(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Người có lỗi

Diễn giải

Khuyết điểm và lỗi lầm của người khác thì không được tuyên truyền rêu rao. Biết được bí mật của người khác thì chúng ta cũng không được truy vấn hoặc đi khắp nơi kể, nói.

Nên biết đánh giá cao và tuyên dương những ưu điểm của người khác, đây là hành vi tốt đẹp. Người được khen ngợi nếu biết được sẽ cảm nhận nguồn cổ vũ to lớn, và càng nỗ lực vươn lên làm tốt hơn.

Đi khắp nơi nói về lỗi lầm của người khác là hành vi không tốt. Nếu người ta biết được mình phê phán họ quá mức như thế thì trái lại sẽ tự gây tai nạn cho bản thân.

Giữa bạn bè với nhau thì nên động viên khích lệ nhau làm việc tốt. Như thế thì việc tu dưỡng phẩm đức của mọi người mới càng ngày càng nâng cao. Khi phát hiện ra sai lầm của bạn, nếu mình không chỉ ra mà để bạn tái phạm đi tái phạm lại nhiều lần, thế thì phẩm hạnh của mọi người đều bị tổn hại.

Câu chuyện tham khảo:

Dùng sở trường của người mà quên đi sở đoản của họ

(Ảnh minh hoạ qua: sohu.com)

Thời Tề Hoàn Công tại vị, vì để hoàn thành bá nghiệp nên ông đã tìm nhân tài khắp mọi nơi.

Sau khi biết được tài năng và nhân phẩm của Ninh Thích, ông vô cùng tán thưởng, chuẩn bị bổ nhiệm ông ta đảm đương chức vụ quan trọng. Quần thần biết chuyện liền tranh nhau nói với Tề Hoàn Công rằng: “Ninh Thích là người nước Vệ, xin đại vương sai người đến nước Vệ nghe ngóng tìm hiểu xem sao. Nếu ông ấy thực sự tài đức vẹn toàn thì lúc đó trọng dụng ông ấy vẫn chưa muộn”.

Tề Hoàn Công trả lời rằng: “Ta cảm thấy làm như thế không đúng. Ta nghĩ mỗi người đều đã từng phạm những sai lầm, lỗi lầm nhỏ, nhưng người bình thường chỉ ghi nhớ lỗi lầm nhỏ mà người ta đã phạm mà lại quên đi tài năng đức hạnh của người ta. Đó chính là nguyên nhân tại sao rất nhiều bậc quân vương luôn cảm thấy không thể tìm nổi nhân tài”.

Tề Hoàn Công dùng người chỉ coi trọng sở trường, xem nhẹ sở đoản. (Ảnh minh hoạ qua: kknews.com)

Thế là Tề Hoàn Công quyết định lập tức cử hành nghi lễ sắc phong, trao cho Ninh Thích chức vụ quan trọng là khanh tướng. Sau này, lịch sử đã chứng thực rằng Ninh Thích quả nhiên là một người có tài năng lớn. Dưới sự trợ giúp của Ninh Thích, Tề Hoàn Công mới có thể hoàn thành bá nghiệp.

Từ đó có thể thấy rằng Tề Hoàn Công có kiến thức rộng và khí độ to lớn. Sở dĩ ông có thể thành tựu bá nghiệp thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc là vì ngoài khả năng biết dùng nhân tài, khéo tìm cầu người tài ra, ông còn biết dùng sở trường của người mà quên đi sở đoản của họ.

Phụ chú

1. Nguyên văn Đệ tử quy

人 有 短 切 莫 揭
人 有 私 切 莫 說
道 人 善 即 是 善 
人 知 之 愈 思 勉
揚 人 惡 即 是 惡
疾 之 甚 禍 且 作
善 相 勸 德 皆 建 
過 不 規 道 兩 虧

2. Âm Hán Việt

Nhân hữu đoản, thiết mạc yết
Nhân hữu tư, thiết mạc thuyết
Đạo nhân thiện, tức thị thiện
Nhân tri chi, dũ tư miễn
Dương nhân ác, tức thị ác
Tật chi thậm, họa thả tác
Thiện tương khuyến, đức giai kiến
Quá bất quy, đạo lưỡng khuy.

3. Pinyin Hán ngữ

Rén yǒu duǎn,qiè mò jiē
Rén yǒu sī,qiè mò shuō
Dào rén shàn,jí shì shàn
Rén zhī zhī,yù sī miǎn
Yáng rén è,jí shì è
Jí zhī shèn,huò qiě zuò
Shàn xiāng quàn,dé jiē jiàn
Guò bù guī,dào liǎng kuī.

4. Chú thích:

– Đoản: khuyết điểm, sở đoản.
– Thiết: nhất định.
– Mạc: Không được, chớ.
– Yết: Công khai biểu lộ ra, vạch ra, vạch trần.
– Tư: bí mật.
– Thiện: việc tốt đẹp.
– Tư miễn: muốn làm tốt hơn nữa.
– Dương: tuyên truyền.
– Ác: lỗi lầm.
– Tật chi thậm: vì ghét người ta nên tuyên truyền cái xấu, lỗi lầm của người ta quá mức. Tật có nghĩa là ghét, hận. Thậm có nghĩa là quá mức.
– Họa thả tác: tự chiêu mời tai họa đến cho mình.
– Thiện tương khuyến: khuyên bảo khích lệ nhau làm việc tốt.
– Đức: phẩm hạnh, tu dưỡng.
– Quy: khuyên bảo, khuyến cáo.
– Khuy: tổn thất, tổn hại.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch