Chuyên mục Chữ và Nghĩa chủ trương trả lại ý nghĩa đích thực, nghĩa gốc của những từ ngữ mà chúng ta đang dùng trong đời sống hiện đại. Nếu chúng ta hiểu không đúng nghĩa của từ, chúng ta sẽ không thể hiểu được lời nói của ông cha, cũng không đọc được sách vở chính thống, chính là tự cắt đi sự liên hệ với quá khứ. Do vậy, chúng tôi xin giúp độc giả phạt cỏ dọn cành ngõ hầu phát quang lối cũ về với người xưa. Và cũng nhân đó giúp cho độc giả có được dăm ba phút giải trí nhẹ nhàng.

Kỳ này, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả câu chuyện về nguồn gốc 2 từ “phụ huynh” và “bác sĩ”.

1. Phụ huynh

Mời quý độc giả theo dõi một hoạt cảnh:

Một người đàn ông ngập ngừng đứng trước cửa một lớp học phổ thông vào ngày Chủ Nhật. Chả là hôm nay có buổi họp cha mẹ học sinh. Trên tay anh ta cầm tờ giấy mời họp do cô giáo chủ nhiệm lớp ký.

Cô giáo chủ nhiệm lớp ra đón, hỏi:

– Xin lỗi, anh là phụ huynh của em nào?

– Chào cô giáo ạ. Tôi là anh trai lớn của em A. Bố tôi mất sớm. Tôi thay bố gánh vác việc nhà. Hôm nay mẹ tôi đi vắng nên tôi đi họp thay.

– Không được anh ạ. Trên giấy mời ghi là: “Mời phụ huynh học sinh”, có nghĩa phải là cha mẹ các cháu đi họp…

– Tôi đi họp cho các em tôi nhiều năm nay cô giáo ạ. Vì mẹ tôi cũng không được khỏe. Mong cô giáo thông cảm…

Cũng không rõ người anh cả này có được vào họp phụ huynh không. Nhưng hôm nay ta hãy tìm hiểu từ “phụ huynh” nguyên nghĩa là gì.

Theo từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê bản 2018 thì:

“Phụ huynh d. Cha mẹ hoặc người thay mặt, đại diện cho gia đình học sinh trong quan hệ với nhà trường. Họp phụ huynh học sinh.”

Nhưng xét về cấu tạo từ:

“Phụ huynh” là một từ Hán Việt. Phụ là cha. Huynh là anh.

Xã hội Nho giáo xưa có 3 vị trí được coi trọng hơn hết, xếp theo thứ tự: Quân – Sư – Phụ. “Quân” là vua, quyền lực lớn nhất. Rồi đến “Sư” là người thầy. Còn trong gia đình thì quyền lực của “Phụ” – người cha là lớn nhất, đó là trong mối quan hệ cha con. Tuy nhiên, quyền lực đi kèm với trách nhiệm, và đức hạnh phải tương xứng.

Phụ huynh
Phụ huynh theo nghĩa gốc là chỉ cha anh. (Ảnh minh họa: rocidea.com)

Trong sách Luận Ngữ có câu: “Vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con” (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử). Dù là vua hay bề tôi, dù là cha hay con, thì đều phải cư xử đúng Đạo, thì mới được người khác kính trọng.

Với người phụ nữ thì Nho gia giảng “tam tòng”: “Tại gia tòng phụ. Xuất giá tòng phu. Phu tử tòng tử”. Có nghĩa là: “Lúc chưa lấy chồng ở nhà thì theo cha. Lấy chồng rồi thì theo chồng. Chồng chết thì theo con trai trưởng nếu con trai trưởng đã đủ lớn”. Văn hoá truyền thống đề cao phẩm chất ôn nhu, khiêm nhường, nhẫn nại của nữ giới. Cha được ví như Trời sinh, thì mẹ được ví như Đất dưỡng, công đức là to lớn như nhau, chỉ khác là nữ giới cần mềm mỏng, nhu hoà, thuận theo nam nhân mà hành xử.

Lại có câu: “Quyền huynh thế phụ”, có nghĩa là khi cha mất thì người anh trưởng được phép “tòng quyền” quyết định thay cha những việc chung thân đại sự của em nhỏ. Chữ “tòng quyền” là nói tắt từ “ngộ biến tòng quyền” của Mạnh Tử. Ý nói là sự linh hoạt, hoàn cảnh thế thì phải xử theo tình thế.

Chứ không phải là khi cha mất thì anh trưởng được nhảy lên đầu lên cổ em mà ngồi. Mà vẫn phải là: “Huynh hữu đệ cung”. Anh thì thân ái coi em như bạn hữu, em thì đối với anh phải cung kính. Nhưng anh cả vẫn là người quyết định sau cùng. Đó là cái phép tắc của người xưa giúp cho nếp nhà không loạn. Nhà không loạn thì xã hội mới trị.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, khi vị lãnh chúa Giang Nam là Tôn Kiên mất, thì con trưởng là Tôn Sách dẫn dắt cả gia đình, gia tộc, dạy bảo em trai là Tôn Quyền. Bà mẹ là Quốc Thái phu nhân chỉ giữ địa vị hỗ trợ tinh thần. Đó là một hình mẫu của “phu tử tòng tử” và “quyền huynh thế phụ”.

Như vậy thì “phụ huynh” nghĩa gốc của nó là “cha anh” – những người có quyền quyết định trong gia đình thời xưa, chứ không phải là cha mẹ như cách hiểu hiện nay.

Cô giáo chủ nhiệm trong ví dụ trên hiểu không sai. Người anh trưởng cũng hiểu không sai. Chỉ là hai cách hiểu đặt trong hai bối cảnh xã hội khác nhau. Nhưng ở đây chúng ta đang tìm đến cái gốc của vấn đề.

Phụ huynh
Một buổi họp phụ huynh. (Ảnh: youtube.com)

2. Bác sĩ

Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê bản 2018 định nghĩa:

“bác sĩ d. Người thầy thuốc tốt nghiêp đại học y khoa. Bác sĩ khoa nội. Bác sĩ thú y.”

Tuy nhiên, bác sĩ cũng là một từ Hán Việt có nguyên nghĩa khác hẳn, ghép từ “bác” và “sĩ”.

Bác: nghĩa là rộng. Ví dụ “bác học” là người học rộng biết nhiều. “Thông kim bác cổ” có nghĩa là thông hiểu hết cả chuyện xưa chuyện nay, người thông thái.

“Bác” ở đây không có nghĩa là bác bỏ, bài bác. Hay là “bác” theo cách gọi cha ngày xưa (“Vì chưng bác mẹ em nghèo, cho nên em phải đâm bèo thái khoai” – Ca dao). “Bác” cũng không phải theo nghĩa là rối, như món “trứng bác”.

Sĩ: là kẻ đi học, là người trí thức. Xã hội phong kiến có bốn giai tầng xếp theo thứ tự: Sĩ, Nông, Công, Thương. Tức là trí thức, nông dân, người làm nghề tiểu thủ công, và người buôn bán.

Như vậy, “Bác sĩ” có nghĩa là “người trí thức học rộng biết nhiều”.

“Sĩ” đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội ngày xưa. “Sĩ” là người nắm Đạo học của xã hội, đạo đức xã hội, đời sống tinh thần của xã hội. Trên thì giúp vua trị nước, dưới thì khai trí người dân.

Bác sĩ
Bác sĩ theo nghĩa gốc là dùng để ám chỉ người trí thức học rộng biết nhiều. (Ảnh: youtube.com)

Do vậy, trong tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”, khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc rất coi trọng tầng lớp này, dù rằng chính quyền Bắc Hà lúc ấy đã hết sức lung lay. Những người ấy được gọi là “sĩ phu Bắc Hà”, tức là trí thức sống ở Đàng Ngoài, Nguyễn Huệ thì ở Quy Nhơn thuộc Đàng Trong. Sĩ phu là người đàn ông có học, trong đó có La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ở Nghệ An mà Nguyễn Huệ luôn tôn trọng coi là thầy, hay Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn… những người nắm rất rõ tình hình xã hội, triều chính của xứ Đàng Ngoài đã giúp cho vua Quang Trung những chỉ dẫn quý báu.

Trong cờ tướng có quân sĩ luôn ở kề cận quân tướng, che đỡ cho tướng. Trong bộ bài tam khúc thì sĩ cũng chỉ đứng dưới tướng. Đó là hình tượng của Sĩ trong trò chơi dân gian.

Trong Tử Vi Đẩu Số có ngôi sao Bác Sĩ, sao này luôn đi với sao Lộc Tồn, thuộc vòng Lộc Tồn. Sao Bác Sĩ là chỉ một kẻ học rộng, nó là một bàng tinh, không phải chính tinh.

Nhân đây, chúng ta cũng tìm hiểu thêm từ “Sĩ diện” cũng là một từ Hán Việt. “Sĩ” thì ta đã biết, còn “diện” là khuôn mặt. “Sĩ diện” là cái mặt của kẻ sĩ, là thể diện của họ. Kẻ sĩ trọng nhất danh dự, thể diện. Có câu “kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục”, đó là một bộ phận quan niệm của thời xưa. Do vậy “sĩ diện” không phải là tinh tướng, lên mặt như ta vẫn hiểu.

Để kết bài, xin tặng độc giả một câu nói vui, nếu hiểu theo hai nghĩa xưa và nay thì hoàn toàn khác hẳn nhau:

“Phụ huynh tôi là bác sĩ”

Xưa: Cha và anh tôi là kẻ sĩ học rộng biết nhiều.

Nay: Bố mẹ tôi là thầy thuốc.

Minh Trí