Tổn phúc là tổn hao phúc phận hoặc rút ngắn thọ mệnh vốn có. Dân gian cho rằng bất hiếu, lãng phí thức ăn, gái gú cờ bạc thì sẽ khiến phúc phận bị tổn hao.

Trong con mắt người xưa, những hành vi như: trong tâm có ác ý, gây chuyện thị phi, sát sinh, trộm cướp, oán Trời trách người, ghen ghét đố kỵ, thất tín bội nghĩa, v.v… cũng sẽ làm cho phúc phận tổn hao. Một quan niệm “tổn phúc” tuy giản đơn nhưng đã được minh họa qua rất nhiều câu chuyện khác nhau, lưu truyền trong dân gian hết đời này sang đời khác.

Sách “Hồ hải tân văn di kiên tục chí” kể rằng, có những người vì bạc đãi vợ hay nảy ra ý nghĩ bỏ vợ mà chịu kết cục bi thảm. Dưới đây là một vài câu chuyện trong đó:

Bạc đãi vợ bị cắt quan lộc

Xưa có một người tên là Sử Đường, đã từng trải qua một thuở hàn vi khốn khó. Sau này khi đỗ tiến sỹ cập đệ, bước vào quan lộ, Sử Đường trở nên kiêu ngạo tự phụ. Ông thường nuối tiếc vì kết hôn quá sớm, nên không thể lấy được tiểu thư cành vàng lá ngọc con nhà giàu sang làm vợ.

Càng nghĩ như vậy, Sử Đường lại càng tỏ ra chán ghét vợ mình. Ông ta đối đãi với vợ rất lãnh đạm vô tình, cũng không chung giường chung gối với vợ nữa. Vợ Sử u sầu không vui, chẳng thể làm gì nên chỉ còn biết than thở rằng duyên phận sao quá bạc bẽo vô tình. Cứ như thế mấy năm qua đi, Sử Đường không nghe, không hỏi han, cũng không để mắt tới vợ, nói gì đến chuyện thăm hỏi hàn huyên.

Vợ Sử lặng lẽ nuốt hận suốt thời gian dài, cuối cùng đổ bệnh. Trước lúc lâm chung, bà đã gọi Sử Đường lúc ấy đang ở phòng bên cạnh: “Thiếp sắp chết rồi, chàng có muốn nhìn thiếp một lần không?”.

Sử Đường cuối cùng cũng không sang nhìn vợ lần cuối. Sau khi vợ Sử chết, Sử Đường luôn thấy bất an trong lòng, bèn mời thầy đến làm vu thuật “yếm thắng” (dùng thuật chú để khắc chế người). Ông dùng đồ sành đậy lên mặt vợ, sau đó lại dùng dây thừng trói chặt thi thể bà, buộc thêm gỗ, rồi mới đem đi mai táng.

Một đêm, vợ Sử báo mộng cho cha rằng: “Con gái đời này đã gửi thân nhầm người, khi sống đầy lòng sầu hận, sau khi chết lại bị dùng thuật ‘yếm thắng’. Người đó bất nghĩa bạc tình, do đó thọ mệnh và phúc lộc của ông ta sẽ bị cắt hết”.

Một năm sau, Sử Đường quả nhiên bị bãi quan, cuối cùng tức giận mà chết.

Một năm sau, Sử Đường quả nhiên bị bãi quan, cuối cùng tức giận mà chết. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Tổn hao công danh vì muốn ruồng bỏ vợ

Một câu chuyện khác kể rằng, xưa có một tú tài chỉ vì nảy sinh ý nghĩ bỏ vợ mà đã khiến công danh bị cắt mất.

Vào kỳ thi khoa cử năm Bính Ngọ triều Tống, ở Phúc Kiến có một thư sinh họ Lý khăn gói lên kinh dự thi. Dọc đường chàng thư sinh lưng cõng hòm sách, tay cầm ô, đi bộ suốt quãng đường dài rất gian khổ mệt nhọc.

Trên đường phải đi qua Cừ Châu, ở đó có một ông chủ quán họ Ông. Một hôm Thần thổ địa báo mộng ông rằng: “Ngày mai có vị tú tài họ Lý một mình đi qua đây, lên kinh tham gia kỳ thi. Đó là người Hoàng giáp (ý tứ là người có tên trên bảng vàng), ngươi hãy đối đãi tốt với anh ta”.

Chủ quán lặng lẽ đợi chờ. Đúng như Thần thổ địa đã nói trong mộng, quả nhiên thấy một tú tài đến. Chủ quán chiêu đãi tú tài rượu thịt, tặng anh túi hoa quả, còn sắp xếp người hầu đi theo giúp anh, cùng anh lên kinh sư.

Chủ quán quá nhiệt tình giúp đỡ khiến tú tài họ Lý không sao hiểu được, bèn hỏi: “Thưa ông chủ, tại sao ông lại hậu đãi tôi như vậy?”.

Chủ quán nói: “Thần thổ địa mà quán chúng tôi thờ cúng rất linh nghiệm. Ngài nói với tôi rằng quan khách sang năm sẽ đăng hoàng giáp, nên muốn tôi đối xử tốt với cậu”.

Tú tài họ Lý nghe vậy vô cùng vui mừng, đêm đó anh nằm trên giường suy nghĩ: “Sau khi làm quan rồi, nếu ta đón người vợ quê mùa lên làm phu nhân thì khó mà có thể ngẩng đầu lên được, thật chẳng đáng mặt quan. Đến lúc đó, ta phải lấy một kiều nữ xinh đẹp hơn mới có thể mở mày mở mặt”.

Hai ngày sau, Thần thổ địa lại báo mộng cho chủ quán, nói rằng: “Người tú tài này dụng tâm bất thiện, đã có ý nghĩ muốn ruồng bỏ vợ. Ý nghĩ hễ nảy sinh thì công danh của anh ta đã bị cắt mất rồi”.

Sau khi tú tài Lý thi xong, trên đường trở về, anh vẫn hy vọng chủ quán sẽ tiếp đãi mình như trước. Nào ngờ lần này chủ quán không những không đem trà ra mời, lại còn từ chối không cho anh tá túc. Hai lần đối xử khác nhau một trời một vực khiến tú tài Lý không biết mình đã làm sai điều gì, bèn hỏi nguyên nhân.

Chủ quán nói: “Thần thổ địa nhà chúng tôi nói anh có ý ruồng bỏ vợ, do đó công danh của anh đã bị cắt hết”.

Tú tài nghe xong vô cùng hối hận, rầu rĩ khôn nguôi, đành trở về nhà. Kết quả đúng là anh đã trượt kỳ thi năm đó.

Tâm người hễ động niệm, quỷ Thần đều biết hết. Mắt Thần như điện sáng, con người sao có thể không biết mà cảnh tỉnh bản thân mình?

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch