Lòng thành của chim nhỏ đã trở thành một giai thoại truyền thuyết kỳ diệu, kể cho chúng ta câu chuyện về sinh mệnh vĩnh hằng…

Tại Duy Gia quốc thuộc Ấn Độ cổ có một khu vườn cây trái sum sê, chủ nhân của khu vườn là một thiếu nữ xinh đẹp và kiều diễm, tên gọi A Mạt La.

Một lần Phật Thích Ca đến Duy Gia thuyết Pháp, A Mạt La đã cho người đem trái cây dâng lên cúng dường Đức Phật và các tăng nhân. Mặc dù vậy, cô vẫn tiếp tục sống cuộc đời phóng đãng, ngập chìm trong tửu sắc như trước kia.

Một hôm, có người hầu cận hỏi cô rằng: “Cô chủ biết không, Đức Phật Thích Ca đang ở vườn cây thuyết Pháp, Ngài vốn là thái tử tên là Tất Đạt Đa, nhưng lại nguyện ý từ bỏ vương vị để xuất gia tu hành, tìm được cho mình một vương quốc vĩ đại hơn nhiều. Hiện nay các vương công, quý tộc trong thành và muôn dân bách tính đều đến vườn cây nghe Ngài thuyết giảng”.

Vì sao cô gái phóng đãng, bị người đời coi khinh nhưng Đức Phật lại triệu kiến?
Đức Phật Thích Ca đang thuyết Pháp. (Ảnh: pinterest.com)

Nghe nói đến vương tử xuất gia, A Mạt La lấy làm hiếu kỳ nên cũng muốn được đích thân đến gặp vị vương tử ấy.

Nhưng vốn là cô gái phóng túng, A Mạt La ăn mặc và trang điểm hết sức điệu đà. Vậy nên khi đến vườn cây, cô vừa định bước vào diện kiến Đức Phật thì bị mọi người cản lại. Vừa lúc đó, một đệ tử của Đức Phật Thích Ca bước ra và nói: “Mọi người đừng cản, Phật Đà muốn gặp cô ấy”.

videoinfo__video3.dkn.tv||04fa8b380__

Lúc này Phật Thích Ca đang ngồi đả toạ dưới gốc cây, xung quanh Ngài là một trường không gian từ bi hoà ái. A Mạt La bước đến trước mặt Ngài, chợt nhận ra tất cả những món đồ trang điểm hoa mỹ, những thứ châu báu ngọc ngà lấp lánh trên người đều trở nên quá đỗi tầm thường và xấu xí.

A Mạt La cung kính quỳ trước xuống trước mặt Đức Phật, lắng nghe Ngài thuyết Pháp. Đó là lần đầu tiên cô thấy mình như mảnh đất nắng hạn lâu ngày được đắm chìm trong dòng nước Cam Lồ thanh khiết, những dòng nước hoà ái từ bi tưới mát tâm hồn, làm bừng sống trong cô những hạt giống thiện lành.

Để tạ ơn Đức Thích Ca, A Mạt La mời Ngài đến cơ dinh của mình để dùng cơm chay, và Đức Phật đã nhận lời.

Vì sao cô gái phóng đãng, bị người đời coi khinh nhưng lại được Đức Phật triệu kiến?
Để tạ ơn Đức Thích Ca, A Mạt La mời Ngài đến cơ dinh của mình để dùng cơm chay. (Ảnh: wikipedia.org)

Rất nhiều người có mặt ở đó đều cảm thấy khó hiểu, vì sao Đức Phật lại coi trọng một cô gái sống đời phóng đãng đến như vậy?

Phật Thích Ca bèn nhẹ nhàng giảng giải cho mọi người về kiếp sống trước đây của A Mạt La. Trong dòng chảy đằng đẵng của sinh mệnh, vào một kiếp xa xưa, cô gái ấy từng là con chim nhỏ trong một khu rừng, ngày ngày vui vẻ tự do ca hát. Nhưng rồi, vào một năm mùa hè nắng gắt, đại hạn kéo dài, một cơn gió lớn thổi tới, lửa tự nhiên bùng lên dữ dội, mỗi lúc một mãnh liệt hơn.

Chim chóc và muôn loài đều phải đối diện với sự diệt vong. Con chim nhỏ thấy cảnh tượng đau thương thật không đành lòng, bèn bay lên trời cao, rồi bất chấp sự nguy hiểm mà lao mình xuống dòng nước bên dưới rồi sau đó lại bay lên không trung, dùng chút sức lực yếu ớt của mình mà vẩy từng giọt nước li ti xuống dưới.

Con chim nhỏ cứ không ngừng làm như vậy, khiến những động vật khác trong rừng thắc mắc: “Này chim nhỏ, cậu chưa từng nghe câu nói ‘bươm bướm dập lửa’ sao? Cậu làm như vậy hỏi có tác dụng gì?”.

Chim nhỏ đáp: “Lửa đang cháy lớn, tôi không có thời gian để giải thích với mọi người”, nói rồi nó lại lao mình xuống dòng sông và dùng đôi cách yếu ớt của mình bay lên.

Hành động của con chim nhỏ khiến đất trời cảm động, ban xuống một cơn mưa lớn để dập tắt trận lửa. Cũng nhờ cơ duyên ấy mà chim nhỏ được chuyển sinh thành thiếu nữ xinh đẹp và giàu có, hơn nữa còn có phúc phận nghe Phật thuyết giáo. Con chim nhỏ năm xưa cũng chính là A Mạt La bây giờ.

Lòng thành của chim nhỏ đã trở thành một giai thoại truyền kỳ, kể cho chúng ta câu chuyện về sinh mệnh vĩnh hằng. Con người ta, trong vòng quay của lục đạo luân hồi, làm người cũng vậy, làm vật cũng vậy, hết thảy đều do cơ duyên đưa đẩy, lại do Nhân – Quả mà an bài ra vận mệnh.

Có người hôm qua là con chim nhỏ nơi rừng hoang, hôm nay là thiếu nữ phong lưu tình sắc. Thế nhân chỉ nhìn thấy cái “phong lưu tình sắc”, nhưng Thần Phật từ bi vô hạn sẽ không nhìn vào một đời một kiếp ấy nên mới có thể phổ độ hết thảy chúng sinh. Trân quý sinh mệnh, không phải là trân quý cái huy hoàng của kiếp sống hiện tại, mà là trân quý cơ duyên được làm người…

Minh Vũ