Tính tình ngay thẳng, hiền lành, lại thấu hiểu lòng người, Trần Ức Thanh hiện là một doanh nhân thành đạt. Kinh qua bao nhiêu thăng trầm, cô cũng tìm ra được “chìa khóa hạnh phúc” cho riêng mình.

ạnh phúc đôi khi được định nghĩa là một sự nghiệp thành công, lẫy lừng, một gia đình hạnh phúc hay được theo đuổi ước mơ. Nhưng khi được hỏi: “Cô nhìn nhận thế nào là hạnh phúc?”, Trần Ức Thanh – bà chủ của cửa hàng chế tạo hộp âm nhạc tùy chỉnh đầu tiên ở Đài Loan đã trả lời: “Có thể mang đến hạnh phúc, nụ cười cho mọi người, với tôi chính là niềm hạnh phúc lớn nhất”.

Trần Ức Thanh chia sẻ, cửa hàng của cô nằm ở khu vực dành cho giới nhà giàu ở phía Đông Đài Bắc. Cửa hàng không lắp đặt các cửa sắt chống trộm mà chỉ lắp các ô cửa kính, bên trong trưng bày rất nhiều loại hộp âm nhạc và hình búp bê bằng gỗ. “Bởi chúng tôi muốn, mỗi đêm xuống, khi cửa hàng đã đóng cửa, những người đi dạo qua cửa hàng chúng tôi vẫn có thể dừng lại nhìn ngắm các tác phẩm bên trong cửa hàng. Chúng tôi chỉ đơn giản là muốn đem lại cảm giác hạnh phúc đến cho nhiều người hơn”.

Cũng với ước nguyện ấy, Trần Ức Thanh đem hai khu đất cạnh cửa hàng sửa sang thành một vườn hoa nhỏ để dành cho trẻ em vui chơi và người lớn đi dạo.

Mặt tiền cửa hàng của Trần Ức Thanh tại Đài Loan.

Lần đầu phóng viên Đại Kỷ Nguyên đến thăm cửa hàng, Trần Ức Thanh trong khi phỏng vấn luôn lắng nghe và nhẹ nhàng chia sẻ như cuộc trò chuyện giữa hai người bạn cũ. Cô nói, mỗi lần có khách đến, cô luôn tìm hiểu về lý do chọn quà và ước muốn của họ. Nếu cô nhận ra người đến không mang theo sự chân thành mà chỉ vì muốn tìm một món quà độc đáo, cô sẽ từ chối vị khách đó. Bởi cô cũng như chính cửa hàng mình luôn giữ vững quan điểm “Truyền tình yêu thương, biểu đạt tâm ý”.

Cũng vì lý do đó, Trần Ức Thanh nhận ra rằng, mình cần tạo ra những chiếc hộp nhạc tinh mỹ với ước mong mang đến niềm vui cho người nhận chúng.

Ban đầu, đây chỉ là một cửa hàng nhỏ được Trần Ức Thanh mở ra 10 năm về trước. Nhận được nhiều lời đánh giá tốt, mà chủ yếu là người truyền người chứ không có bất kỳ hình thức quảng cáo nào, tỷ lệ khách hàng quay lại lần 2 của cửa hàng lên đến 40%, rất nhiều các minh tinh, người nổi tiếng là khách quen ở đây.

Từng có một bà cụ 96 tuổi muốn chọn một món quà sinh nhật cho đứa cháu đời thứ 5 đã gọi lên tổng đài 1999, hỏi: “Tôi muốn mua một chiếc hộp nhạc, tôi có thể đi đâu để mua?” và đã được nhân viên trực tổng tài báo địa chỉ cửa hàng cho bà.

Những hộp nhạc với những lời chúc tốt lành do chính khách hàng tự tạo.

Các khách hàng quen thuộc vui vẻ chia sẻ rằng họ thích đến đây, không chỉ bởi tiếng nhạc du dương mà còn vì họ rất thích trò chuyện cùng cô chủ cửa hàng.

Trần Ức Thanh không phải là một người phụ nữ đẹp, nhưng tính cách lại hào hiệp, rộng rãi, cách nói chuyện cũng như ngôn từ thẳng thắn mà lễ độ, lịch sự; khi trò chuyện, mang đến cho người đối diện một bầu không khí ấm áp, là một người rất có duyên.

Trần Ức Thanh vui vẻ nói: “Rất nhiều người mới đến đây lần đầu nhưng đã đem mọi chuyện trong gia đình ra tâm sự với tôi. Tôi không hiểu vì sao, nhưng hẳn là có duyên…”

Lớn lên ở một vùng nông thôn Đài Trung, giống như mọi đứa trẻ khác, Trần Ức Thanh ham vui, ham nghịch, chơi bùn, bắt cá, leo trèo cây… Tuổi thơ của cô rất vui vẻ, sôi nổi.

Hai năm trước khi đến tuổi đi học, Trần Ức Thanh đã được trải qua rất nhiều chuyện thú vị. Bố cô là tài xế xe buýt, vì vậy mỗi ngày, cô đều đi làm cùng bố. Mỗi ngày trên xe là gặp những con người khác nhau, mỗi ngày được đi nhiều dặm đường, một trải nghiệm rất lý thú.

“Mỗi ngày đều được đi [du lịch] với bố, vì lúc đó còn nhỏ, nên các anh chị, cô bác trên xe đều đối với tôi rất tốt, họ quan tâm tôi một cách rất tự nhiên, tôi cũng tiếp nhận sự quan tâm ấy một cách thoải mái. Có lẽ đó cũng là lý do sau này tôi rất dễ trò chuyện với người khác, cũng hay thể hiện sự quan tâm chăm sóc của mình với người xung quanh. Cũng từ lúc đó, tôi không có sợ người lạ như nhiều đứa trẻ khác mà rất dễ thân quen”.

Không chỉ nhiệt tình và biết quan tâm tới người khác, Trần Ức Thanh còn là một đứa bé rất có lòng chính nghĩa. Nếu cô phát hiện ra một chuyện gì đó không đúng đắn, cô nhất định sẽ là người đầu tiên đứng ra.

Bên cạnh đó, những suy nghĩ kinh doanh cũng bắt đầu manh nha ngay từ những năm Trần Ức Thanh học tiểu học, với sản phẩm là kẹo và những món quà nhỏ được các bạn học yêu thích. “Vừa có thêm tiền tiêu vặt, lại vừa giúp các bạn đều vui vẻ, thế không tuyệt sao!”.

Duyên buôn bán kéo dài đến tận sau khi tốt nghiệp cấp 3. Sau đó, Trần Ức Thanh đã bày sạp bán quần áo ngoài vỉa hè. Với tầm nhìn nhạy bén lại biết đối nhân xử thế, việc buôn bán của cô rất tốt. Tuy nhiên, không thể mãi bày sạp bán được, nên từ lúc đó Trần Ức Thanh đã luôn tự nhủ, sau này cô nhất định phải mở một cửa hàng dành cho riêng mình.

Một góc trong cửa hàng của Trần Ức Thanh.

Sau này, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, Trần Ức Thanh nảy lên hình ảnh: một chiếc hộp nhạc với tiếng đàn du dương hấp dẫn tất cả các vị khách. Vì vậy, cô đã quyết định mở một cửa hàng hộp âm nhạc.

Cô rất thích những chiếc hộp nhạc của Đức, nhưng cô phát hiện ra, chúng được chế tạo dựa trên chủ đề về Chúa Jesus, các Thiên Thần, thể hiện các ý nghĩa về tôn giáo, nên có lẽ sẽ không phù hợp với sở thích của người Đài Loan. Từ đó, cô nảy sinh ý tưởng sẽ tự mình tạo ra một thương hiệu riêng.

Hộp âm nhạc của Đức.

Thế là, cô bắt tay vào việc chuẩn bị. Cô tìm được một vị thầy có tay nghề rất tốt để tạo ra các bộ phận chi tiết. Ngoài ra, cô còn bôn ba sang Nhật Bản để tìm các loại thiết bị phát nhạc. Trần Ức Thanh mong muốn mỗi một vị khách đến đây đều có thể tự tay tạo ra một sản phẩm cho riêng mình, nên các chi tiết đều phải là tốt nhất. Vì vậy, cô đã mất không ít thời gian.

Mỗi vị khách đều có thể thoải mái lựa chọn những nguyên liệu khác nhau.

Ý tưởng của Trần Ức Thanh rất được ưa chuộng, nhờ thế, cửa hàng ngày càng làm ăn phát đạt. Sau một vài năm, cô đã mở rộng thành chuỗi cửa hàng sách nổi tiếng và các quán cafe có chủ đề về âm nhạc.

Tuy nhiên, mở cửa hàng được một vài năm, gặp nhiều vị khách khác nhau, nghe được nhiều câu chuyện khác nhau, một cô gái hào hiệp như Trần Ức Thanh cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc sống.

Cháu gái nhỏ tự tay làm hộp nhạc tặng ông bà nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới.

“Đằng sau mỗi chiếc hộp là một câu chuyện”, Trần Ức Thanh nói.

Cô kể, một hôm, có một cô gái mắt đỏ hoe bước vào trong cửa hàng, nói rằng cô ấy muốn làm 10 cái hộp nhạc tặng cho bạn trai để kỷ niệm 10 năm hai người yêu nhau. Thật ra, cô ấy không nói ra nhưng Trần Ức Thanh hiểu, cô ấy là muốn cứu vãn mối tình này.

“Cô ấy một bên làm hộp nhạc, một bên kể cho tôi nghe về quá trình họ gặp nhau ra sao, yêu nhau thế nào rồi cuối cùng người thứ ba xuất hiện”. Trần Ức Thanh nghe mà cũng cảm thấy buồn cùng cô gái ấy, cô cũng nghĩ xem nên giúp cô gái ấy níu kéo người bạn trai ra sao. “Cô ấy đã khóc rất nhiều. Mặc dù tôi không khóc, nhưng tôi biết, tôi bị câu chuyện của cô ấy ảnh hưởng, tâm trạng ấy tôi đã phải mất 2, 3 ngày mới hồi phục được”.

Càng nghe, Trần Ức Thanh càng cảm thấy giữa 2 người bọn họ thật sự đã hết duyên, vì vậy, cô đã chân thành nói với cô gái kia rằng: “Không cần phải tốn tiền như vậy đâu, bạn chỉ cần làm 1 cái là được rồi”. Và đúng như Trần Ức Thanh nghĩ, hai người họ cuối cùng vẫn không thể quay lại với nhau, vài năm sau, cô gái kia đi lấy chồng.

Hộp nhạc tình yêu của một cặp đôi.

Lại một lần khác, một chàng trai bước vào cửa hàng. Anh muốn làm một chiếc hộp âm nhạc để tặng bạn gái, đây cũng là lời hứa về tương lai của cả hai. Một tháng sau, cô bạn gái nhận được món quà, cô ấy đã rất vui vẻ. Tuy nhiên chỉ vài năm sau, bọn họ đã không vượt qua được khoảng cách không gian và thời gian, sau đó, họ đã chia tay.

Mở cửa hàng hơn 10 năm, 10 năm ấy, Trần Ức Thanh chứng kiến biết bao chuyện vui buồn, và cô cũng nhớ từng câu chuyện, từng chi tiết trong mỗi câu chuyện đó. Với cô, mỗi một câu chuyện có hậu, mỗi một niềm vui trong đó làm phong phú cuộc sống của cô hơn. Còn những câu chuyện buồn, thương tâm cũng khiến cho một người mạnh mẽ, lạc quan như cô không tránh được bị ảnh hưởng ít nhiều.

Vì vậy, Trần Ức Thanh luôn tự hỏi bản thân: “Vậy làm thế nào mới đem đến hạnh phúc cho người khác?”.

Một lần tình cờ, Trần Ức Thanh đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Công. Đồng thời lại được biết, bạn tốt của cô cũng đang học theo, trước nhiều khốn cảnh, cô ấy cũng đều “gặp nguy không hãi”. Sau đó, Trần Ức Thanh hiểu ra rằng, đó là vì người bạn ấy tu luyện, tu tâm tính nên mới có thể luôn giữ được vẻ ôn hòa, bình tĩnh như vậy.

“Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi đã muốn học ngay” – Trần Ức Thanh nói. Sau khi cô tu luyện, trong đối nhân xử thế cô đều lấy 3 chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” làm nguyên lý chỉ đạo, dần dần cô có những lĩnh hội khác xa với quá khứ.

Ngày hôm đó, cũng đã qua giờ mở cửa, có một cô gái ăn mặc rất thời thượng nhưng toàn thân là mùi rượu bước vào.

“Có vẻ cô đã uống rất nhiều rượu nhỉ”, Trần Ức Thanh nói chuyện cùng cô gái.

“Đúng vậy, hôm nay là ngày sinh nhật của tôi, và tôi một mình uống rượu”, cô gái đáp lời. Khẩu âm tiếng Quảng Đông, hóa ra đây là cô gái người Hồng Kông sang đây du lịch cùng bạn.

“Tại sao lại một mình uống rượu trong ngày sinh nhật?”, Trần Ức Thanh hỏi.

“Tôi và bạn trai chia tay rồi”, cô gái vừa nấc vừa nói.

“Chúc mừng bạn”, Trần Ức Thanh cất cao giọng nói.

Cô gái không hiểu, Trần Ức Thanh đã trả lời cô ấy: “Điều này chứng tỏ giờ cô đã bước sang một giai đoạn khác trong cuộc đời mình. Đời người chính là như vậy, khi duyên phận đến, nó sẽ đến và xâm nhập vào cuộc sống của cô một cách bất ngờ, nhưng khi nó phải đi, thì dù cô có cưỡng cầu thế nào cũng không thể giữ nó lại được”.

Thấy cô gái đã bình tĩnh trở lại, Trần Ức Thanh nói tiếp :”Người bạn trai ấy, câu chuyện giữa hai người, cô hãy coi đấy là kinh nghiệm cho những bước đường sau này, đừng biến nó trở thành một gánh nặng cho tương lai của bản thân”.

Dần dần, cô gái cũng buông được tâm mình xuống. Cô nở nụ cười tươi, nói tiếng “cảm ơn” rồi rời đi.

“Trước kia, tôi luôn đứng ở lập trường bản thân, cố gắng làm mọi biện pháp để giúp mỗi vị khách đạt được ước vọng. Là một người tràn đầy hiệp nghĩa, nhưng “người tính không bằng trời tính”. Bây giờ tôi đã hiểu, có rất nhiều việc không hề ngẫu nhiên, nó xuất hiện là bởi tồn tại nghiệp lực, vậy tôi phải làm thế nào mới có thể giúp họ được?”.

“Sau khi tu luyện, tôi mới hiểu ra rằng, mọi chuyện thật ra đều có một tiêu chuẩn để nhìn nhận, đánh giá, nhưng tiêu chuẩn ấy tuyệt không phải lấy bản thân mình làm mốc”.
– Trần Ức Thanh chia sẻ.

Bây giờ tu luyện rồi, cô đã hiểu, cô chính là phải lấy thước đo “Chân, Thiện, Nhẫn” để nhìn nhận các việc. Từ đó, cô đã có thể thoát ra khỏi những tiêu chuẩn của riêng mình, cũng ít khi bị những sự việc vui buồn ảnh hưởng tới nữa. Đồng thời, cô cũng tìm ra biện pháp giúp đỡ những người xung quanh.

Trần Ức Thanh chụp ảnh cùng một khách hàng tại cửa hàng của mình.

Đọc sách nhiều hơn, tu luyện tốt hơn, Trần Ức Thanh cũng dần dần biến thành một người khác. Vẫn tràn đầy hiệp nghĩa, vẫn thẳng thắn như cũ, nhưng thêm vào đó nhiều sự tinh tế và sáng suốt khi gặp bất kỳ chuyện gì.

Các vị khách quen nói rằng: “Cô ấy ngày càng khác, khác chỗ nào tôi nói không rõ được, nhưng tôi cảm thấy được, cô ấy bây giờ tinh tế hơn trước nhiều, cũng có nội hàm hơn. Mỗi lần trò chuyện xong, đều làm tôi cảm thấy an tâm đến lạ kỳ”.

Giờ đây, Trần Ức Thanh đã có một cuộc sống mới, những trải nghiệm cũng mới bởi cô thực hành theo các tiêu chuẩn hoàn toàn mới.

“Trước kia, luôn có rất nhiều suy nghĩ, các mối bận tâm, lo lắng. Bận tâm đến việc làm thế nào để phát triển cửa hàng kinh doanh tốt hơn nữa, mong đợi nhân viên luôn làm việc tốt, chăm chỉ, làm hết sức… đối với tất cả mọi việc đều có mong đợi, bận tâm, lo lắng” – Trần Ức Thanh chia sẻ.

Nhưng sau khi đọc sách, tu tâm tính, cô hiểu một đạo lý: “Chỉ cần bạn làm tốt mọi việc, không thẹn lương tâm, cái gì là của bạn thì nó sẽ là của bạn”. Tâm không còn những mối cạnh tranh, nên khi đối mặt với bất kể sự việc gì, dù là bên xưởng giao hàng muộn, khách hàng hay than phiền, quản lý nhân viên gặp nhiều vấn đề… tất cả tựa hồ đều trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Trần Ức Thanh đang chế tác hộp âm nhạc tại cửa hàng của mình.

Hiện giờ với Trần Ức Thanh, “Có thể đem lại hạnh phúc cho người khác thì mới là niềm hạnh phúc lớn nhất”. Cô đã tìm được chìa khóa cho riêng mình. Ở cửa hàng nhỏ bé ấy, mỗi ngày, cô lại mang đến cho mỗi vị khách của mình những giai điệu du dương và lắng nghe những câu chuyện của họ…

Bài viết: Vu Mạn – Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Biên dịch: Trâm Anh
Ảnh: Epoch Times/FB: merry.melody
Thiết kế: Bình Bình