem ông như người trong hoàng tộc. Từ đó, Huỳnh Tường Đức được biết đến với cái tên Nguyễn Huỳnh Đức.

***

Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819) là một trong “Gia Định ngũ hổ tướng” thời Nguyễn, sánh vai cùng những tên tuổi lẫy lừng Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn. Vốn người đất Kiến Hưng, tỉnh Định Tường xưa, Huỳnh Đức được Đại Nam liệt truyện miêu tả là có “trạng mạo đẹp đẽ, khỏe hơn mọi người; ai cũng gọi là hổ tướng”.

Trong Nam Kỳ danh nhân có chép lại đôi câu đối nơi lăng miếu của ông: 

 “Trung nghĩa cương thường, long hổ phong vân đính hội
Anh hùng mi mục, Tiêm, Miến, Lao, Man tri danh”. 

Vị khai quốc công thần nhà Nguyễn được ví như Quan Công của nước Nam, với lòng trung nghĩa hiếm có.

Điển tích “Thân Tào hồn Lưu” (Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán) của Quan Công thời Tam Quốc đã diễn giải cho người đời hàm nghĩa của hai chữ Trung và Nghĩa. Quan Công thua trận ở Hạ Phì, bất đắc dĩ phải quy hàng để bảo vệ hai chị dâu, nhưng ra điều kiện là “chỉ hàng Hán, không hàng Tào”. Dù được Tào Tháo tôn kính như thượng khách, phong tước hầu, ban thưởng nhiều vàng bạc… nhưng ngay khi biết được tin của Lưu Bị, ông đã treo ấn gói vàng, vượt năm ải chém sáu tướng để trở về bên huynh trưởng.

Trong sử Việt, thời Nguyễn Ánh quay lại phục quốc (cơ nghiệp 9 đời Chúa Nguyễn) khá tương đồng với cách mà Lưu Bị muốn trung hưng lại Hán thất, và câu chuyện của “hổ tướng đất Sài Gòn nay” là Nguyễn Huỳnh Đức phụng sự cho nhà Nguyễn dường như tái hiện chữ Trung Nghĩa của Quan Công năm nào.

Thua quân Tây Sơn ở Đông Tuyên rồi bị bắt cùng 500 thuộc hạ, song Nguyễn Huỳnh Đức chỉ chịu cho Nguyễn Huệ thu dụng với lời hứa “Đánh Trịnh chứ không đánh Nguyễn”, rất giống giao ước từ Vân Trường khi thua Tào Tháo ở Hạ Phì. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 7) chép chuyện Nguyễn Huỳnh Đức như sau:

“Huệ thấy Đức khỏe mạnh, ý cũng muốn thu dùng, còn Đức thì cũng muốn trốn về nhưng lại chưa thể, nên trong lòng thường phẫn uất. Một đêm, trong trại quân của Huệ, đang lúc mơ ngủ, Đức quát mắng Huệ rất to. Tướng của Huệ giận, muốn nhân đó đem giết đi, nhưng Huệ cho là lời trong giấc ngủ, không nỡ bắt tội, lại còn cho nhiều châu ngọc, ý muốn tỏ sự hậu đãi để lôi kéo nhưng Đức vẫn không vui”.

Hành trình Nguyễn Huỳnh Đức theo dấu Nguyễn Ánh cũng đậm chất phải lập công trả nghĩa như cách Quan Vũ trảm Nhan Lương, giết Văn Sú, vượt cả một hành trình đằng đẵng bôn ba mới được đoàn tụ cùng Lưu Bị. Lúc theo Quang Trung ra Bắc Hà phá Trịnh, nhờ có công nên Đức trở thành phó tướng cho Nguyễn Văn Duệ. Đức lợi dụng Nguyễn Văn Duệ muốn về phe Nguyễn Nhạc, tìm cách lựa dịp trốn sang Vạn Tượng rồi qua Xiêm La lần theo tin tức của Nguyễn Ánh. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện:

“Người Man nghe tin liền cấp cho Đức lương khô, nhờ đó, Đức mới về được đến Xiêm La, nhưng khi đến Xiêm La thì Vua đã về Gia Định. Vua Xiêm La muốn giữ lại, Đức thề là thà chết chớ không chịu, nhân đó lại kể nỗi gian nan đi tìm chủ, khiến khí uất ngùn ngụt bốc lên mà thổ ra một hòn máu. Vua Xiêm La thấy không thể ép buộc được, cũng trọng mà cấp thuyền cho về”.

Cuối cùng, Nguyễn Phúc Ánh thành công lấy lại cơ đồ, sau lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Gia Long. Nguyễn Huỳnh Đức được phong làm Quận công, Tổng trấn Bắc thành, rồi tiếp sau đó là Tổng trấn Gia Định thành. Đây là trường hợp hiếm có được vua giao giữ chức vụ cao buổi đầu lập quốc, mà lại liên tiếp ở hai đầu đất nước. Phải là người có hùng tài thao lược, uy tín cũng như lòng trung thành thì mới có thể được phó thác trọng trách như vậy.

Trấn trị Gia Định thành một thời gian, tự lượng tuổi cao sức yếu, ông xin trí sĩ. Đến năm Kỷ Mão (1819) vị dũng tướng từ trần, thọ 72 tuổi. Vua tỏ lòng tiếc thương vô hạn, lệnh cho quan trong triều ngoài trấn mặc đồ trắng đưa tang, các quan tỉnh cư tang ba ngày… Sau này, bài vị của ông được vua Minh Mạng đưa vào thờ tự tại miếu Trung hưng công thần, tòng tự tại Thái miếu.

Dân gian có câu rằng:

 “Phương bắc, Lưu Bị có Quan Công
Phương nam, Nguyễn Ánh có Huỳnh Đức"

Xét về lòng trung nghĩa, Huỳnh Đức dường như là tái sinh của Võ Thánh Quan Công ngày xưa. Xét về uy dũng, tiếng thét của ông giữa rừng đẩy lui quân Tây Sơn, bảo vệ chúa Nguyễn nào khác chi điển tích Trương Phi ở cầu Trường Bản. Nước Nam ta thật tự hào vì có vị tướng quân đủ cả trung dũng như ông vậy.

Video: 12 đạo lý đơn giản mà hữu ích với tất cả mọi người

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9f167c9__