Người nhân đức yêu thương mọi người, lại yêu thương vạn vật, tình yêu thương rộng lớn vô biên. Vậy đức “Nhân” mà người ta hay nhắc đến là gì, và thế nào là phép tắc của “Nhân”?

Những luận thuật về chữ “Nhân” trong thư tịch cổ rất nhiều, nổi tiếng nhất là ghi chép về việc Khổng Tử luận chữ “Nhân” trong Luận Ngữ. Những luận thuật này được người đời sau thường xuyên dẫn dụng, lưu truyền rộng rãi, người viết mạn phép không nhắc lại nữa.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu phép tắc của chữ Nhân được Đổng Trọng Thư luận thuật trong Xuân Thu phồn lộ.

Đổng Trọng Thư trực tiếp chỉ ra rằng: “Phép tắc của Nhân là ở yêu thương con người, không phải ở yêu thương bản thân”.

“Người ta không cảm nhận được tình yêu thương của mình, tuy mình đầy yêu thương, cũng không được con là Nhân”.

Như vậy, phép tắc của chữ Nhân là ở yêu thương người khác, không phải ở yêu thương bản thân mình. Nếu người khác không nhận được tình yêu thương của anh ta, thì cho dù anh ta yêu thương bản thân đến đâu, anh ta cũng không được coi là Nhân.

Phép tắc của Nhân là ở yêu thương con người, không phải ở yêu thương bản thân. (Ảnh: Pinterest)

Chúng ta hãy cùng xem đoạn luận thuật về chữ Nhân của Đổng Trọng Thư:

Xưa kia, Tấn Linh Công giết người đầu bếp để cải thiện ẩm thực, lại dùng cung tên bắn đại phu để mua vui. Rõ ràng là ông ta yêu thương bản thân mình, nhưng cũng không thể vì yêu thương bản thân mà coi ông ta là người thiện lương được, bởi ông ta không yêu thương người khác. Chân thành đối với người cho đến vạn vật, ngay cả đối với cầm thú côn trùng cũng một lòng nhân ái. Không có tình thương, thì sao có thể nói là Nhân được? Cái gọi là Nhân cũng chính là tên gọi khác của khái niệm ‘yêu thương người’.

Lỗ Hỷ Công truy đuổi quân Tề đến đất Huề, Công Dương truyện nói đến sự kiện này đã không dùng lời ca ngợi. Trong khi đó, Lỗ Trang Công truy đuổi quân Nhung Địch đến Tễ Tây, Công Dương truyện lại ca ngợi ông có suy nghĩ sâu xa lâu dài. Cũng vậy, Lỗ Hỷ Công đợi quân địch đến xâm phạm biên cương rồi mới đi cứu, thì không ai khen ngợi ông. Nhưng Lỗ Trang Công khi quân địch chưa đến đã phòng bị từ trước, thì lại được khen ngợi – đó là khen ngợi ông có thể ngăn chặn tai họa trước khi sự việc phát sinh.

Trước khi tai họa xảy ra đã ngăn chặn nó, cho nên tai họa chẳng thể nào xảy ra được, thiên hạ nhờ đó đã không còn tai họa nữa rồi. Xem ra, tâm ý của Xuân Thu chính là: Quan sát sự vận động của sự vật, phát hiện trước mầm mống, tiêu diệt họa loạn khi nó sắp phát sinh mà chưa thành hình. Loại trí tuệ này thực sự là cao minh đến cực điểm. Nếu không có được trí tuệ như Nghiêu Thuấn, biết được gốc rễ của lễ, thì sao có thể làm được tới điểm này? Do đó ngăn chặn trước tai họa, đó là biểu hiện của trí tuệ cao minh.

Lỗ Trang Công lo nghĩ vô cùng sâu xa, Xuân Thu đã ca ngợi ông. Nếu thể hội cẩn thận kỹ lưỡng những ý chỉ của Xuân Thu khi ca ngợi Lỗ Trang Công, sẽ thấy vạn vật trong trời đất đều cảm thấy vui thích vì lòng nhân ái của ông. Nếu có đức hạnh của các bậc Thánh vương thời Tam Đại, chẳng phải lựa chọn tinh anh từ những bậc hiền tài, thì sao có thể làm đến điểm này được?

Quan sát sự vận động của sự vật, phát hiện trước sự việc. (Ảnh: PicsBroker.com)

Do đó, có trí tuệ cao minh thì có thể biết trước sự phát triển của sự vật, nhân ái sâu dày thì có thể thực thi đến những người nơi xa xôi. Thực thi nhân ái càng xa thì càng hiền tài, càng gần thì càng không ra gì, đó chính là yêu thương. Do đó người có thể thành Thánh vương, thì tình yêu thương của họ sẽ tỏa xa tới cả các vùng man di bốn phương. Người có thể thành bá chủ sẽ yêu thương các chư hầu. Bậc quân chủ làm cho quốc gia an định, là vì yêu thương nhân dân quốc gia mình. Quân chủ khiến quốc gia nguy nan, là vì chỉ yêu thương người xung quanh ông ta. Quân chủ khiến quốc gia diệt vong, là vì chỉ yêu thương bản thân mình.

Người chỉ yêu chính mình, cho dù ở ngôi thiên tử hay chư hầu, cũng chẳng qua là kẻ cô độc mà thôi, không có thần dân nào nguyện để ông ta sai khiến. Người như vậy, người khác không tiêu diệt họ, thì bản thân họ cũng sẽ tự diệt vong. Xuân Thu không nói chuyện quốc gia chinh phạt nước Lương, mà nói nước Lương diệt vong vì quân chủ nước Lương là người chỉ yêu bản thân mình.

Do đó nói: Người nhân đức yêu thương người khác mà không phải yêu thương bản thân, đó chính là phép tắc của Nhân.

Tiểu kết:

“Người nhân đức, đó là danh xưng yêu thương người khác”. “Người nhân đức yêu thương người khác, không phải yêu thương bản thân, đó là phép tắc của Nhân”.

Muốn làm người nhân đức, cần phải có tình thương, hiểu được yêu thương người khác. Lòng nhân ái sâu sắc bao la, rất nhiều người được hưởng ân huệ, thì bản thân đã càng tiếp cận với Thánh nhân. Kẻ chỉ yêu mình, mọi người xa lánh, thân thích tránh xa, cuối cùng đi vào diệt vong. Đoạn văn này của Đổng Trọng Thư gợi mở cho người đời sau học làm người nhân đức yêu thương mọi người.

Theo Secretchina
Nam Phương biên dịch