(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Cùng là người

Diễn giải

Cùng là nhân loại như nhau, nhưng tính tình thì không giống nhau, đại đa số đều là người bình thường, còn người có đức hạnh khoan hậu cao thượng thực sự thì vô cùng ít.

Nếu là người đức hạnh cao thượng khoan hậu thực sự thì mọi người đều sẽ kính trọng họ, bởi vì họ không nói những lời xu nịnh, siểm nịnh để lấy lòng người khác.

Nếu có thể gần gũi với người đức hạnh khoan hậu thì lợi ích vô cùng nhiều, và phẩm đức của chúng ta cũng sẽ tiến bộ từng ngày, lỗi lầm cũng sẽ giảm thiểu từng ngày.

Nếu không gần gũi với những người đức hạnh khoan hậu, không học tập họ, thế thì sẽ có rất nhiều tai hại. Bởi vì không có tấm gương mẫu mực để học tập thì những tiểu nhân đạo đức thấp kém kia sẽ thừa cơ tiếp cận, vô hình trung khiến chúng ta bị ảnh hưởng, chúng ta dần dần trở nên bại hoại. Đến cuối cùng, dẫu làm việc gì thì cũng sẽ thất bại.

Câu chuyện tham khảo:

Tề Cảnh Công tiếp thu lời can gián thực thi nền chính trị nhân đức

Tề Cảnh Công và đại thần Yến Anh. (Minh hoạ: epochtimes.com)

Thời Xuân Thu có một năm trời đổ tuyết 3 ngày liền không dừng. Tề Cảnh Công khoác áo da lông cáo ngồi trên đài trong sảnh đường. Đại thần Yến Anh vào bái kiến, đứng đó một lúc. Tề Cảnh Công nói: “Thật là lạ, những ngày tuyết lớn thế này mà thời tiết không lạnh”.

Yến Anh trả lời rằng: “Thời tiết không lạnh sao? Thần nghe nói các bậc vua hiền cổ đại khi ăn no thì nghĩ tới người dân chịu đói khát, khi mặc ấm thì nghĩ tới người dân chịu giá lạnh, khi yên vui thì nghĩ tới người dân đang vất vả khổ nhọc. Quân vương hiện nay đã không biết những điều đó nữa rồi”.

Cảnh Công nói: “Nói hay lắm. Ta sẽ nghe theo kiến nghị của khanh”.

Nói rồi Cảnh Công hạ lệnh phân phát áo da và ngũ cốc cho những người dân đang chịu đói rét.

(Nguồn: “Yến Tử xuân thu”)

Văn Chủng cứu vua, “thỏ chết chó bị phanh thây”

Văn Chủng và Phạm Lãi phò tá Việt Vương, dốc sức quản lý quốc gia. (Minh hoạ qua: kknews.com)

Văn Chủng và Phạm Lãi là người nước Sở thời Xuân Thu, sau làm đại thần cho nước Việt. Việt Vương không nghe lời khuyên can của Phạm Lãi, tấn công nước Ngô bị thất bại. Văn Chủng mạo hiểm đến thỉnh cầu Ngô Vương, xá tội chết cho Việt Vương Câu Tiễn. Vì thế Ngô Vương Phù Sai đã rút quân. Sau đó Văn Chủng và Phạm Lãi phò tá Việt Vương, dốc sức quản lý quốc gia, nước Việt từ yếu nhược đã trở nên hùng cường. Sau khi tiêu diệt nước Ngô, Phạm Lãi công thành thân thoái, thay tên đổi họ đến nước Tề kinh doanh thương nghiệp. Từ nước Tề, Phạm Lãi gửi thư cho Văn Chủng nói rằng:

“Chim đã hết cung tên vứt bỏ,
Thỏ chết rồi chó bị phanh thây.

Việt Vương là người cổ dài miệng nhọn, có thể chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng lạc. Sao ông vẫn chưa ra đi?”

Văn Chủng xem xong thư lấy cớ bệnh không vào triều. Nhưng có người vu cáo hãm hại Văn Chủng chuẩn bị làm phản, Việt Vương liền ban kiếm cho Văn Chủng, để ông tự vẫn.

(Nguồn: “Sử ký”)

Phụ chú

1. Nguyên văn Đệ tử quy

同 是 人 類 不 齊
流 俗 眾 仁 者 希
果 仁 者 人 多 畏 
言 不 諱 色 不 媚
能 親 仁 無 限 好 
德 日 進 過 日 少
不 親 仁 無 限 害 
小 人 進 百 事 壞

2. Âm Hán Việt

Đồng thị nhân, loại bất tề
Lưu tục chúng, nhân giả hi
Quả nhân giả, nhân đa úy
Ngôn bất húy, sắc bất mị
Năng thân nhân, vô hạn hảo
Đức nhật tiến, quá nhật thiểu
Bất thân nhân, vô hạn hại
Tiểu nhân tiến, bách sự hoại.

3. Pinyin Hán ngữ

Tóng shì rén,lèi bù qí
Liú sú zhòng,rén zhě xī
Guǒ rén zhě,rén duō wèi
Yán bú huì,sè bú mèi
Néng qīn rén,wú xiàn hǎo
Dé rì jìn,guò rì shǎo
Bù qīn rén,wú xiàn hài
Xiǎo rén jìn,bǎi shì huài.

4. Chú thích:

– Loại: tính tình.
– Tề: tương đồng.
– Chúng: rất nhiều.
– Nhân giả: người đức hạnh khoan hậu. Người nhân đức.
– Hy: rất ít. Hy hữu.
– Quả: chân chính, thực sự, quả thật.
– Húy: giấu sự tình đi không dám tuyên bố. Kỵ húy, kiêng dè.
– Sắc: dung mạo.
– Mị: Siểm nịnh, dùng lời ngon tiếng ngọt lấy lòng.
– Thân: tiếp cận, gần gũi.
– Nhân: chỉ người đức tính cao thượng khoan hậu.
– Vô hạn hảo: lợi ích vô cùng nhiều.
– Đức: phẩm đức.
– Nhật tiến: tiến bộ từng ngày.
– Quá: lỗi lầm.
– Nhật thiểu: giảm thiểu từng ngày.
– Vô hạn hại: tai hại, tác hại rất nhiều.
– Tiểu nhân: người phẩm đức thấp kém.
– Tiến: tiến lên.
– Hoại: bại hoại, xấu, hỏng.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch