Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đề án 911 đặt mục tiêu từ năm 2010 đến 2020 đào tạo 20.000 tiến sĩ, nhưng đến nay mới được hơn 3.000.

Đào tạo 20.000 tiến sĩ chỉ là mục tiêu tối thiểu của đề án 911. Trong đề án vạch ra lộ trình đến năm 2020 bổ sung được 23.000 tiến sĩ mới, bao gồm 10.000 tiến sĩ đào tạo trong nước, 10.000 tiến sĩ đào tạo nước ngoài và 3.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo phối hợp. Thời gian tuyển sinh theo đề án từ 2012-2018, theo VnExpress.

Tuy nhiên, những con số trên chỉ là mục tiêu, quá trình thực hiện đã bị chệch rất nhiều. Bộ GD-ĐT cho biết kết quả 5 năm từ 2012-2016 đào tạo 3.819 nghiên cứu sinh, 800 người trở về giảng dạy, tổng kinh phí 1.534 tỉ đồng và khẳng định trong dự thảo đề án mới: Đề án 911 không thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch đặt ra, theo Báo Tuổi trẻ.

Đối với đào tạo trong nước, tính đến năm 2016 số giảng viên đăng kí đào tạo, trúng tuyển và nhập học là 2.050, trong khi chỉ tiêu đưa ra lên đến 5.831 nghiên cứu sinh. 149 nghiên cứu sinh bỏ học, 233 nghiên cứu sinh tốt nghiệp và chỉ có 226 nghiên cứu sinh về giảng dạy.

Đối với đào tạo tại nước ngoài, kế hoạch đặt ra là đào tạo được khoảng 5.581 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Song thực tế, đề án mới tuyển hơn 1.961 ứng viên. Dù không có nghiên cứu sinh nào bỏ học nhưng con số tốt nghiệp là 567 nghiên cứu sinh, chỉ có 560 nghiên cứu sinh về giảng dạy.

Tuy nhiên, hiệu quả thấp nhất trong đề án lại thuộc về hình thức đào tạo phối hợp. Đề án 991 đặt mục tiêu đào tạo 1.342 tiến sĩ theo hình thức này. Trên thực tế số nghiên cứu sinh trúng tuyển vỏn vẹn… 27 người. Song đó cũng chưa phải là con số cuối cùng. 23 NCS sau đó đã bỏ học, số NCS còn theo học chỉ là 4 người, không có nghiên cứu sinh nào tốt nghiệp, về giảng dạy.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, rõ ràng là ở Đề án 911, Bộ GD-ĐT đề ra mục tiêu quá lớn so với tình hình thực tế về nguồn tuyển cũng như chất lượng của NCS, khả năng đào tạo của các trường ĐH trong nước.

Theo GS Võ, nếu không được thực hiện nghiêm túc thì đề án của Bộ GD-ĐT sẽ biến thành đề án cấp bao nhiêu bằng TS chứ không phải là đào tạo bao nhiêu TS, tin đưa từ Báo Người Lao động. 

Còn GS Đào Trọng Thi, Bộ GD-ĐT cho rằng không nên đề ra những mục tiêu “cứng” mà có thể chuyển đổi linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế. Những lĩnh vực nào Việt Nam có thế mạnh hoặc có thể liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài thì Bộ GD-ĐT nên đầu tư cho việc liên kết. Như vậy, chi phí có thể giảm đi nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu tối thiểu của chất lượng quốc tế.

Thanh Thanh