Có loại y học nào an toàn, hiệu quả, miễn phí và chỉ cần một sự thay đổi nhỏ về góc nhìn không? Chúng tôi mời bạn khám phá mối liên hệ bị bỏ qua giữa đức hạnh và sức khỏe – « Y học của đức hạnh ».

Những người xa lạ từ khắp nơi trên thế giới đứng sững sờ dưới trần cao của nhà nguyện Sistine, khuôn mặt hướng lên bầu trời trong sự kinh ngạc đồng nhất. Một số người thì khóc, trong khi những người khác trầm ngâm trong sự tôn kính tự thẳm sâu. Điện thoại di động không được phép trong nơi linh thiêng này, nơi cái đẹp hiện diện khắp nơi. 

Khi du khách ngước nhìn, bộ não của họ nhanh chóng hoạt động, trong khi cơ thể được thư giãn, đây là một hiện tượng tiếp tục làm kinh ngạc các nhà khoa học thần kinh và các bác sĩ lâm sàng.

Trong một nghiên cứu đột phá năm 2004, các nhà nghiên cứu đã đặt những tình nguyện viên vào máy quét não và cho họ xem những bức tranh tuyệt đẹp. Một vùng não cụ thể, vỏ não trước trán (orbitofrontal cortex), ngay lập tức sáng lên. Vùng não chuyên biệt này, đôi khi được gọi là “trung tâm cái đẹp”, cho thấy việc thưởng thức cái đẹp được mã hóa trong cấu trúc nhận thức của chúng ta. Hơn nữa, bộ não của chúng ta nhận thức cái đẹp trong vài mili giây, trước khi nhận thức có ý thức xuất hiện. Phản ứng nhanh này gợi ý rằng chúng ta chỉ đơn giản nhận ra cái đẹp khi chúng ta nhìn thấy nó.

Mặc dù mỗi người có những sở thích thẩm mỹ khác nhau, nhưng có một loại cái đẹp mà tất cả chúng ta đều trân trọng – cái đẹp kết nối với bộ não và mang lại lợi ích cho sức khỏe của chúng ta. 

Phương trình của cái đẹp 

Một chủ đề lặp đi lặp lại – 1,618 – xuyên suốt nhiều vật thể đẹp, dù là tự nhiên hay do con người tạo ra. Trong nhiều thế kỷ, con số vô tỷ này đã được gọi là “tỷ lệ thần thánh” hay “tỷ lệ vàng”. Tỷ lệ này xuất hiện khắp nơi trong tự nhiên, bao gồm vỏ sò xoắn ốc, hạt hướng dương, thiên hà và tỷ lệ khuôn mặt người. Các nghệ sĩ truyền thống, đặc biệt là trong thời Phục hưng, thường xuyên sử dụng tỷ lệ vàng trong tác phẩm của họ.

Minh họa bởi Epoch Times (Shutterstock) 

Enzo Grossi, giám đốc khoa học và là người ủng hộ việc sử dụng cái đẹp trong các bối cảnh lâm sàng, tin rằng nếu có bất kỳ sự phổ quát nào trong cái đẹp, thì đó chính là ở tỷ lệ vàng. “Đó là một mô hình cơ bản góp phần tạo nên vẻ đẹp và sự phức tạp của thế giới tự nhiên”, Enzo Grossi nói với Epoch Times. Đôi mắt và bộ não của chúng ta theo bản năng bị thu hút bởi những hình dạng tuân theo tỷ lệ này. “Điều này có thể là do chuỗi số này thường xuyên xuất hiện trong tự nhiên, khiến nó trở thành một mô típ quen thuộc và mang lại sự thoải mái cho bộ não của chúng ta”, Enzo Grossi giải thích.

Tỷ lệ vàng không chỉ mang tính văn hóa, mà còn mang tính toán học và nhận thức. Nghiên cứu khoa học thần kinh đã chỉ ra rằng bộ não diễn giải các hình dạng dựa trên tỷ lệ vàng một cách trôi chảy và hiệu quả hơn so với các tỷ lệ khác. Chuỗi số này có thể dự đoán và cân bằng, vừa đối xứng vừa bất đối xứng, tạo ra cảm giác hài hòa và giúp hệ thống thị giác dễ hiểu hơn. Điều này, đến lượt nó, làm tăng mức độ hài lòng của chúng ta. 

Thiên hướng của chúng ta đối với cái đẹp tự nhiên gắn liền với một lý do chính đáng. “Trong tự nhiên, thân cây, cành cây, lá và hoa đều phát triển một cách đối xứng, trong khi một bắp ngô dị dạng có thể nguy hiểm khi tiêu thụ”, Enzo Grossi giải thích. Ông khẳng định rằng những thứ đẹp đẽ hấp dẫn vì chúng có thể góp phần vào sự tồn tại của chúng ta. Tuy nhiên, cái đẹp không bắt đầu hay kết thúc bằng sự thực dụng. Theo David Rothenberg, giáo sư triết học và âm nhạc, tự nhiên có thể mang lại sức hấp dẫn đáng ngạc nhiên. Chiếc đuôi to lớn óng ánh của con công không mang lại lợi thế chức năng nào; trên thực tế, nó làm cho việc bay trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, những con công mái lại thích nó.

“Các loài động vật có một sự nhạy cảm thẩm mỹ tự nhiên, và chúng trân trọng cái đẹp vì chính bản thân nó”, David Rothenberg nói với Epoch Times, thêm rằng cái đẹp là một khía cạnh bí ẩn trong cách sự sống phát triển. Cái đẹp có tác động đáng kể đến sức khỏe của chúng ta ngoài giá trị thẩm mỹ của nó. 

Cái đẹp và cơ thể 

Năm 1984, Roger Ulrich đã tiến hành một thí nghiệm đột phá tại một bệnh viện ngoại ô ở Pennsylvania. Enzo Grossi tin rằng nghiên cứu này cung cấp bằng chứng tuyệt vời về cách cái đẹp tự nhiên có thể chữa lành.

Roger Ulrich đã nghiên cứu sự phục hồi của 46 bệnh nhân đã trải qua cùng một ca phẫu thuật túi mật. Hầu hết các đặc điểm của bệnh nhân là giống hệt nhau, bao gồm tuổi, cân nặng, tình trạng sức khỏe và thậm chí cả tầng bệnh viện. Sự khác biệt đáng kể duy nhất là, trong quá trình hồi phục, một nửa đối diện với một lùm cây bên ngoài cửa sổ của họ, trong khi nửa còn lại nhìn thấy một bức tường gạch nâu. Những bệnh nhân có tầm nhìn ra thiên nhiên đã phục hồi nhanh hơn, trung bình ở lại bệnh viện ít hơn khoảng một ngày. Họ cần ít liều thuốc giảm đau hơn, ít gặp các vấn đề nhẹ như đau đầu hoặc buồn nôn hơn, và ít có ghi chú bất lợi trong hồ sơ điều dưỡng của họ.

Nghiên cứu này đã mở đường cho hàng thập kỷ nghiên cứu về mối quan hệ giữa cái đẹp tự nhiên và sức khỏe. Theo các phân tích tổng hợp, việc tiếp xúc với thiên nhiên – thậm chí đơn giản như một khung cảnh xanh tươi hoặc một cuộc đi bộ 20 phút trong công viên – có thể giảm căng thẳng và cải thiện chức năng miễn dịch, bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim. Tuy nhiên, thiên nhiên không phải là nguồn duy nhất của cái đẹp chữa lành. Các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại có thể mang lại kết quả tương tự, một số tốt hơn những tác phẩm khác.

Eric Bess, một nghệ sĩ có bằng tiến sĩ, nói với Epoch Times rằng các nghệ sĩ thường hướng tới việc truyền đạt một khía cạnh của cái đẹp phổ quát, và các họa sĩ cổ điển xuất sắc trong việc này. Khi mọi người xem xét các tác phẩm nghệ thuật cổ điển, họ có phản ứng hai bước: một phản ứng cảm xúc ban đầu, tiếp theo là sự suy ngẫm sâu sắc và bền vững hơn dựa trên ký ức cá nhân và liên kết văn hóa. 

Điều gì làm cho nghệ thuật cổ điển hấp dẫn đến vậy? Một câu trả lời là khả năng dự đoán – với một chút độc đáo. Bộ não bị thu hút bởi các mô típ dễ xử lý, như tỷ lệ vàng, nhưng nó cũng tìm kiếm sự mới lạ để giữ sự tập trung. Các kiệt tác cổ điển đáp ứng cả hai mong muốn này thông qua cấu trúc và sự hài hòa màu sắc, cũng như cách diễn giải độc đáo của chúng. Tuy nhiên, Eric Bess giải thích rằng những tác phẩm đi quá xa so với cấu trúc thông thường có thể khiến người xem lạnh lùng hoặc bối rối.

Để kiểm tra sự khác biệt sinh lý giữa việc kích thích bởi nghệ thuật cổ điển và nghệ thuật hiện đại, các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Arts & Health đã chỉ định ngẫu nhiên 77 sinh viên đại học đến thăm một trong ba khu vực của Phòng trưng bày Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia ở Rome: 

1. Phòng trưng bày nghệ thuật tượng hình: phong cảnh, chân dung và các cảnh thực tế. 

2. Phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại: các tác phẩm trừu tượng, biểu hiện và đương đại. 

3. Văn phòng bảo tàng: điều kiện đối chứng.

Các nhà nghiên cứu đã đo huyết áp và nhịp tim của những người tham gia trước và sau chuyến thăm của họ. Kết quả rất đáng chú ý. Hơn một nửa số người tham gia đã đến thăm các phòng trưng bày nghệ thuật tượng hình đã trải qua sự giảm đáng kể huyết áp tâm thu của họ. Những người đã xem nghệ thuật hiện đại hoặc không gian làm việc không trải qua bất kỳ thay đổi đáng kể nào về mặt thống kê. Đáng ngạc nhiên, những người tham gia đã đánh giá phong cách nghệ thuật tượng hình và trừu tượng tích cực như nhau, nhưng chuyến thăm các văn phòng nhận được sự đánh giá thấp hơn nhiều. Đánh giá này gợi ý rằng tác động thư giãn của nghệ thuật tượng hình không chỉ do sự hài lòng tăng lên. Dường như có một điều gì đó độc đáo trong nghệ thuật tượng hình ảnh hưởng đến sinh lý của chúng ta ngay cả khi chúng ta không ý thức được điều đó.

Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật tượng hình có thể đặc biệt xoa dịu do tính dễ hiểu tốt hơn và xu hướng gợi lên cảm xúc tích cực, không giống như nghệ thuật hiện đại, thường kích thích và đôi khi đối đầu hơn. Họ thậm chí còn gợi ý rằng các chuyến thăm bảo tàng có thể bổ sung cho các phương pháp điều trị y tế đối với các bệnh liên quan đến căng thẳng như bệnh tim. 

Hơn nữa, việc thưởng thức cái đẹp không chỉ giới hạn ở đôi mắt. Âm nhạc hay cũng thúc đẩy sự chữa lành bằng cách giảm mức cortisol và cải thiện khả năng miễn dịch. Trong khi âm nhạc cổ điển làm giảm lo lắng và căng thẳng một cách đáng tin cậy, một số thể loại như heavy metal lại làm tăng căng thẳng và hung hăng. Phần lớn sự hài hòa của âm nhạc phương Tây, như các bản sonata piano của Mozart, đều dựa trên tỷ lệ vàng.

Ngay cả cái đẹp u sầu, từ âm nhạc buồn đến nghệ thuật bi kịch, cũng có thể có tác động tích cực. Những trải nghiệm này kích hoạt các con đường đồng cảm của não và hỗ trợ quản lý cảm xúc, mang lại sự giải tỏa – biểu đạt cảm xúc thông qua nghệ thuật. Eric Bess đã suy ngẫm về điều này khi xem các buổi biểu diễn múa cổ điển Trung Quốc của Shen Yun Performing Arts. Đáp lại những hình ảnh miêu tả các học viên Pháp Luân Công bị bức hại vì đức tin của họ, ông nói: “Người ta cảm thấy buồn cho những gì xảy ra với một con người, nhưng cũng phát triển lòng trắc ẩn đối với lòng dũng cảm và sự kiên trì của họ.”

Theo nghĩa này, cái đẹp không chỉ là về sự hài lòng; nó còn có thể mang một ý nghĩa nào đó. 

Sự biểu hiện tối thượng của cái đẹp

 “Cái đẹp theo một cách nào đó là không thể diễn tả bằng lời,” David Rothenberg giải thích. Sự không thể diễn tả bằng lời của cái đẹp có thể giải thích tại sao nó thường gây ra sự kinh ngạc – một cảm giác ở giữa một điều gì đó rộng lớn, vĩ đại và vượt ngoài lời giải thích. 

Mọi người thường bày tỏ sự sửng sốt trước những kỳ quan thiên nhiên hoặc những kiệt tác nghệ thuật. Tuy nhiên, khi nhà tâm lý học Dacher Keltner và các đồng nghiệp hỏi các cá nhân trên khắp thế giới điều gì thường truyền cảm hứng cho sự sửng sốt nhất, câu trả lời phổ biến nhất là vẻ đẹp đạo đức, chứ không phải thiên nhiên hay nghệ thuật.

Trong số hàng nghìn bình luận, nguyên nhân gây kinh ngạc được báo cáo thường xuyên nhất là việc quan sát thấy đức hạnh lớn – lòng dũng cảm, lòng tốt, sự kiên cường và lòng vị tha. Theo James H. Smith, nhà thiết kế và giáo sư kiến trúc tại Đại học Fei Tian, lòng tốt đạo đức và cái đẹp gắn bó chặt chẽ với nhau một cách không thể tách rời. “Bản chất của cái đẹp là đức hạnh,” ông nói với Epoch Times. “Sự thuần khiết của một người biểu hiện qua xu hướng vị tha, lòng tốt và sự khoan dung.”

Các nhà triết học đã suy ngẫm về điều này trong hàng thiên niên kỷ. Eric Bess đã nhắc đến Plotinus, cha đẻ của thuyết tân Plato, khi nói: “Cái đẹp là lớp ngụy trang mà lòng tốt khoác lên mình.” Eric Bess, nghệ sĩ, giáo sư triết học và người đóng góp chuyên mục về mỹ thuật cho Epoch Times, tin rằng “cái đẹp là một điều gì đó thiêng liêng, và nó là thứ được ban tặng cho con người bởi một nguồn siêu nhiên.” Ông nói rằng để nhận ra và thể hiện vẻ đẹp thực sự trong nghệ thuật và cuộc sống hàng ngày, trước tiên người ta phải tịnh hoá tâm linh.

Mặc dù quan điểm này có nguồn gốc triết học, nhưng giờ đây nó được khoa học thần kinh hiện đại ủng hộ. Trong một thí nghiệm được công bố trên tạp chí Social Cognitive and Affective Neuroscience, những người tham gia được cho xem hai loại hình ảnh: ảnh khuôn mặt hấp dẫn và ảnh những hành động đạo đức, chẳng hạn như một đứa trẻ đang bảo vệ một con bồ câu bị thương trong áo khoác của mình. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng để phát hiện hoạt động của não.

Cả hai nhóm đều cho thấy sự kích hoạt vỏ não trước trán, “trung tâm cái đẹp” của bộ não. Trong khi vẻ đẹp thể chất kích hoạt các con đường phần thưởng cơ bản, vẻ đẹp đạo đức kích hoạt một mạng lưới phức tạp hơn các vùng liên quan đến sự hiểu biết xã hội và sự đồng cảm. Nói cách khác, Enzo Grossi nói rằng “loại cái đẹp này – lòng tốt vô tư – có tác dụng tương tự lên bộ não của chúng ta,” nhưng ở mức độ sâu sắc và rộng hơn. 

Thâm nhập vào DNA

Một nghiên cứu năm 2024 chỉ ra rằng việc tiếp xúc với cái đẹp có thể thay đổi cơ thể ở cấp độ phân tử. Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng việc tiếp xúc với những thứ đẹp đẽ, như nghệ thuật hoặc âm nhạc, có thể ảnh hưởng đến quá trình methyl hóa DNA, một quá trình sinh học điều chỉnh hoạt động của gen. 

Mặc dù khái niệm này vẫn còn mang tính giả thuyết, nhưng cái đẹp và DNA có mối liên hệ chặt chẽ. Một chu kỳ hoàn chỉnh của chuỗi xoắn kép DNA có chiều dài 34 angstrom và chiều rộng 21 angstrom. Hai con số này, 34 và 21, tạo thành chuỗi Fibonacci, tuân theo cùng một mô hình số với tỷ lệ vàng. Sau khi vẽ ra, tỷ lệ kích thước của DNA – 1,619 – cực kỳ giống với tỷ lệ vàng, 1,618.

Minh họa bởi Epoch Times (Ảnh: Stuart Henry Larsen) 

Dù là ngẫu nhiên hay không, điều này như một lời nhắc nhở thi vị rằng vẻ đẹp, sự đối xứng và tỷ lệ có thể được dệt vào chính cuộc sống – đến tận phân tử tạo nên con người chúng ta. 

Khám phá cái đẹp 

Nhà nguyện Sistine chỉ là một ví dụ về vẻ đẹp được thế giới ca ngợi, với hàng triệu du khách mỗi năm trầm trồ trước trần cao của nó. Eric Bess nhận xét về trải nghiệm của riêng mình tại nhà nguyện, nói rằng: “Sự tráng lệ này đơn giản là quá sức tưởng tượng đối với mọi người.”

Nhà nguyện Sistine của Michelangelo và bức bích họa Phán xét cuối cùng. (Michele Falzone/Getty Images) 

Theo Anjan Chatterjee, giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh thẩm mỹ Penn, những tương tác ấn tượng như vậy rất hiếm và có thể đòi hỏi một chút nỗ lực để khám phá. Ông quan sát thấy rằng vẻ đẹp bình thường thường bị che khuất ngay trước mắt – nhưng để tìm thấy nó, cần phải chậm lại và tĩnh tâm. Chúng ta phải “chuyển từ chế độ tồn tại giao dịch sang chế độ cho phép chúng ta hiện diện trong khoảnh khắc,” ông nói với Epoch Times.

Nếu có điều gì thu hút sự chú ý – hoa, màu sắc, hình dạng hoặc âm thanh – hãy dừng lại và ở lại với nó. Vẻ đẹp hiếm khi hét lên; thay vào đó, nó tinh tế hơn và thường tự lộ diện một cách yên tĩnh. Khi tìm kiếm cái đẹp, hãy có chủ ý. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý Môi trường, dành thời gian trong tự nhiên có thể tăng sự hài lòng trong cuộc sống lên đến 25% đối với những người quan sát môi trường xung quanh. Đối với những người không quan sát – những người đi bộ mà không có sự kinh ngạc – lợi ích gần như không đáng kể.

Tuy nhiên, sự biểu hiện của cái đẹp – dù là tự nhiên hay nghệ thuật, vĩ đại hay kín đáo – có thể nâng cao tinh thần của mọi người và nhắc nhở họ về một điều gì đó cao cả hơn. Theo Enzo Grossi, Plato đã đề cập đến vai trò của cái đẹp trong Phaedrus cách đây gần 2000 năm. Plato cho rằng khi chúng ta nhận thức cái đẹp ở trần gian – trong tự nhiên hoặc trong sáng tạo của con người – nó nhắc nhở chúng ta về một điều gì đó lớn lao hơn và hướng sự chú ý của chúng ta lên trên. “Chúng ta cảm thấy như thể chúng ta có đôi cánh để bay cao hơn,” Enzo Grossi nói.

Theo Epoch Times
Thanh Ngọc biên dịch