Trẻ con vốn hiếu động, khó mà ngồi yên kể cả trong bữa ăn. Để dụ bé ăn, nhiều cha mẹ phải nghĩ ra các trò chơi để thu hút con, thậm chí là đi rong. Vậy làm sao cho trẻ ngồi ăn ngoan, cha mẹ cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Cho trẻ ăn rong là hạ sách

Theo Giáo sư, Tiến sĩ nhi khoa Irene Chatoor đang công tác tại Đại học Geogre Washington và Trung tâm Y tế Trẻ em Quốc gia Mỹ, cho trẻ ăn rong là cách làm hạ sách.

Ăn rong là đưa trẻ ra ngoài, dụ dỗ trẻ cuốn hút vào những thứ xung quanh để người lớn tranh thủ đút, tương tự như khi “dụ” trẻ bằng TV, ipad… Việc ăn rong khiến trẻ ăn một cách thụ động, không có ý thức và cha mẹ sẽ mãi mãi phải ép trẻ ăn.

Cho trẻ ăn rong trước hết là mất vệ sinh bởi thường đến những chỗ đông người, ra ngoài đường, sân vui chơi có nhiều người qua lại nên dễ bị bụi bẩn bay vào đồ ăn, dễ nhiễm khuẩn. Nếu thời tiết không đẹp, việc đi ra ngoài ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Hơn nữa, người lớn không thể lúc nào cũng đưa trẻ ra ngoài để ăn được, ví như khi gia đình có công việc, khi trẻ ốm đau, trời mưa, nắng…

Có một số trẻ ranh mãnh, biến những giờ ăn kiểu này thành giờ cha mẹ phải phục dịch trẻ. Nó chạy một bước, mẹ đuổi theo cố đút cho một thìa. Nó thích thì há miệng, không thì ngậm miệng lại. Đứa trẻ khoái trí khi biết rằng một thìa cháo của nó có thể điều khiển được cảm xúc của cha mẹ, nó ăn thì cha mẹ vui, không ăn thì cha mẹ cáu giận đau đầu. Và chúng càng nghĩ ra đủ trò để hoạnh họe cha mẹ, lấy miếng ăn của mình để đổi lấy những thứ khác mà bình thường không được đáp ứng như chơi máy tính, nghịch nước…

Ảnh chụp màn hình trang Em đẹp.

Trẻ mắc tật đi ăn rong do định hướng sai lầm của người lớn

Hầu hết trẻ biếng ăn, phải đi ăn rong là do thói quen được hình thành ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Khi bắt đầu ăn dặm, trẻ thường rất thích thú và tò mò với khẩu vị mới. Tuy nhiên, không ít trẻ chỉ được vài ba bữa là chán và ngậm lúng búng không chịu nuốt, hoặc mím chặt môi không cho bón thức ăn vào miệng.

Chị Linh (ở Hai Bà Trưng – Hà Nội) chia sẻ trên trang Em đẹp, chiều nào cũng vậy, ở khu tập thể nơi gia đình chị sinh sống cũng bắt gặp hình ảnh quen thuộc một người phụ nữ hơn 40 tuổi chạy theo cậu bé 2 tuổi rong ruổi khắp sân tập thể. Đó là bác giúp việc nhà chị, ngoài công việc trong nhà, bác còn đảm nhiệm thêm vai trò “bón ăn rong” cho cậu bé nữa.

Ngay từ khi mới 5-6 tháng tuổi, chị Linh cũng đã nghiên cứu nhiều phương pháp ăn dặm cho con. Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, chị không quên sắm cho con chiếc ghế ăn thật chắc chắn để đảm bảo bé được ngồi vững khi ăn, không hình thành thói quen đi ăn rong như cô chị bé trước đây.

Tuy nhiên, chỉ được hơn 1 tháng ngồi ngoan trên chiếc ghế, bé sinh tật lười ăn nên thường xuyên ngậm. Thấy vậy, bà ngoại bé vì thương cháu nên bế bồng bé khắp nhà, chỉ trỏ hết thứ này đến thứ khác để bé chịu nuốt thức ăn. Lâu dần, mọi thứ trở nên quá quen thuộc với bé, khi bắt đầu lẫm chẫm tập đi, hai bà cháu rong ruổi khắp hành lang khu tập thể. Đến bây giờ bé đã lớn hơn chút, do bà mắc bệnh đau chân không chạy theo bé được nên chị Linh phải thuê thêm người giúp việc hỗ trợ chăm sóc con nhỏ.

Không phụ huynh nào muốn cho con đi ăn rong, nhưng không rong, chơi đồ chơi, xem tivi… thì dường như trẻ sẽ không ăn. Vậy phải làm sao đây?

Tìm nguyên nhân

Khi con lười ăn, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách khắc phục, biết cách xử lý ngay từ đầu. Thấy con không muốn ăn, thay vì ép, đưa đi rong, cần xem lại cách nấu ăn có phù hợp với trẻ không: mặn, nhạt, chua… Cũng như người lớn, trẻ thích và không thích ăn một số thực phẩm. Bố mẹ ép trẻ ăn những thứ người lớn nghĩ là tốt cho sức khỏe, nhưng không để ý đến khẩu vị của bé.

Ngoài ra, có thể trẻ ít vận động, lại ăn quá nhiều chất lâu tiêu nên không đói và không muốn ăn. Vì vậy, cần cho trẻ vận động kết hợp với dinh dưỡng cân đối, lượng vừa phải.

Tập cho trẻ quen với giờ ăn và thời gian ăn cố định

Khi đến tuổi ăn dặm, ba mẹ hãy giúp trẻ nhận biết cơn đói bằng cách cho trẻ ăn đúng giờ, khoảng cách giữa các bữa ăn chính và các bữa ăn phụ là 3-4 giờ. Giữa hai bữa, nếu trẻ cảm thấy đói thì hãy cho trẻ uống nước hoặc trà. Bên cạnh cảm giác đói, cha mẹ cũng cần giúp bé nhận biết được cảm giác no.

Bữa ăn của bé chỉ nên kéo dài 25-30 phút, không nên kéo dài quá khiến thời gian giữa các bữa ăn của bé sẽ gần nhau, trẻ sẽ không có cảm giác đói và ăn không ngon miệng. Thậm chí kể cả khi trẻ ăn rất ít hay chưa ăn gì, trẻ sẽ bù lại lượng thức ăn ít ỏi đó vào bữa sau.

Ba mẹ nên hạn chế cho tất cả khẩu phần ăn vào bát ăn cùng một lúc, bởi điều này không chỉ khiến bé nhìn đã ngại, mà để lâu thức ăn mất ngon khiến trẻ càng thêm ngán. Cho trẻ ăn các phần ăn nhỏ rồi tiếp thêm phần thứ hai, thứ ba, thứ tư… để khuyến khích trẻ ăn từng chút một. Bạn nên nhớ là những đứa trẻ rất thích sự thay đổi.

Cho bé ngồi ghế ăn riêng ngay từ đầu

Khi bé không ăn cũng đừng bế bé đi rong, vì thói quen đó sẽ khiến trẻ hiểu rằng mình không ngồi ăn thì cũng sẽ có người đút cho mình, luôn lệ thuộc vào người khác và không chủ động với bữa ăn. Thay vào đó, phụ huynh nên cho bé tập ngồi vào ghế ăn riêng.

Điều này hết sức quan trọng, chừng khoảng 6 tháng khi trẻ bắt đầu tuổi ăn dặm, cha mẹ hãy cho trẻ ngồi vào ghế dành riêng cho trẻ. Duy trì thói quen đó, không cần bé có thể tự ngồi vững, chỉ cần bé giữ cổ vững, mẹ có thể kê thêm khăn xung quanh cho bé ngồi vững hơn. Sẽ mất 2 tuần để bé tập làm quen, qua thời gian trẻ sẽ dần dần hiểu được rằng “À, đến bữa ăn là phải ngồi vào ghế dành riêng cho mình”.

Ảnh: Pixabay.

Không để đồ chơi, tivi, điện thoại trong tầm mắt trẻ

Không nên để đồ chơi trong tầm mắt trẻ và ở gần bàn ăn vì chúng sẽ khiến trẻ phân tâm và đòi hỏi. Đưa ra những quy tắc trên bàn ăn cùng gia đình như “Khi ăn thì không nghịch đồ chơi, không xem tivi” để trẻ hiểu. Những quy tắc này qua một thời gian trẻ sẽ dần lý giải và học cách tuân theo nếu ba mẹ kiên trì thực hiện.

Nếu trẻ không muốn ăn nữa, ba mẹ hãy ngừng cho ăn thêm

Khi bé nhất quyết muốn đứng lên, không chịu ngồi ăn nữa thì ba mẹ không cần quát hay ép “Con phải ngồi xuống ăn hết cơm đã”. Chỉ cần nghiêm nghị nói với bé “Nếu con ra khỏi bàn ăn thì mình kết thúc bữa ăn nhé”. Nếu con gật đầu đồng ý thì hãy kết thúc bữa ăn. Nhưng tuyệt đối sau đó không cho trẻ ăn thêm đồ ăn phụ như sữa chua, trái cây, hay bất cứ thứ gì. Kể cả một lúc sau, khi trẻ đói chạy lại đòi ăn cũng không cho: “Bữa ăn đã kết thúc rồi. Con đợi đến bữa sau nhé!”.

Điều này có thể rất khó đối với một số phụ huynh, ông bà, vì xót con xót cháu sợ đói nên cố cho ăn vài thìa cũng được. Trẻ đòi ăn lúc nào cho ăn lúc đó vì nghĩ nó ăn được là tốt rồi, như vây sẽ không thành nếp, trẻ cũng không thiết bữa ăn, hay ăn linh tinh. Nhưng để hình thành thói quen tốt, phát triển thể chất lành mạnh cho trẻ thì người lớn cần vượt qua tâm lý này.

Cho trẻ cùng vào bếp

Để trẻ tham gia bữa ăn cùng gia đình. Với trẻ lớn hơn, có thể để bé tập bốc để khám phá món ăn. Với mỗi loại thức ăn mới, cần tập cho trẻ ăn từng chút một và xem phản ứng của bé. Dần dần, tập cho trẻ tự xúc và tôn trọng sở thích ăn uống của con. Với các bé 2,5 – 3 tuổi, có thể rủ con cùng tham gia trong quá trình nấu nướng, tạo không khí vui vẻ để trẻ hứng thú với bữa ăn.

Điều quan trọng nhất ở giai đoạn này là sự kiên trì, nhẫn nại, mềm mỏng, tránh dùng từ ra lệnh hay quát mắng để dần dần đưa bé vào nề nếp. Mọi quy tắc đưa ra đều cần có thông điệp rõ ràng, hành động nhất quán từ cha mẹ thì dần dần trẻ sẽ hiểu và chủ động trong bữa ăn. 

Video: Tại sao chúng ta lại tức giận?

videoinfo__video3.dkn.tv||0388e73f9__