Bắt ve là việc rất đỗi bình thường, tuy nhiên bậc trí giả lại có thể từ một việc nhỏ như vậy nhìn ra đạo lý nhân sinh.

Một lần, Khổng Tử đi đến nước Sở, qua một khu rừng thì gặp một người đang bắt ve.

Người này lưng cong gù, ông ta dùng một cây trúc để bắt ve giống như nhặt đồ dưới đất, nhìn rất dễ dàng và chính xác, không hề thất thủ lần nào.

Thấy vậy, Khổng Tử mới bước tới chắp tay cung kính hành lễ hỏi: “Kỹ thuật bắt ve của lão bá đây quả là rất tài tình, không biết bên trong có bí quyết chiêu thuật gì không?”.

Lão bá đáp: “Tôi chẳng có chiêu thuật gì cả. Tháng 5, tháng 6 chính là lúc bắt ve tốt nhất, bắt ve cần nắm chắc được thời gian, thời gian mà chưa tới thì không thể vội vàng, cơ hội hễ tới thì không thể đánh mất, mất rồi không có nữa! Lúc đầu tôi bắt ve cũng giống như mọi người, thường xuyên bị trượt. Sau đó tôi đặt hai viên sỏi tròn trên đầu cây gậy trúc rồi cầm trên tay, giữ cho cơ thể bất động. Cứ như vậy tôi đã luyện tập trong 9 tháng, sau 9 tháng luyện tới trình độ 2 viên sỏi trên đầu cây gậy trúc không bị rơi ra, lúc này bắt đầu đi bắt ve. Về cơ bản tỉ lệ bắt trượt là rất thấp.

Sau rồi tôi lại tiếp tục để 3 viên sỏi lên trên đầu cây gậy trúc, luyện tới khi 3 viên sỏi đều không bị rơi ra, lúc này đi bắt ve tỉ lệ thất bại lại càng thấp hơn nữa. Sau cùng tôi đặt 5 viên sỏi lên trên đầu cây gậy trúc luyện tập, luyện tới khi cả 5 viên đều không rơi ra thì đi bắt ve, lúc này bắt ve cũng dễ như nhặt đồ dưới đất, không khi nào thất bại”.

Khổng Tử nghe xong đáp: “Tuyệt diệu”.

Nghe câu chuyện của ông lão bắt ve Khổng Tử rất cảm thán. (Ảnh minh họa từ youtube)

Lão bá nói tiếp: “Khi tôi bắt ve cơ thể đứng im bất động như cây gỗ, cánh tay tôi lại như những cành cây. Thiên địa dẫu lớn, vạn vật dẫu nhiều nhưng ngoài cánh ve ra tôi không nhìn thấy bất cứ thứ gì khác. Tôi không quay đầu, không động đậy, không có bất cứ thứ gì có thể can nhiễu được đến tôi, toàn bộ tâm sức đều dồn cả vào đôi cánh ve. Như vậy có gì là không lấy được chứ?”.

Khổng Tử nghe xong hết lời thán phục, ông quay lại nói với các học trò của mình: “Dụng tâm chuyên nhất, tinh thần tập trung cao độ thì có thể đạt tới cảnh giới Thần kỳ. Lão bá lưng gù này hoàn toàn có thể làm được”.

Lão bá nói tiếp: “Những người cơm ngon áo gấm như các ông cũng hiểu được những đạo lý này sao? Các ông nên nhớ, trước tiên cần phải buông bỏ những truy cầu danh lợi thì mới có thể đạt được cảnh giới này”.

Bắt ve là việc rất đỗi bình thường, tuy nhiên bậc trí giả lại có thể từ một việc nhỏ như vậy nhìn ra đạo lý nhân sinh. Từ điểm này mà nói, Đạo không đâu là không có. Lão bá trong câu chuyện khi bắt ve, lưng cong, tâm tĩnh, toàn thân bất động như cây gỗ, trong mắt chỉ để ý đến ve, ngoài ra không có bất cứ thứ gì khác. Đây chính là loại bỏ mọi can nhiễu bên ngoài, dụng tâm chuyên nhất, tinh thần tập trung cao độ, đưa tinh thần đạt tới cảnh giới xuất thần. Thiết nghĩ, nếu như mỗi người chúng ta làm bất cứ việc gì đều có thể chuyên tâm, dụng ý như vậy thì còn gì có thể ngăn cản đây?

Theo zhengjian.org
Minh Vũ biên dịch