(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Với người dưới

Diễn giải

Đối với nô bộc, nữ tì, người ở, những người làm công cho gia đình, người bề dưới thì điều quan trọng nhất là lời nói, cử chỉ, hành vi của bản thân mình phải đoan chính, vô tư. Thái độ, lời nói việc làm của mình đã đoan chính vô tư rồi thì vẫn cần phải nhân từ, khoan dung, không được nghiêm khắc, hà khắc.

Đối nhân xử thế thì không được dùng quyền thế để khiến người ta phục tùng, nếu không thì trong tâm họ sẽ nhất định không phục, sẽ gây ra họa hoạn sau này. Nếu chúng ta dùng đạo lý để thuyết phục người ta, khiến người ta cam tâm tình nguyện thuận theo ý đồ của mình làm việc, như thế sẽ không gây ra bất kỳ sự nghị luận và bất bình gì.

Câu chuyện tham khảo:

Sở Trang Vương giật đứt dây mũ chung vui thỏa thích

Sở Trang Vương mở đại tiệc trong cung để thết đãi quần thần. (Minh hoạ qua: kknews.com)

Sở Trang Vương là một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu, ông có thể xưng bá chư hầu là có quan hệ mật thiết với thái độ nhân từ khoan dung của ông, nên giành được lòng trung thành của bề tôi, từ đó đặt nền móng vững chắc cho bá nghiệp.

Một hôm, Sở Trang Vương mở đại tiệc trong cung để thết đãi quần thần, mọi người uống rượu đến tận khi mặt trời lặn mà vẫn chưa kết thúc. Đột nhiên, đèn đuốc tắt hết, trên điện là một màn đen bao phủ. Lúc đó có người kéo y phục của ái phi của Sở Trang Vương. Ái phi của Trang Vương cũng tiện tay giật đứt dây mũ của người đó, đồng thời nói cho Trang Vương biết chuyện, muốn Trang Vương mau chóng thắp đuốc tra xét xem ai không còn dây mũ. Trang Vương nghe xong liền nói: “Tiệc rượu là do ta thưởng cho họ uống, lại để họ uống say mà mất lễ tiết thì đó là lỗi của ta. Nếu giờ đây lại làm rõ trắng đen, lấy lại sự thanh bạch cho ái phi thì sẽ nhục mạ tướng sỹ của ta, quả thực không thế được”.

Ái phi nói cho Sở Trang Vương biết chuyện vừa xảy ra. (Minh hoạ qua: sohu.com)

Thế là Trang Vương cho người truyền lệnh: “Hôm nay các khanh và ta uống rượu, không giật dây mũ xuống thì biểu thị uống chưa thỏa thích”.

Khi đó quần thần tham gia yến tiệc hơn trăm người, ai nấy đều giật đứt dây mũ của mình, uống thỏa thích rồi mới về.

Khoảng 2 năm sau, nước Sở và nước Tấn nổ ra cuộc chiến tranh ngôi bá chủ, chiến sự vô cùng ác liệt. Mỗi lần giao chiến, trước trận của Sở Trang Vương luôn luôn có một đại thần hăng hái quên mình xung phong hãm trận, đánh quân giặc tơi bời, tan tác tháo chạy. Thế là Trang Vương triệu kiến đại thần đó hỏi: “Ta có đức gì có tài gì mà khiến khanh vào sinh ra tử vì ta như vậy? Hơn nữa ta cũng chưa có chiếu cố biệt đãi gì đối với khanh, vậy nguyên nhân là gì?”

(Minh hoạ qua: jianbihua.cc)

Vị đại thần đó trả lời rằng: “Thần chính là người bị giật đứt dây mũ trong đêm yến tiệc năm xưa, luận về tội thì đáng chết, nhưng đại vương lại nhẫn nhịn, đã bảo toàn thể diện và sinh mệnh của hạ thần. Từ thời khắc đó, thần đã thời thời khắc khắc có lòng quyết tâm tưới máu trên chiến trường, nguyện tan xương nát thịt vì đại vương, để báo đáp ân đức của ngài”.

Trang Vương vô cùng xúc động, vì thế càng thêm lòng tin chiến thắng, cuối cùng đã đánh bại quân Tấn giành được thắng lợi, đặt ra nền móng cho sự cường thịnh của nước Sở.

(Theo “Thuyết uyển – Phục ân”)

Câu chuyện này chính là ví dụ sinh động nhất cho câu:

Với người dưới, thân đoan chính
Tuy đoan chính, lòng độ lượng.

Đại thần là người dưới, cũng là bề tôi, là nô bộc. Sách “Lễ – Lễ vận thiên” giải thích: “Làm công cho nước gọi là thần (bề tôi), làm công cho nhà thì gọi là nô bộc (đày tớ)”. Dó đó đại thần, quan lại là công bộc (đày tớ) của quốc gia. Hiện nay, công chức nhà nước tự xưng là công bộc, đầy tớ của dân cũng chẳng phải rất có đạo lý đó sao?

Phụ chú

1. Nguyên văn Đệ tử quy

待 僕 婢 身 貴 端
雖 貴 端 慈 而 寬
勢 服 人 心 不 然 
理 服 人 方 無 言

2. Âm Hán Việt

Đãi bộc tì, thân quý đoan
Tuy quý đoan, từ nhi khoan
Thế phục nhân, tâm bất nhiên
Lý phục nhân, phương vô ngôn.

3. Pinyin Hán ngữ

Dài pú bì,shēn guì duān
Suī guì duān,cí ér kuān
Shì fú rén,xīn bù rán
Lǐ fú rén,fāng wú yán

4. Chú thích:

– Đãi: đối đãi.
– Bộc: chỉ người làm công, sai dịch hoặc phu xe. Nô bộc.
– Tì: nha đầu để sai khiến. Tì nữ, nô tì.
– Quý: quan trọng nhất.
– Đoan: chính trực, đoan chính.
– Từ: nhân từ.
– Khoan: khoan hậu, khoan dung, độ lượng.
– Thế: quyền lực, quyền thế.
– Phục: thuận theo, phục tùng. Ở đây có nghĩa khiến cho người khác thuận theo, phục tùng.
– Bất nhiên: không cho là như thế, không phục.
– Lý: sự việc hợp với đạo nghĩa tức là lý.
– Phương: mới.
– Ngôn: nghị luận, bàn tán.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch