Tuân Tử là nhân vật quan trọng trong giới tư tưởng Á Đông, là một trong những đại diện của Nho học, có nhiều cống hiến đối với sự phát triển của tư tưởng Nho gia. Nổi bật nhất của Tuân Tử là “Tính ác luận” do ông đề xướng, đối lập với “Tính thiện luận” của Mạnh Tử, ngoài ra còn có 10 câu danh ngôn kinh điển mà ông để lại tới ngày nay.

Câu thành ngữ: “Khiết nhi bất xả khiết”, nghĩa đen là không ngừng chạm khắc, ý nói, kiên trì bền lòng, không buông lơi.

Câu thành ngữ này có nguồn gốc từ “Tuân Tử – Khuyến thuyết”. Tuân Tử tên Huống, là người nước Triệu cuối thời Chiến Quốc, là nhà triết học nổi tiếng cổ đại. Ông đã viết sách “Khuyến học”, vận dụng rất nhiều ví von sinh động để khuyên bảo khuyến khích mọi người kiên trì không buông lơi, nghiêm túc học tập. Trong đó có rất nhiều luận điểm tinh thâm thấu triệt giàu tính gợi mở.

Tuân Tử là một nhân vật quan trọng trong giới tư tưởng Á Đông, là một trong những đại diện của Nho học, có nhiều cống hiến đối với sự phát triển của tư tưởng Nho gia. Các nhà tư tưởng, chính trị nổi tiếng cuối thời kỳ Chiến Quốc như Hàn Phi và Lý Tư đều là đệ tử có thành tựu của Tuân Tử. Sách “Tuân Tử” của ông luận thuyết rất rộng, từ triết học, luân lý, chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, văn học, đều có luận thuật. Tư tưởng trung tâm của Khổng Tử là “Nhân”, của Mạnh Tử là “Nghĩa”, của Tuân Tử là “Lễ”. Tuân Tử coi trọng quy phạm hành vi của mọi người.

Trong “Khuyến học thiên” có rất nhiều câu nói thú vị như: “Học không bao giờ hết”, “Màu thiên thanh được lấy ra từ màu lam, mà lại xanh hơn”, “Băng do nước tạo thành, mà lại lạnh hơn nước”. Khi dạy bảo mọi người khiêm tốn xử thế, Tuân Tử nói: “Không leo núi cao, thì không biết trời cao; Không lội suối sâu, thì không biết đất dày; Không nghe di ngôn của tiên vương, thì không biết học vấn rộng lớn”.

Nổi bật nhất của Tuân Tử là ông đề xướng “Tính ác luận”, thành cặp đối lập với “Tính thiện luận” của Mạnh Tử.

Tuân Tử cho rằng con người từ khi sinh ra là đã muốn thỏa mãn dục vọng, nếu dục vọng không được thỏa mãn thì sẽ xảy ra tranh chấp, vì vậy ông chủ trương nhân tính từ khi sinh ra là ‘ác’, ‘cái thiện là ngụy tạo’, tức con người tạo ra. Triết lý nhân sinh của Tuân Tử có ảnh hưởng lớn trong văn hóa truyền thống Á Đông.

Tuân Tử. (Ảnh: youtube.com)

Dưới đây là 10 câu danh ngôn kinh điển trong sách “Tuân Tử”:

1. Người quân tử nói: Học không thể nào hết

Nguyên văn: “Quân tử viết: Học bất khả dĩ dĩ”.

Biển học vô bờ, “sống đến già, học đến già”. “Dốc sức học tập chính là con người, bỏ bê học tập thành cầm thú”.

Học là bản tính của con người, là một trong những điểm khác biệt giữa con người và cầm thú. Học tập đương nhiên không chỉ là tri thức trên sách vở. Xã hội ngày nay, cỗ xe phát triển xã hội đang tiến lên, không tích cực học tập thì sẽ bị rớt lại phía sau. Khéo học tập mới có thể nắm bắt được các kỹ năng sinh tồn trong xã hội hiện đại, mới thích ứng được sự phát triển nhanh chóng của xã hội.

2. Đức tính người quân tử không có gì khác biệt, mà là khéo mượn ở các vật

Nguyên văn: “Quân tử tính phi dị dã, thiện giả ư vật dã”.

Người quân tử không phải sinh ra đã cao minh hơn người bình thường, mà là do họ khéo mượn sức mạnh của các vật để sử dụng. Khéo vận dụng các điều kiện bên ngoài để bù đắp những thiếu hụt của bàn thân, đó cũng là con đường đến thắng lợi.

3. Cỏ bồng mọc trong bụi gai, không nâng thì thẳng; Cát trắng ở thuốc nhuộm, đen cùng thuốc

Nguyên văn: “Bồng sinh ma trung, bất phù tắc trực; Bạch sa tại niết, dữ chi câu hắc”.

Câu chuyện “Mạnh Mẫu tam thiên” (Mẹ Mạnh Tử 3 lần chuyển nhà) mọi người đều biết, hoàn cảnh có vai trò quan trọng đối với sự trưởng thành và tu dưỡng thân, tâm của con người. Con người trong giao tiếp xã giao cũng là môi trường quan trọng, đối với hoàn cảnh xung quanh chúng ta, cần thận trọng lựa chọn, không nên hùa theo các hoàn cảnh không tốt mà sa ngã.

Con người ta muốn sống ở hoàn cảnh như thế nào, muốn ở bên những ai thì chính họ sẽ trở thành những người như thế. (Ảnh: pinterest.com)

4. Không tích nửa bước đi, không thể đi ngàn dặm; Không tích dòng nước nhỏ, không thể thành biển sông; Một bước nhảy của ngựa kỳ ngựa ký, không thế là 10 bộ; Ngựa xấu 10 xe, thành công ở không buông bỏ; chạm khắc mà bỏ, thì như khúc gỗ mục; chạm khắc không ngừng, sắt đá thành tinh hoa

Nguyên văn: “Bất tích khuể bộ, vô dĩ trí thiên lý; Bất tích tiểu lưu, vô dĩ thành giang hải; Kỳ ký nhất dược, bất năng thập bộ; Nô mã thập giá, công tại bất xá; Khiết nhi xá chi, hủ mộc bất chiết; Khiết nhi bất xá, kim thạch khả lũ”.

Tuân Tử nhấn mạnh tích lũy, không bước đi một bước ngắn thì sẽ chẳng đi nổi hành trình ngàn dặm; không bắt đầu hội tụ từ dòng nước nhỏ thì sẽ chẳng làm nên biển rộng sông dài.

Ngựa dẫu tốt thế nào đi nữa, chỉ chạy một bước, thì cũng không bằng ngựa xấu kém nỗ lực chạy.

Không chú trọng tích lũy, bỏ dở nửa chừng thì gỗ quý cũng thành khúc gỗ mục; kiên trì không mệt mỏi, thì sắt đá cũng thành đồ điêu khắc tinh mỹ.

Tích lũy hậu thiên có thể bù đắp cho sự thiếu hụt của tiên thiên, muốn thành công, thì phải bỏ công phu khổ hạnh.

5. Không leo núi cao, không biết Trời cao; Không lội suối sâu, không biết đất dày

Nguyên văn: “Bất đăng cao sơn, bất tri thiên chi cao dã; Bất lâm thâm khê, bất tri địa chi hậu dã”.

Trời cao thế nào, đất dày bao nhiêu, thông qua thực tiễn mới biết được. Tuân Tử nhấn mạnh hành động thực tế, chứ không phải “ngồi đó luận Đạo”. Trong hành động tự cường không ngừng nghỉ của mình, mới có thể đạt được tri thức chân chính, khai phát các tiềm năng còn chưa biết của mình.

6. Người tinh thông một sự việc, thì để họ quản lý xử lý sự việc đó, người tinh thông Đạo thì để họ quản lý xử lý hết thảy mọi sự việc

Nguyên văn: “Tinh ư vật giả dĩ vạt vật, tinh ư Đạo giả kiêm vật vật”.

Người tinh thông về một sự việc cụ thể nào đó, thì có thể để người ấy xử lý các sự việc loại đó. Người tinh thông về Đạo, thì có thể xử lý tất cả các loại sự việc. Do đó người quân tử chuyên nhất vào học Đạo, có thể dùng Đạo trợ giúp khảo sát vạn vật. Chuyên tâm học Đạo, tâm chí sẽ thuần chính không sai lệch, dùng tư tưởng thuần chính, hành vi sáng suốt để đối đãi với vạn vật, như vậy vạn vật đều có thể được xử lý tốt.

Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử có giảng “Quân tử bất khí”, nghĩa là người quân tử không như món đồ, chỉ có công dụng ở một vài mặt nào đó. Đây là nói về tầng lớp nhân sỹ xã hội cổ đại, người quân tử không giống như đồ vật chỉ có tác dụng cụ thể nào đó, người quân tử ở vị trí của mình, có thể quản lý xử lý những sự việc và cả những người giống như món đồ.

Người tinh thông Đạo dùng tư tưởng thuần chính, hành vi sáng suốt để đối đãi với vạn vật, như vậy vạn vật đều có thể được xử lý tốt. (Ảnh: wenku1.com)

7. Người tài giỏi là giỏi biết không làm việc không cần thiết, người đại trí tuệ là giỏi biết không suy nghĩ những vấn đề không cần thiết

Nguyên văn: “Đại xảo tại sở bất vi, đại trí tại sở bất lự”.

Người tài giỏi nhất, sở dĩ tài giỏi là do không làm những việc không đáng làm. Người sáng suốt trí tuệ nhất, sở dĩ sáng suốt là không suy nghĩ những vấn đề không đáng suy nghĩ.

Con người quý ở chỗ sáng suốt tự biết mình, biết rõ thân phận mình, biết nên làm gì, không nên làm gì, việc gì cần suy nghĩ, việc gì không cần bận lòng, khi cần buông tay thì phải buông tay.

Việc trong bổn sự của mình thì làm hết sức.

8. Người quân tử cung kính nghiêm túc với các việc mình làm chủ được, không ngưỡng mộ những việc do Trời quyết định, cho nên tiến bộ từng ngày. Tiểu nhân bỏ lỡ các việc của bản thân họ, ngưỡng mộ những việc do Trời quyết định, cho nên thụt lùi từng ngày

Nguyên văn: “Quân tử kính kỳ kỷ giả nhi bất mộ kỳ tại thiên giả, thị dĩ nhật tiến dã; Tiểu nhân thố taij kỷ giả nhi mộ kỳ tại thiên giả, thị dĩ nhật thoái dã”.

Người quân tử thận trọng đối đãi với sự việc mà mình quyết định được, mình làm chủ được, không hâm mộ những sự việc do Trời quyết định, do đó họ tiến bộ từng ngày. Kẻ tiểu nhân lại không làm những việc mà mình có thể quyết định, có thể làm chủ, lại hứng thú với những việc do Trời quyết định, do đó họ bị thụt lùi từng ngày.

Đó chính là điều người ta vẫn nói: “Làm hết việc của con người, biết mệnh Trời”. Rất nhiều việc là sức con người không thể làm nổi, đó chính là cái gọi là “việc do Trời quyết định”, có tính ngẫu nhiên rất lớn, không thể gắng gượng cầu mong được.

Nhưng rất nhiều người đối với những sự việc này lại luôn tâm niệm trong lòng, nắm chặt không buông lơi, ôm cây chờ thỏ, ảo tưởng rằng chiếc bánh sẽ rơi từ trên trời xuống, kỳ vọng trúng xổ số độc đắc, phát tài nhanh.

Chi bằng thiết thực làm tốt công việc thường nhật của mình, bỏ công sức vào những việc có thể nắm bắt được trong tay mình, mỗi ngày như vậy mới có tiến bộ, tích tiểu thành đại, thì có nhiều khả năng có được thành công hơn.

Người quân tử: làm hết việc con người, hiểu mệnh trời. (Ảnh: kknews.cc)

9. Thuận theo Trời (tự nhiên) mà ca tụng, sao bằng nắm được mệnh Trời (quy luật tự nhiên) mà sử dụng?

Nguyên văn: “Tòng thiên nhi tụng chi, thục dữ chế thiên mệnh nhi dụng chi?”.

Thuận theo quy luật tự nhiên, rồi ca tụng nó, sao bằng nắm bắt được quy luật tự nhiên rồi sử dụng nó? Tư tưởng này rất hợp với nguyên tắc của xã hội hiện đại, con người và tự nhiên cùng tồn tại hài hòa, con người tôn trọng thiên nhiên, cũng có thể có thay đổi thích đáng tự nhiên để con người sử dụng.

10. Cái của con người không thể học được, không thể cầu được, gọi là tính (bản tính tự nhiên vốn có). Cái của con người có thể học được, làm được, cầu được, gọi là ngụy tạo. Đó là phân biệt giữa bản tính và ngụy tạo

Nguyên văn: “Bất khả học, bất khả sự nhi tại nhân giả vị chi tính; khả học nhi năng, khả sự nhi thành chi tại nhân giả vị chi ngụy”.

Ngụy tạo mà Tuân Tử nói ở đây là do con người tạo ra.

Cái mà sinh ra đã có gọi là “tính” (bản tính), con người không thể nào thay đổi được. Thông qua học tập sau này, nỗ lực có thể thay đổi được, thì gọi là “ngụy” (ngụy tạo).

Do đó Tuân Tử chủ trương “hóa tính khởi ngụy”, nghĩa là, chuyển hóa, dẫn dắt bản tính con người, hướng đến cái thiện, gây dựng quan niệm đạo đức thông qua giáo hóa, thông qua sức mạnh mình có thể nắm bắt được để thay đổi những thứ đã định.

Lời bàn:

Khổng Tử (552 TCN – 479 TCN) sáng lập học thuyết Nho gia, người kế thừa xuất sắc là Mạnh Tử, sinh ra sau Khổng Tử khoảng 160 năm. Còn Tuân Tử sinh sau Mạnh Tử khoảng 60-70 năm. 

Khổng Tử sống thời Xuân Thu, xã hội rối ren loạn lạc, ông đã gánh vác sứ mệnh gây dựng nền đức trị, khôi phục chế độ lễ nhạc của thời Chu Văn Vương. Ông đã đề xướng đức hạnh người quân tử phải có “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, và dùng “NHÂN” để trị nước. Ông cùng học trò đi chu du các nước du thuyết. Nhưng đạo đức xã hội lúc đó thấp kém, Khổng Tử gọi là thời “lễ băng nhạc hoại”, không chư hầu nào đủ đức để trọng dụng ông. Vậy nên ông đành trở về dạy học. 

Thời Mạnh Tử, tư tưởng Nho gia đã rất phát triển, được xã hội, từ vua quan, sỹ đại phu đến thứ dân kính trọng. Mạnh Tử chú trọng “Nghĩa”, đề xướng “Tính thiện luận”, “Nhân chi sơ tính bản thiện”, cần “Lấy Đức thu phục người khác”, “Người nhân từ khắp thiên hạ không có kẻ thù nào”. Nhưng xã hội con người phức tạp, để tồn tại, có địa vị, danh tiếng, con người nảy sinh tâm ích kỷ, nên tranh giành chiếm đoạt lẫn nhau, khiến bản tính thiện dần dần mất đi.

Do đó, làm người cần phải học Đạo, tu dưỡng đạo đức, để nuôi dưỡng tính thiện, tiêu trừ tính ác. Xã hội thời đó kính trọng ông, nhưng cũng không có vua nào đủ đức để sử dụng ông, nên cũng giống Khổng Tử, sau khi đi chu du các nước không được trọng dụng, ông quay về dạy học. Người đời sau coi ông là ông tổ thứ hai của Nho gia. 

Thời Tuân Tử cũng giống thời Mạnh Tử, ông cũng được các nước chư hầu kính trọng nhưng không được trọng dụng, sau khi chu du các nước, ông cũng quay về dạy học. Tuân Tử chú trọng “Lễ”, dùng lễ trị quốc. Ông đề xướng “tính ác luận”, con người sinh ra là tính ác, thế nên để cải tạo, thay đổi tính ác đó thì phải học Đạo, tu dưỡng đạo đức, học tập lễ nghi, thì áp chế cái ác, cho đến khi hết ác, thuần thiện. 

Nhân tính mà Tuân Tử và Mạnh Tử đề xuất là trái ngược nhau, nhưng con đường, mục đích lại khá tương đồng: Học Đạo, tu dưỡng đạo đức, học tập lễ nghi. Tuy nhiên, tầng thứ của Tuân Tử thì thấp hơn Mạnh Tử rất nhiều. 

Đạo học người xưa có nội hàm bác đại tinh thâm, đều là chú trọng tu dưỡng tinh thần đề cao cảnh giới của con người. (Ảnh: pinterest.com)

Lão Tử nói: “Đạo mất thì sinh đức, đức mất thì sinh nhân, nhân mất thì sinh nghĩa, nghĩa mất thì sinh lễ”. Từ đó có thể thấy Khổng Tử đạt đến Nhân, là tầng cao nhất của Nho gia, đã rất sát với Đạo và đức của Đạo gia. Mạnh Tử đạt đến Nghĩa, thấp hơn Khổng Tử, còn Tuân Tử đạt đến Lễ, thấp hơn Mạnh Tử.

Cả Mạnh Tử và Tuân Tử đều tầng thấp hơn Khổng Tử nên không nhìn thấy đạo lý nhiều như Khổng Tử. Vạn vật trong Trời Đất đều tồn tại lý tương sinh tương khắc, trong âm có dương, trong dương có âm, trong thiện có ác, trong ác có thiện. Khổng Tử, và cao hơn là Lão Tử, đều nhìn thấu cái lý tương sinh tương khắc này. Mạnh Tử chỉ nhìn thấy bản tính thiện của con người, còn Tuân Tử lại chỉ nhìn thấy bản tính ác, đều khiếm khuyết.

Con người vốn sinh ra có bản tính thiện, nhưng cũng đã tồn tại tính ác, giống như hình vòng tròn âm dương, bản tính thiện như con cá dương (trắng) nhưng đã tồn tại sẵn tính ác là chấm đen (âm). Lý tương sinh tương khắc còn cho biết chúng chuyển hóa lẫn nhau, dương thịnh thì âm suy, thiện tăng thì ác giảm. Nếu tu luyện được thuần thiện, thì đã xuất khỏi tam giới, đã thành bậc Giác Giả.

Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch