Dù không phải là thầy thuốc nhưng hơn 20 năm qua, cụ Mai Văn Phấn (87 tuổi) và vợ là cụ Lê Thị Dồi (76 tuổi), ngụ KV. Phú Tân, P. Tân Phú, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ vẫn miệt mài sưu tầm dược liệu, cung cấp miễn phí hàng tấn thuốc nam cho các phòng khám từ thiện.

Cuộc sống cơ cực từ thuở thiếu thời

Thời chiến tranh, gia đình ông Năm Phấn phải tản cư ra ở tạm tại khu vực xóm chài (P.Hưng Phú, TP.Cần Thơ bây giờ). Hậu quả của chiến tranh đã biến ông trở thành đứa trẻ mồ côi cha từ lúc lên 3, theo báo Một Thế Giới.

Khoảng sân nhỏ là nơi ông bà Năm phơi thuốc. (Ảnh: Thanh Ngọc)

Bà Năm cũng sống trong cảnh mồ côi từ rất sớm. Lớn lên 2 người cùng cảnh ngộ đã gặp nhau thành đôi vợ chồng có tên ghép chung dù ngẫu nhiên nhưng khá mỹ miều: Dồi – Phấn, khiến người ta nghĩ tới cô gái nhà giàu chuyên lo trau chuốt ngoại hình. Nhưng ông Phấn và bà Dồi lại có cuộc sống rất long đong, cơ cực.

Cụ Phấn kể, hồi mới lập gia đình, cụ đi làm thuê, còn vợ nhận giữ trẻ, dệt chiếu và chèo ghe bán hàng rong kiếm tiền đong gạo. Sau khi tích cóp được một số tiền, cụ chuyển sang nuôi vịt, mua đất vườn trồng cây ăn trái, nhờ đó kinh tế gia đình dần ổn định.

Sống sót để làm điều thiện

Ông Năm Phấn bên mớ thuốc Nam kiếm được. (Ảnh: Thanh Ngọc)

Sau 1975, cuộc sống cũng chỉ mới dễ thở đôi chút, ông bà Năm trở về quê cũ sinh cư ven con rạch Bến Bạ – vùng xa ánh điện của tỉnh Hậu Giang (cũ) thời bấy giờ. Qua thời chăn vịt, ông chuyển sang canh tác 3 công ruộng là tài sản thừa kế của cha mẹ.

Mặc dù chưa có của ăn của để, nhưng theo lời của nhiều phụ huynh học sinh, ông cho mượn 1 nền đất và xin thêm cây lá để cất lên căn nhà tạm bợ làm phòng học cho lớp 1 và 2. Ấy vậy mà mái trường tre lá này cũng góp phần đem con chữ đến cho con em trong vùng thiếu chữ nghĩa này trong suốt gần 20 năm.

3 phòng học giờ trở thành nhà kho chứa thuốc Nam. (Ảnh: Thanh Ngọc)

Năm 1996, do nhiều năm làm việc nặng nhọc nên sức khỏe cụ Phấn ngày càng suy giảm, chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Cụ chuyển sang hốt thuốc nam uống, sức khỏe dần khá hơn. Từ đó, cụ phát tâm sưu tầm thuốc để cung cấp miễn phí cho các phòng khám thuốc nam, giúp chữa cho những người hoàn cảnh nghèo khó bị bệnh tật.

Dù tuổi đã cao, nhưng ngày ngày cụ vẫn đi bộ hoặc chèo ghe đến những nơi hẻo lánh ít ai đặt chân tới để tìm dược liệu. Để nhận dạng được mặt cây thuốc, vợ chồng cụ Phấn phải học thêm từ những thầy thuốc và thông qua tư liệu sách, báo… để tìm.

Vì cây thuốc thường mọc tại những nơi ít người khai phá nên nhiều lúc cụ Phấn phải len vào những lùm cây gai góc, lội vào ao, sình lầy lún đến cổ chỉ để tìm. Ngoài ra, cụ còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như rắn độc cắn, ong chích. Tuy vậy, vợ chồng cụ vẫn không nề hà, gắn bó với công việc thiện nguyện này cho đến nay.

Do lượng cây thuốc ngoài tự nhiên ngày càng ít nên vào năm 2008, cụ quyết định đem nhân giống những cây dược liệu khó kiếm như: cây chó đẻ, óc chó, hà thủ ô, cỏ xướt khô… về trồng xen với cây cam trên diện tích 10 công đất vườn nhà.

Nhờ đó, lượng dược liệu lúc nào cũng dồi dào. Mỗi tháng cụ cung cấp hơn 1 tấn thuốc cho các phòng thuốc nhân đạo nằm trong khuôn viên đình thờ Nguyễn Trung Trực, dân địa phương gọi là đình Bến Bạ và một số phòng khám thuốc nam từ thiện trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Y đức cao cả khiến thầy thuốc cũng phải kính trọng 

Ông Năm Phấn, tuổi đã gần 90 nhưng luôn lạc quan yêu đời. (Ảnh: Thanh Ngọc)

Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền nhân đạo thuộc P.Tân Phú (Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ) khá đông bệnh nhân đến chờ khám bệnh, hốt thuốc. Đội ngũ làm thuốc ở đây khá vất vả vì thiếu nhân lực để phục vụ bệnh nhân. Nhưng tất cả đều phải cố gắng để không phụ lòng tin của các nhà tài trợ đã tạo điều kiện vật chất để phòng thuốc có thể hoạt động.

Lương y Đặng Thị Kim Hương (60 tuổi, ngụ Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), phụ trách chung các hoạt động ở đây nói: “Vợ chồng cụ Phấn hỗ trợ hết mình, từ dược liệu đến đầu tư cơ sở vật chất cho phòng khám. Cứ đến ngày cuối tuần, cụ Phấn đều chở thuốc đến tận nơi đây. Nếu phòng khám thiếu loại thuốc nào, tôi sẽ ghi giấy đưa cho cụ, sau đó cụ tìm kiếm, phơi, đem lại cung ứng cho phòng khám. Tuy tuổi tác đã cao nhưng cụ vẫn miệt mài làm việc thiện nguyện này khiến tôi vô cùng cảm phục”, theo báo Thanh Niên.

Bà Hương cho biết: “Ông Năm Phấn chính là nhà tài trợ vàng của phòng thuốc này”. Là nhà tài trợ, nhưng cách ăn mặc của ông Năm Phấn khi đến thăm địa chỉ nhân đạo này còn bình dân hơn cả những người bệnh thường lui tới với phòng thuốc.

“Mình cũng đâu dư giả gì, nhưng còn nhiều người bệnh có lẽ còn khó khăn hơn mình, nên tui kêu gọi nhiều người cùng chung tay giúp đời chứ có gì lớn lao đâu”, ông Năm Phấn phân bua.

Hoàng Kỳ (tổng hợp)