Khi sắp hoàng hôn thì có hai quỷ nhỏ đến mời ông lên kiệu, rồi khiêng kiệu đến nơi làm việc tại Địa phủ. Vì làm phán quan trong thời gian tương đối dài nên ông có cơ hội thấy được tình hình dưới Âm Tào…

Trong số các đệ tử của Hư Vân hòa thượng có một người tên Chu Kính Trụ (1889-1985), pháp danh Khoan Kính. Ông vốn là học giả tài chính kinh tế, từng nhậm chức Cục trưởng tài chính Tây Khang, tỉnh Tứ Xuyên, và trưởng phòng tài chính tỉnh Chiết Giang. Đến năm 1949 ông sang Đài Loan để chuyên tâm tu Phật và hồng dương Phật Pháp, ông cũng là người mở xưởng in kinh ở Đài Loan để lưu thông kinh Phật.

Chu Kính Trụ là con rể của Chương Thái Viêm (1869-1936) – bậc thầy trong giới học thuật Trung Quốc vào những năm đầu thời Dân Quốc. Năm 1931, Chu Kính Trụ làm giám đốc ở một ngân hàng. Những lúc nhàn rỗi ông vẫn thường hẹn mấy người bạn thân đến đánh mạt chược, trò chuyện tán gẫu.

Trong nhóm bạn đó có một người là “tẩu âm sai”, buổi tối thường đi đến nơi Âm Tào Địa Phủ làm việc. Chức vị của người đó không cao lắm, chỉ giống như phụ trách truyền đạt công văn, làm cấp dưới của Đô Thành hoàng Tô Châu. Ở cõi người, Tô Châu là một huyện, Thượng Hải là thành phố lớn, nhưng ở nơi âm gian, Thành hoàng của Thượng Hải chỉ giống như chức quan huyện, chịu sự quản lý của Đô Thành hoàng Tô Châu. “Thành hoàng” mà chúng tôi nói đến còn có sự phân chia lớn nhỏ, “Đô Thành hoàng” là chức vị cao nhất, quản lý cả một tỉnh thành.

Chu Kính Trụ. (Ảnh: qi-gong.me)

Ông nói, có một ngày Thành hoàng Thượng Hải đưa đến một tập “sổ sinh tử” trình báo lên Đô Thành hoàng Tô Châu, chính ông là người tiếp nhận. Ông hiếu kỳ giở ra xem thử là những ai, kết quả khiến ông cảm thấy mơ hồ khó hiểu, những cái tên trong đó phần lớn đều có năm, sáu chữ. Ngày hôm sau, trong lúc chuyện trò với Chu Kính Trụ, ông liền kể lại chuyện này, ai cũng không nghĩ ra nguyên nhân. Tên của người Trung Quốc nhiều nhất là bốn chữ, không thể nào nhiều đến mức có tới năm, sáu chữ, vậy nên nhóm bạn của Chu Kính Trụ nghĩ thế nào cũng nghĩ không thông. 

Ba tháng sau, vào ngày 28/1/1932, Nhật Bản phát động chiến tranh ở Thượng Hải, quân đội Quốc Dân đảng anh dũng chống trả. Lúc này, họ mới giật mình hiểu ra, tập “sổ sinh tử” được gửi đến Thượng Hải trước đây là danh sách tử vong của quân đội Nhật Bản trong chiến dịch ngày 28/1 đó. Từ đây có thể hiểu được rằng “sống chết có số”, tức là ba tháng trước khi chiến tranh nổ ra thì những người thiệt mạng đều đã có tên trong danh sách và được gửi đến chỗ của Đô Thành hoàng Tô Châu rồi.

Điều này nói rõ một điều, những người chết bất đắc kỳ tử trong chiến tranh thật ra cũng là đã được an bài trong số mệnh cả rồi. Chết vào lúc nào, nơi nào, đều đã được định trước cả, quả thực là “mỗi một miếng cơm nước uống đều đã được định sẵn”. Những ai trong mệnh không phải chết, dù có trong rừng bom mưa đạn cũng không hề hấn gì; người mà trong mệnh đã đến lúc phải chết, thậm chí ngay cả đạn lạc cũng sẽ bắn chết anh ta. Đây đều là sự thật cả.

Chu lão cư sĩ là con rể của Chương Thái Viêm, còn Chương Thái Viêm lại là bậc thầy học thuật, rất nổi tiếng trong giới văn học. Lúc đó, Viên Thế Khải nắm quyền, Chương Thái Viêm bởi đắc tội với Viên Thế Khải mà bị tống giam vào ngục. Đắc tội thế nào? Ông nói Viên Thế Khải không đáng để cho ta phải chửi mắng, ý là mắng Viên Thế Khải chỉ làm dơ miệng mình. Câu nói này truyền đến tai, Viên rất tức giận, liền bắt nhốt Chương vào trong ngục. Kể ra thì cũng không phải đại tội gì, cho nên chỉ hơn một tháng sau ông lại được thả ra.

Chương Thái Viêm. (Ảnh: qi-gong.me)

Sau khi Chương Thái Viêm mất, Chu Kính Trụ chỉnh lý các tác phẩm để lại của cha vợ mới phát hiện một lá thư kỳ lạ. Lá thư viết bằng những ngôn từ rất cung kính dâng lên “bề trên”, trong đó ghi chép lại chuyện Chương Thái Viêm mỗi ngày đều đến Âm phủ làm Diêm Vương. Chu Kính Trụ về sau đã dựa vào điều này chỉnh lý thành một bài viết có nhan đề là “Viên Thế Khải muốn làm hoàng đế, Chương Thái Viêm sợ làm Diêm Vương”. Bài viết nói rằng, không lâu sau khi ra ngục, vào đầu tháng 12 năm 1914, Chương Thái Viêm mơ thấy có hai quỷ nhỏ khiêng một chiếc kiệu, nói Đông Nhạc Đại Đế cho gọi, xin mời ông lên kiệu. Hai quỷ nhỏ này đi nhanh như bay, chẳng mấy chốc đã đến chỗ của Đông Nhạc Đế quân.

Trung Quốc có Ngũ Nhạc (năm ngọn núi lớn), Đông Nhạc cai quản năm tỉnh, trong khi Đô Thành hoàng Giang Tô chỉ quản một tỉnh, nên có thể thấy Đông Nhạc Đế quân là đại quỷ vương. Đông Nhạc Đại Đế mời Chương Thái Viêm đến làm phán quan, mỗi buổi tối đều mời ông đến nơi đó làm việc. Ông kể, khi sắp hoàng hôn thì có hai quỷ nhỏ đến mời ông lên kiệu, rồi khiêng kiệu đến nơi làm việc, đến sáng sớm ngày hôm sau, khi trời sáng thì đưa ông trở về. Vì làm phán quan trong thời gian tương đối dài nên ông có cơ hội thấy được tình hình ở trong Âm Tào Địa Phủ.

Đó là điều chân thật! Ở âm gian, tuy rằng chủng tộc khác nhau, quốc gia khác nhau, tiếng nói khác nhau, nhưng ở Âm Tào mọi lời nói đều thông, đôi bên nói chuyện không có chướng ngại, đều có thể hiểu nhau, đó là một hiện tượng kỳ diệu. Việc ăn uống, đi đứng của họ cũng gần giống như trên thế gian này vậy, chỉ là họ không thấy được ánh sáng mặt trời, nên ban ngày của họ là vĩnh viễn tối đen, âm u. Chương Thái Viêm làm phán quan của Đông Nhạc Đại Đế, địa vị rất cao, có đãi ngộ, cũng có ăn uống, nhưng không có chỗ dùng, bởi ông vẫn là người sống.

Tượng Đông Nhạc Đại Đế. (Ảnh: qi-gong.me)

Một lần, ông nhận ra rằng trong địa ngục này có một loại hình phạt gọi là “bào cách”, đó là đem cây cột đồng đốt lên đỏ rực rồi bắt người thọ hình phải ôm lấy. Chương Thái Viêm là một người học Phật, một Phật tử thuần thành, ông nói loại hình phạt này quá tàn khốc, nên đề xuất với Đông Nhạc Đại Đế: “Ngài có thể bỏ đi không? Nếu bỏ đi, chẳng phải Ngài đã làm được một việc thật tốt, có đại công đức rồi sao?”.

Đông Nhạc Đại Đế nghe xong rồi nói: “Ông có thể đi xem qua trước hình trường” và phái ra hai tiểu quỷ dẫn ông đến hiện trường. Vị tiểu quỷ này dẫn ông đi qua rất nhiều con đường, đến nơi hiện trường, tiểu quỷ đứng yên bất động và nói: “Đến rồi! Mời ngài phán quan đến xem”. Thế nhưng ông không thấy gì cả. Ông bỗng nhiên hiểu ra, trong Kinh Phật nói địa ngục là do nghiệp lực biến hiện, không phải do vua Diêm La thiết lập. Bởi nghiệp lực biến hiện, nếu bạn không có nghiệp lực này, thì dù có ở ngay trước mặt bạn cũng không thấy được. Câu chuyện này dường như đã được lão cư sĩ Chu viết trong trước tác của ông lúc cuối đời.

Trên Kinh Địa Tạng nói, địa ngục chỉ có hai người có thể thấy được, có thể đi đến được: Một chính là người tạo ra nghiệp địa ngục và người chịu hình phạt thì mới nhìn thấy. Ngoài ra một người nữa là Bồ Tát, Bồ Tát vào trong đó giáo hóa chúng sanh. Nếu như bạn không thuộc hai người này thì cảnh giới địa ngục ở ngay trước mặt cũng nhìn không thấy. Cho nên việc này không phải do sức người làm ra, mà là do nghiệp lực của chính họ biến hiện ra cảnh giới này, vì họ đến là để thọ tội. Thực tế mà nói, những tiểu quỷ, đầu trâu mặt ngựa, chấp pháp trong địa ngục cũng là nghiệp lực của con người biến hiện, con người có thể trách ai đây? Đích thực là tự làm tự chịu, Diêm La Vương cũng không có cách nào.

Từ đó, buổi tối nào Chương tiên sinh cũng đều nằm mơ thấy mình làm Diêm Vương, về sau ông vô cùng chán ngán, đã từng viết thư xin nghỉ, nhưng không được, đến khi viết lá thư này là đã kéo dài hơn 4 tháng rồi…

Theo Soundofhope
Vũ Dương biên dịch