Nhót cùng với bát muối ớt là món ăn vặt được chị em rất ưa chuộng mỗi khi vào mùa. Ngoài lấy quả ăn, lá, rễ, hạt đều được xem là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả của Đông y.

Theo Tây y, thành phần của quả nhót gồm: nước 92%, glucid 2,1%, protid 1,25%, axit hữu cơ 2%, cellulose 2,3%, canxi, photpho, sắt. Trong lá nhót có chứa nhiều tamin, polyphenol, saponozit. Theo các thực nghiệm về sinh học, lá nhót có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn gram dương và gram âm; đặc biệt đối với các chủng trực khuẩn lỵ: Shigella dysenteria, Shigella shiga, Shigella flexneri, Shigella sonnei. Lá nhót có tác dụng chống viêm cấp và mạn tính; tác dụng tăng cường sức co bóp của tử cung.

Theo y học cổ truyền, quả nhót có vị chua, chát, tính bình, vào các kinh Phế, Đại tràng, có tác dụng chỉ ho, trừ đờm, bình suyễn, chỉ tả. Lá có vị chát có tác dụng chỉ ho, bình suyễn, giảm sốt, có thể dùng tươi hoặc phơi khô, có tính kháng khuẩn, chữa lỵ, cảm sốt,… Rễ thường được đào vào khoảng tháng 9 – 10, có vị chua, tính bình, có tác dụng cầm máu, giảm đau.

Một số bài thuốc dân gian trị liệu từ nhót

Quả nhót

Trong Đông y, nhót có vị chua, chát nhưng lại không độc và trung tính, do đó có thể sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh. Quả nhót thường được sử dụng để trị bệnh ho, hen, khó thở. Bạn có thể sử dụng dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột để uống hàng ngày. Cụ thể:

– Chữa ho: Nhót xanh 10 quả, trần bì 10g, quả quất 10 quả. Sắc mỗi ngày một thang, uống 3 lần trong ngày.

– Tiêu chảy: Nhót xanh 10 quả, rễ cây nhót 4g, rễ cây mơ 2g. Tất cả rửa sạch, sắc ngày một thang, chia ra uống 3 lần trong ngày.

– Ho, hen, khó thở: 6 – 12g nhót mỗi ngày, có thể dùng dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm, thuốc bột. Uống nhiều ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Lá nhót

Nhót giàu vitamin C và chất chống oxy hóa. (Ảnh: phunusuckhoe.vn)

Trong Đông y, lá nhót có vị chát, tính bình, không có độc, có tác dụng chỉ ho, bình suyễn, giảm sốt. Nghiên cứu trên động vật cho thấy lá nhót có tác dụng chống viêm cấp và mãn tính. Người ta thường sử dụng lá nhót để chữa các chứng phế hư khí đoàn, khái thấu khí suyễn, khái huyết, ung nhọt. Cụ thể:

– Chữa vết thương chảy máu: Lấy một nắm lá nhót tươi, rửa sạch, giã nát, sau đó đắp vào chỗ đang chảy máu sẽ giúp cầm máu hiệu quả.

– Trị ho, nhiều đờm, hen suyễn: Lá nhót 16 g, lá táo ta 12 g sao vàng giã nát, hạt cải củ 6 g, hạt cải bẹ 6 g, sao vàng. Cho tất cả vào sắc nước đặc, rồi chia ra uống, ngày 3 lần trước bữa ăn. Uống khoảng 2 – 3 tuần cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

– Ho ra máu: Lá nhót tươi 24 g, đường kính 15 g. Đun sôi nước, hãm lá nhót như hãm trà, cho đường vào uống. Ngày uống 2 lần, sau khi ăn.

– Trị lỵ trực khuẩn và tiêu chảy: 30 g lá nhót tươi hoặc 12 g lá nhót khô, sao vàng, sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml, chia ra uống 2 lần trong ngày, trước các bữa ăn. Uống khoảng 2 – 3 tuần cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Rễ nhót

Người bị đau dạ dày không nên ăn nhiều nhót. (Ảnh: baomoi.com)

Trong Đông y, rễ nhót có tác dụng cầm máu, giảm đau, thường được dùng dưới dạng thuốc sắc. Bạn có thể sử dụng rễ nhót để:

– Chữa mụn nhọt: Nấu nước rễ nhót tắm.

– Kinh nguyệt ra nhiều: Rễ nhót 30 – 60 g, sắc thành nước uống sau bữa ăn.

– Tiêu chảy: Nhót xanh 10 quả, rễ nhót 4 g, rễ mơ 2 g, sắc uống ngày 2-3 lần.

– Chứng phong thấp, đau nhức xương khớp: Rễ nhót 120 g, hoàng tửu 60 g, chân giò lợn 50 g. Tất cả đổ nước vào hầm và ăn.

– Thổ huyết, đau bụng khó nuốt: Rễ nhót 30 g, rửa sạch, sắc nước uống.

– Ho ra máu, chảy máu cam: Rễ nhót 16 g, sao đen, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Ngày uống 3 lần trước khi ăn 1,5 tiếng. Bạn cũng có thể kết hợp với các vị thuốc như cỏ nhọ nồi, ngải diệp, trắc bách diệp để chữa chứng bệnh này.

Hạt nhót

Hạt nhót có công dụng chính là sát khuẩn, trừ giun sán. Khi ăn nhót mà nhai nhân hạt bên trong cũng rất tốt cho sức khỏe. Bạn cũng có thể sử dụng hạt nhót để chữa gan lách sưng đau theo công thức: Hạt nhót 10 g, đem giã nhỏ, nghệ đen 8 g. Đem sắc nước uống hàng ngày.

Hiện tại đang là thời điểm mùa nhót xanh nở rộ. Mặc dù có chứa nhiều hợp chất có lợi cho cơ thể nhưng nếu ăn quá nhiều, bất cứ loại thực phẩm nào chứ không phải riêng gì nhót xanh, đều có khả năng gây hại sức khỏe. Vị chua, chát nổi bật ở mỗi trái nhót xanh có thể làm tăng axit trong dạ dày, gây ảnh hưởng hệ thống tiêu hóa, gây đau dạ dày, viêm loét dạ dày.

Theo Đông y, rễ nhót có tác dụng cầm máu, giảm đau. (Ảnh: baomoi.com)

Lưu ý

1. Loại quả này không phù hợp với trẻ dưới 1 tuổi, và những trẻ lơn hơn cũng nên hạn chế do độ chua của nhót sẽ làm ảnh hưởng đến dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ. Người bị viêm loét dạ dày cũng không nên ăn quả này nhiều. Những người bị táo bón xen lẫn với tiêu chảy, đầy bụng, đầy hơi,… cũng nên kiêng loại quả này

2. Các bài thuốc từ lá và rễ nhót không được áp dụng cho phụ nữ có thai.

3. Tránh nhầm lẫn với vị thuốc nhót tây, thường mọc hoang hoặc trồng nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn,… cao 6 – 8m, lá hình mác, có răng cưa, phía dưới mặt lá có nhiều lông xám hay vàng nhạt.

Kiên Định

Video hay

videoinfo__video3.dkn.tv||e2d020bc4__