Đứng trước mưa dập gió vùi, qua những bụi gai um tùm, đường chân trời nơi xa thẳm mới là mục tiêu duy nhất của ta. Mặc cho những đêm giông bão, những ngày nắng lửa, con đường dưới chân hãy tự mình bước đi…

Cậu ấy là học trò của tôi. Khi kể với tôi câu chuyện này, cậu đã là một thiếu niên 15 tuổi vẻ mặt sáng láng, khôi ngô nhưng đi lại thực sự khó khăn, lúc nào cũng phải kẹp theo chiếc nạng kè kè bên nách. Dù vậy cậu vẫn rất lạc quan, yêu đời.

Cậu thường nói rằng nghị lực sống ấy được truyền tiếp từ chính một câu nói của mẹ mình: “Mỗi một dấu chân đều là chính bản thân con tự mình bước đi mà thành“. Khi nói những lời này với tôi, ánh mắt cậu rạng rỡ, ánh lên niềm tin và một sự kiên định mạnh mẽ không thể chuyển lay. Đó là điều không nhiều đứa trẻ cùng trang lứa có được. 

Lúc lên 6 tuổi, cậu mắc phải một căn bệnh kỳ lạ. Cơ thịt co quắp lại. Những lúc đi đường, hai chân cậu cảm thấy như không còn chút sức lực nào, thường trượt ngã. Sức khỏe cậu ngày một xấu, đi lại thêm khó khăn hơn. 

Bố mẹ cậu vô cùng lo lắng, dẫn cậu đến khắp các bệnh viện trong nước, đã mời vô số chuyên gia chữa trị nhưng kết quả vẫn là công cốc. Ở đâu, bác sĩ cũng lắc đầu: “Cậu bé bị bệnh nhược cơ, khó có thể chữa khỏi. Trước mắt chỉ có thể dùng thuốc kết hợp bổ sung dinh dưỡng và rèn luyện thân thể để điều tiết“. Kể từ sau lúc đó, cuộc sống của cậu đã khác hẳn với mọi người. 

Lên tiểu học, cậu đối diện với những thử thách đầu tiên. Những bạn học bình thường khác chỉ cần hơn chục phút là đã có thể đến trường đúng giờ. Còn cậu thường phải mất thời gian gấp mấy lần, nhanh thì nửa tiếng, chậm thì một tiếng. Chúng bạn thấy cậu như vậy, không hiểu chuyện, lại thường buông lời châm chọc. Cậu bé lại càng khổ não hơn. 

Năm cậu 13 tuổi, một buổi chiều đông nọ, thời tiết đột ngột thay đổi. Không khí rất lạnh, hoa tuyết bay lượn khắp trời. Gió từng cơn thổi mạnh, phả tuyết lên mái nhà, khắp cả con đường, đâu đâu cũng ngập tuyết rơi. Đến khi cậu tan học, tuyết đã đóng dày cộp trên đường. 

Rất nhiều phụ huynh vội vàng đến trường đón con. Cậu cũng chờ bố mẹ đến đón mình, đứng trước cổng ngóng đợi mãi. Nhưng mãi cho đến khi tất cả bạn học đều đã ra về, cậu vẫn không thấy bóng dáng bố mẹ mình đâu.

Đầu tiên cậu lo lắng: “Lẽ nào bố mẹ gặp chuyện gì trên đường?“. Khoảnh khắc sau, lo lắng đã chuyển sang thương tâm: “Bố mẹ bỏ rơi mình ư?“. Nước mắt cứ không ngừng lăn dài trên gương mặt thơ bé.

Cuối cùng, cậu hít một hơi thật dài, cắn chặt răng, lao ra ngoài trời mưa tuyết, cất từng bước nhọc nhằn mà đi. Con đường đến trường mọi khi đã đủ vất vả giờ còn chông gai hơn gấp mấy. Cậu liên tục vấp ngã, từng bước chân nặng nhọc lún sâu vào tuyết dày tưởng như đang bị đóng băng cứng.

Trên đường không một bóng người, tất cả đều đã trở về nhà, có lẽ đang quây quần cùng nhau bên lò sưởi, bàn ăn. Ánh đèn quạnh quẽ hắt ra từ cửa sổ một vài ngôi nhà chỉ khiến cậu thêm đau lòng. Con đường về nhà dường như xa vạn lý, trước mắt chỉ một màu tuyết trắng mênh mang. Rồi cậu ngồi thụp xuống, bưng mặt mà khóc rưng rức. Nước mắt chưa kịp lăn xuống thì đã bị gió tuyết đóng băng, vỡ thành từng mảnh nhọn.

Cậu bắt đầu nghĩ đến cái chết, mường tượng về chính đám tang của mình. Trong tang lễ, mọi người cũng sẽ đội khăn trắng, mặc áo trắng y như đêm mưa tuyết hôm nay. Nhưng cái chết có lẽ vẫn còn dễ chịu hơn giờ phút đau khổ tột cùng này. Chân cậu đã tê dại, gần như không còn cảm giác…

Vào đúng lúc đó, một con thỏ vụt qua trước mắt cậu. Con thỏ rất nhỏ nhưng bước chạy rất dũng mãnh. Nó nhảy qua từng đụn tuyết, lao về phía trước không chút ngại ngần. Con thỏ cũng như cậu, đang tìm đường về nhà. Cậu gạt nước mắt, lấy hết sức bình sinh đứng dậy một lần nữa. Con thỏ cứ nhảy một đoạn lại dừng một đoạn như có ý đợi chờ.

Cậu cứ nhắm mắt bước đi. Trước mặt cậu bây giờ chỉ toàn là màu trắng, trắng xóa. Trong những lúc đau đớn nhất, cậu đã thầm trách bố mẹ vô tình, không còn yêu thương mình nữa. Có lúc cậu muốn bỏ cuộc nhưng rồi bước chân như có người đỡ, cứ mạnh mẽ dấn về phía trước. Cuối cùng, chiếc cổng nhà thân quen đã hiện ra lờ mờ ở cuối con đường. Lúc này bởi đã thấm mệt, cậu thậm chí phải bò lết để đi những đoạn cuối cùng.

Nhưng con cần phải đi hết con đường này để trở thành một người mạnh mẽ. Ảnh minh họa (washingtonpost.com)

Đèn nhà vẫn sáng trưng. “A! Hóa ra bố mẹ vẫn ở nhà!“. Cậu loạng choạng dựa vào tường định bấm chuông cửa. Nhưng cánh cửa đã mở sẵn từ lâu. Mẹ cậu đang đứng trước hiên nhà, mắt nhòe đi vì lệ, hai tay ôm lấy ngực thổn thức: “Cuối cùng con đã về rồi!“. Bà chạy ùa ra ôm lấy cậu vào lòng. Cậu cũng òa khóc.

Từ phía sau, một giọng nói vang lên: “Khá lắm con trai của bố. Hãy sống mạnh mẽ như một người đàn ông!“. Cậu ngoảnh lại nhìn, thì ra bố cậu đang đứng dầm mình giữa gió tuyết. Tuyết bám đầy trên đầu tóc ông và dường như ông cũng đang run lên từng cơn ớn lạnh.

Mẹ cậu gạt đi dòng lệ, trìu mến xoa đầu con trai và nói: Con à, hãy quay đầu lại nhìn xem, mỗi một dấu chân trên đường đó đều là chính con tự mình bước đi. Bố mẹ thực sự cảm thấy tự hào vì con. Hãy kiên cường sống trên đường đời như vậy nhé con yêu của mẹ!“.

Bố cậu cũng tiến tới, ôm hai mẹ con vào lòng và cất giọng trầm trầm: “Ta đã đi theo con suốt cả con đường, đã thấy con gục ngã rồi lại bật dậy đứng lên, đã thấy con đổ lệ rồi lại gạt lệ mà bước tiếp. Con đau một thì ta đau mười, chỉ muốn chạy đến ôm con vào lòng. Nhưng con cần phải đi hết con đường này để trở thành một người đàn ông mạnh mẽ“.

Đó chính là ngày vui nhất trong đời cậu bé của chúng ta!

*** 

Hình ảnh cậu bé lầm lũi đi trong đêm mưa tuyết nói lên rất nhiều điều. Trong đời, rất có thể vào một lúc nào đó, bạn cũng phải đối diện với một đêm tuyết rơi lạnh lẽo như vậy. Con đường rất xa còn bạn thì cảm thấy vô cùng mệt mỏi, chán chường. Làm gì tiếp đây? Câu trả lời chỉ có một: Hãy bước tiếp, bước tiếp!

Con đường dưới chân là tự mình đi, cuộc đời này là tự mình trải nghiệm và trưởng thành. Đừng mong có người hùng đến ra tay cứu giúp bạn lúc nguy nan, đừng mong khó khăn, thử thách sẽ không đến gõ cửa tìm mình.

Gian nan mới biết mặt anh hùng, chỉ có trong lò lửa Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân mới luyện ra được một Tôn Ngộ Không mình đồng da sắt, mắt lửa ngươi vàng. Mọi gian khó trên đường đời đều là để bạn đề cao chính mình, tiến thêm một nấc trên chiếc thang cuộc đời vậy.

Hãy trân quý những cơ hội như thế. Như nhà thơ Vương Chi Hoán thời Đường trong bài “Đăng Quán Tước lâu” (Lên lầu Quán Tước) đã viết:

Bạch nhật y sơn tận
Hoàng Hà nhập hải lưu
Dục cùng thiên lý mục
Cánh thượng nhất tằng lâu

(Nghĩa là: Mặt trời dần khuất sau núi rồi lặn mất. Sông Hoàng Hà đổ về biển lớn. Muốn phóng tầm mắt xa ngoài nghìn dặm. Hãy lên cao thêm một tầng lầu nữa).

Phi Long – Văn Nhược

Xem thêm: