Hiếu kính cha mẹ là một việc khó hay dễ? Kỳ thực hiếu kính cha mẹ là một việc không cần phải dùng tiền để mua, không phải đi mượn ai đó, cũng không cần phải bỏ học phí để đi học, càng không cần phải tốn công tốn sức gì cả.

Giữa trưa một ngày nọ, có một người mẹ già đi sang phòng của vợ chồng cậu con trai để tìm tờ báo đọc, gặp đúng lúc người con trai đi làm trở về nhà.

Anh ta vừa bị mất một hợp đồng làm ăn lớn, nên trong lòng không được vui, thậm chí có vẻ rất bực mình. Khi người con trai bước vào phòng, không ngờ gặp ngay mẹ mình đang ngồi ở trên giường lục lọi tìm kiếm.

Anh ta giận giữ rồi lạnh lùng nói với vẻ trách móc: “Mẹ, mẹ sang phòng con lục lọi cái gì? Mẹ không có việc gì làm thì làm ơn ở lại phòng của mình đi, đừng có đi lung tung như thế!”.

Người mẹ vội vàng giải thích: “Mẹ… Mẹ chỉ là muốn tìm tờ báo thôi, thuận tiện ngồi trên giường các con một chút!”

Cậu con trai vẫn giữ vẻ mặt như lúc đầu mà không nói lời nào. Trước khi đi ra ngoài, anh ta còn để lại một câu nói cay nghiệt khiến người mẹ xót xa: “Đúng là ăn no, nhàn rỗi rồi chỉ làm phiền người khác!”.

Đến 12 giờ đêm hôm ấy, người mẹ này đã nhảy xuống tự tử từ trên tầng 5.

***

Có người nói: “Con cái khi đã có nhiều tiền rồi cũng rất dễ dàng mua được xe, mua được nhà cho bố mẹ, nhưng điều khó khăn nhất chính là có thể luôn giữ “vẻ mặt vui vẻ” khi đối diện với cha mẹ.”

Khổng Tử từng dạy học trò của ông rằng: Hiếu kính cha mẹ khó nhất là ở chỗ nào? Là thể hiện ở vẻ mặt khi đối diện với cha mẹ, chính là không để cho cha mẹ phải nhìn thấy vẻ mặt khó coi của mình.

Nếu như con cái dùng ánh mắt với ý miệt thị và thiếu kiên nhẫn thì đó chính là thái độ không đúng, bởi vì nó khiến cha mẹ rất không an lòng.

Có người cho rằng: Con cái chỉ cần mua nhà, thuê người giúp việc, đưa cha mẹ đi ăn tiệc ở nhà hàng lớn hay đi du lịch… thì chính là hiếu kính với cha mẹ.

Kỳ thực, việc kính biếu cha mẹ tiền bạc, nhà cửa, cho cha mẹ được hưởng thụ vật chất… đều chỉ là tầng bên dưới của “Hiếu”. Còn tầng bên trên của “Hiếu” chính là thể hiện ở góc độ tinh thần như yêu thương, kính trọng… cha mẹ. “Hiếu kính cha mẹ” khó ở chỗ nào? Khó ở việc có thể dành cho cha mẹ một thái độ cung kính, khó ở việc có thể duy trì thái độ khiêm tốn nhã nhặn với cha mẹ.

Vậy nên, “vẻ mặt vui vẻ” trở thành tiêu chuẩn để đánh giá lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ mình. Nó chính là thể hiện ở việc thường xuyên mỉm cười với cha mẹ, kính trọng cha mẹ và quan tâm đến đời sống vật chất cùng với đời sống tinh thần của cha mẹ.

Mỗi ngày có thể dùng ánh mắt của mình quan tâm để ý đến cha mẹ, cùng cha mẹ nói chuyện một vài phút, không chê bai, không oán trách… Kể cả khi cha mẹ có khó chịu cũng phải dùng vẻ mặt vui vẻ mà đối đãi. Như thế, mới thực sự là hiếu kính cha mẹ, cha mẹ sẽ vì thế mà sống được vui vẻ thoải mái và hạnh phúc.

Trong cuộc sống hàng ngày, để duy trì được “vẻ mặt vui vẻ” với cha mẹ có thể là một việc không dễ dàng. Nhưng suy cho cùng, chúng ta có thể làm như vậy cũng chính là thể hiện được lòng biết ơn đối với công sinh thành và nuôi dưỡng mà cha mẹ đã dành cho ta!

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: