Trong lịch sử 5.000 năm của Trung Hoa đã có vô số vị hoàng đế nối tiếp nhau. Nhiều trong số họ rất giỏi giang về quân sự, chính trị và văn hóa. Nhưng không có nhiều vị giỏi giang về văn học nghệ thuật. Có thể điểm tên năm vị nổi trội nhất dưới đây đã được sử sách ghi nhận.

1. Nam Đường Hậu Chủ – Lý Dục

Chân dung Lý Dục. (Ảnh: Sohu)

Lý Dục là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nam Đường vào thời Ngũ Đại Thập Quốc, nguyên quán Từ Châu. Ông là người không có thành tựu chính trị, triều đại Nam Đường của ông trị vì bị sụp đổ bởi nhà Bắc Tống. Mặc dù ông không phải là một vị vua giỏi trong trị vì thiên hạ, giữ nước giữ thành nhưng ông lại là một trong những hoàng đế sáng tác thơ trữ tình hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc, nên ông được gọi là “thiên cổ từ đế”.

Nhắc đến Lý Dục, mọi người sẽ nghĩ đến hai thân phận: một thi nhân thành công và một quân vương thất bại. Ông có một tài năng nghệ thuật phi thường, tinh thông thư pháp, tinh thông âm luật, thơ văn cùng hội họa đều có thành tựu nhất định, đặc biệt có thành tựu cao nhất trong những bài từ (là một thể loại văn học, một loại thơ liên quan đến âm nhạc). Phong cách văn chương cùng ngôn ngữ của ông mềm mại nhu mỳ thể hiện rất rõ trong những bài từ. Những bài từ của ông khái quát gồm có 2 loại: một là miêu tả cuộc sống sinh hoạt tráng lệ lộng lẫy trong cung đình, hai là những câu chuyện tình yêu nam nữ. Hai tác phẩm tiêu biểu của ông là Bồ Tát Man và Ngu Mỹ Nhân:

Bồ Tát Man

Hoa minh nguyệt âm phi khinh vụ
Kim tiêu hảo hướng lang biên khứ
Sái miệt bộ hương giai
Thủ đề kim lũ hài

Họa đường nam bạn kiến
Nhất hướng ôi nhân chiến
Nô vị xuất lai nan
Giáo lang tứ ý lân

Dịch nghĩa:

Trăng hoa thắm sương bay nhẹ
Đêm nay có duyên đến với chàng
Cởi tất dẫm thềm thơm
Tay xách dép chỉ vàng

Bên nhà nam gặp mặt
Chàng nhìn run bần bật
Ra đây khó vô vàn
Yêu em mấy tuỳ chàng

Bút tích bài thơ Ngu Mỹ Nhân – Tác giả Lý Dục (Ảnh: Sohu)

Ngu Mỹ Nhân

Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu?
Vãng sự tri đa thiểu!
Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung!

Ngọc khám ưng do tại,
Chỉ thị chu nhan cải.
Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu

Dịch nghĩa:

Những cảnh đẹp hoa xuân, trăng thu bao giờ mới hết?
Dĩ vãng đã qua bao nhiêu chuyện.
Ngoài gác nhỏ đêm qua gió đông lại thổi,
Chẳng buồn ngoảnh đầu nhìn lại cố quốc dưới ánh trăng sáng.

Thềm son bệ ngọc có lẽ vẫn còn y nguyên đó,
Chỉ có mặt người là đã đổi thay già nua.
Hỏi lòng chàng có thể có được bao nhiêu sầu?
Lòng ta đầy như một dòng sông xuân chảy hướng về đông.

Về sau, những bài từ của ông có biến đổi lớn, trở thành những bài hát tuyệt mệnh mà khóc thương cho số mệnh đất nước, khiến cho Quân Vương mất nước chỉ còn biết thể hiện sự bất hạnh của quốc gia qua từng vần thơ.

2. Tống Huy Tông – Triệu Cát

Chân dung Tống Huy Tông (Triệu Cát). (Ảnh: Sohu)

Tống Huy Tông (Triệu Cát) là vị hoàng đế thứ tám của triều đại Bắc Tống, người gốc Hà Bắc, ông nổi tiếng là một họa sĩ giỏi. Những bức thư họa của ông đều được sử dụng làm một biên niên rực rỡ của sử sách Trung Hoa. Triệu Cát cực kỳ ủng hộ văn học và nghệ thuật, ông thúc đẩy rất mạnh sự phát triển của học viện đồ họa Hàn Lâm hoạt động trong 100 năm.

Trong chính trị, Triệu Cát là một vị vua vô năng, ông thậm chí còn được biết đến là người tàn phá số một triều đại Bắc Tống. Thái tổ Triệu Khuông Dận không bao giờ ngờ rằng, thành quả một đời chinh chiến trên lưng ngựa của mình, cuối cùng lại vì vài tảng đá (hoa thạch cương – thứ mà Triệu Cát sưu tập trong thời trị vì của mình), một vài tên cướp (nông dân khởi nghĩa) và một kẻ săn trộm (triều đại Liêu thừa dịp Nam tiến), mà mất đến sạch bách.

Triệu Cát không có năng lực trị quốc, nhưng lại giỏi thư họa nghệ thuật, cũng giống như Nam Đường Lý Dục, vị hoàng đế để mất nước nhưng có chỗ đứng trong nghệ thuật. Triệu Cát cho xây dựng và phát triển các họa viện, ông sửa sang giữ gìn nghệ thuật cổ đại, đối với thư họa cũng có những sáng tác của riêng mình, đó là những đóng góp vượt trội của ông trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa.

Bút tích của Tống Huy Tông (Ảnh: wiki)

Thời gian ông trị vì, ông đã có một bộ sưu tập phong phú về cổ vật và hội họa, mở rộng viện Hàn Lâm, từng cùng Văn Thần biên tập “Tuyên hòa thư phổ”, “Tuyên hòa họa phổ” và “Tuyên hòa bác cổ đồ” v.v. Hội họa của ông viết lại hiện nay còn lưu tồn trên thế giới là “Tứ cầm đồ” và một vài bức họa khác với bút pháp đơn giản, không chú trọng dùng chì để vẽ phác thảo nhưng lại rất tự nhiên sinh động. Thư pháp của ông đặc biệt rất mảnh, tạo thành phong cách riêng của mình là “Sấu kim thể” (tức là chữ rất gầy guộc).

3. Trần Hậu Chủ · Trần Thúc Bảo

Chân dung Trần Thúc Bảo (Ảnh: g.youth)

Trần Hậu Chủ (Trần Thúc Bảo) là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Trần thời Nam Bắc triều, tự là Nguyên Tú, con trai trưởng của Trần Tuyên Đế – Trần Húc Đích. Trần Húc là một viên quan bậc trung trong triều đình của Lương Nguyên Đế. Tại sao con trai của một viên quan lại có thể lên làm hoàng đế? Đây thật sự là một câu chuyện kỳ lạ. Trong lịch sử, thật sự đã có nhiều người tranh giành ngôi vị hoàng đế đến bể đầu chảy máu, giết anh giết cha là chuyện thường xuyên xảy ra, có người còn đem ngôi vị hoàng đế để buôn bán trục lợi, vì thế mà lịch sử có ghi lại rất nhiều điều hối hận, nhưng phần nhiều cũng là do bất đắc dĩ mà làm.

Trần Thúc Bảo cũng là một người như vậy, bất đắc dĩ phải làm vua. Thuở nhỏ ông đã sống với mẹ, không biết về thiên hạ đại thế, không biết những việc đối nhân xử thế hay trách nhiệm quyền hạn. Nhưng bù lại, ông lại là một người ham mê văn chương, đối với văn hóa văn nghệ cũng có những thành tựu không nhỏ.

(Ảnh: Sohu)

Ngọc thụ hậu đình hoa” là kiệt tác của Trần Thúc Bảo, cho thấy thành tựu văn chương cao, cũng thể hiện sự kiêu ngạo và lãng mạn của ông. Sau này, bài thơ này được coi là “Tiêng nói mất nước”: “Hoa khai hoa lạc bất trường cửu, lạc hồng mãn địa quy tịch trung” (Hoa nở và rụng trong một thời gian dài, rơi xuống đất và rơi vào im lặng) đã được ghi lại trong “Nhạc phủ thi tập ” của Quách Mậu Thiến và một số các tác phẩm khác.

(Ảnh: Sohu)

Ngọc thụ hậu đình hoa

Lệ vũ phương lâm đối cao các,
Tân trang điểm chất bản khuynh thành,
Ánh hộ ngưng kiều sa bất tiến,
Xuất duy hàm thái tiếu tương nghinh,

Yêu cơ kiểm tự hoa hàm lệ,
Ngọc thụ lưu quang chiếu hậu đình.

Dịch nghĩa:

Chốn lâu các hương thơm bóng rợp,
Vẻ đẹp ngiêng thành thêm da phấn,
Khoan thai dạo bước dừng giây phút,
Vén rèm chào đón mỉm môi xinh,

Má hồng tựa đoá hoa tươi tắn,
Cây ngọc sân sau chiếu sáng ngời.

Ngoài ra ông còn có bài  Bạc Tần Hoài cũng rất nổi tiếng:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cạnh tửu gia,
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.

Dịch nghĩa:

Khói che sông trăng lồng trong cát
Thuyền đậu bến sông đêm gần quán rượu
Thương nữ không biết rằng mất nước
Bên sông còn tiếng hát Hậu Đình Hoa

4. Đường Huyền Tông · Lý Long Cơ

Chân dung Đường Huyền Tông – Lý Long Cơ (Ảnh: Sohu)

Đường Huyền Tông tên thật là Lý Long Cơ, cũng được gọi là Đường Minh Hoàng. Năm 710 ông cùng Thái Bình Công Chúa câu kết với nhau phát động “đường Long chính biến” tiêu diệt bè đảng Vi Hậu. Đến năm 712, Lý Đán Thiện nhường ngôi cho Lý Long Cơ, ban cái chết cho Thái Bình công chúa, từ đó Lý Long Cơ giành quyền thống trị cao nhất của đất nước. Giai đoạn trước, ông có chủ ý dẹp phản loạn các nơi, bổ nhiệm Diêu Sùng và các hiền nhân khác để có một phe cánh vững mạnh. Ông dốc sức chăm lo cho việc nước, vực dậy triều đình nhà Đường khai nguyên thịnh thế. Sau đó vì sủng ái Dương Quý Phi, lại nghe lời gian thần Lý Lâm Phủ, và sai lầm trọng dụng kẻ nịnh thần An Lộc Sơn, đã đưa đến cuộc chiến loạn kéo dài 8 năm, đặt dấu ấn hủ bại của triều đại nhà Đường.

Có rất nhiều hoàng đế khi bắt đầu lên ngai vàng sẽ lấy địa vị của mình để làm việc cá nhân, như dùng văn chương của tự thân, nhưng Lý Long Cơ là một ngoại lệ. Trước khi trở thành hoàng đế, ông dường như không thể hiện sở thích về văn học và nghệ thuật của mình. Chỉ đến khi làm vua sau 10 năm, ông mới bắt đầu khởi xướng mở nghệ thuật Lê Viên, nơi ông dạy nhạc công và cung nữ vũ đạo.

Nền văn hóa âm nhạc của triều đại nhà Đường được phát triển trong toàn bộ xã hội vô cùng hưng thịnh, hình thành một thời đại hoàng kim của âm nhạc xã hội phong kiến Trung Quốc. Điều này có quan hệ trực tiếp với Đường Huyền Tông – vị vua khi đó ở tuổi 44. Cho nên mới nói rằng những tư tưởng về việc giáo dục âm nhạc của Đường Huyền Tông được trải trên một phạm vi rất rộng, đặc biệt là: sáng tác giai điệu ca khúc, diễn tấu, nhạc trưởng, vũ điệu, lý luận nhạc luật, lý luận âm nhạc cùng giáo dục âm nhạc v.v. Tư tưởng giáo dục của ông chủ yếu thế hiện ở phương diện: “Vưu tri âm luật” (Âm luật ưu tú) – Đường Huyền Tông tinh thông lý luận âm nhạc, có tài năng thiên phú về cao độ, ở mảng âm nhạc thể hiện tài hoa không kém gì tài năng chính trị của ông.

5. Ngụy Văn Đế · Tào Phi

Chân dung Tào Phi (Ảnh: sekainorekisi)

Tào Phi là vị hoàng đế đầu tiên của thời Tam Quốc, đánh dấu kết thúc hơn 400 năm thống trị của nhà Hán. Rất nhiều người không phục khi Tào Phi lên làm hoàng đế. Họ nói ông không có được tính ngang tàng độc đoán như của cha mình là Tào Tháo. Nhớ năm đó Tào Tháo với tư thế hào hùng, khí thế dân gian, suốt mấy năm diệt Viên Thiệu, chinh chiến Tây Lương, sát phạt Ô Hoàn, rượt đuổi Lưu Bị, chơi đùa với Tôn Quyền, thống nhất hơn nửa Trung Quốc. Tào Tháo từ tay trắng dựng nghiệp, có thể nói là anh hùng một đời.

Tào Phi cũng không có tài khí như người em trai Tào Thực của ông. Đỗ Phủ từng nói văn chương của Lý Bạch có chút khí phách Ngụy Tấn, mà phong cốt khí phách đó lại chính là của Tào Thực. Tài năng thực sự của Tào Phi là văn học, hạ bút thành chương, nhận thức bác học, mặc dù thành tựu không cao bằng Tào Tháo nhưng ông cũng viết được bài  “Yến Ca Hành” mà được coi như tập thơ 7 chữ ưu tú sớm nhất Trung Quốc. Ngoài ra còn có “Điềm luận” có vị trí quan trọng trong lịch sử phê bình văn học Trung Quốc. Những thành tích này của ông là không thể phủ nhận.

Bài thơ họa Yến Ca Hành – Tác giả: Tào Phi. (Ảnh: class)

Yến Ca Hành

Thu phong tiêu sắt thiên khí lương,
thảo mộc diêu lạc lộ vi sương,
Quần yến từ quy hộc nam tường.
Niệm quân khách du tư đoạn tràng,
khiểm khiểm tư quy luyến cố hương,

Quân hà yêm lưu ký tha phương?
Tiện thiếp quỳnh quỳnh thủ không phòng,
ưu lai tư quân bất cảm vong,
Bất giác lệ hạ triêm y thường.

Viên cầm minh huyền phát thanh thương,
đoản ca vi ngâm bất năng trường.
Minh nguyệt kiểu kiểu chiếu ngã sàng,
tinh hán tây lưu dạ vị ương.

Dịch nghĩa:

Gió thu xào xạc trời trở rét,
Cỏ cây tiêu điều đọng thành sương.
Chim én bay về, nhạn liệng trên không,
Nhớ chàng đất khách buồn đứt ruột.
Chàng muốn quay về quê hương thương nhớ,

Cớ chi lại phải biền biệt chốn xa xôi.
Để thiếp cô quạnh phòng không,
Thương nhớ chàng không nguôi.
Bất giác rơi lệ nơi xiêm áo,

Mượn đàn gảy khúc “Thanh thương”.
Ngâm khúc ca ngắn không được lâu,
Trăng sáng vằng vặc soi bên giường.
Giải Ngân Hà trôi về tây, đêm còn dài

Theo Sohu.com
Uyển Vân biên dịch