(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Đức học tài nghệ

Diễn giải

Một người quân tử chân chính thì không so sánh mình với những ai giàu có về phương diện vật chất. Chỉ có về phẩm đức, học vấn, tài năng hay kỹ thuật mà không bằng người khác thì mới khích lệ bản thân vươn lên.

Còn nếu về trang phục hay ăn uống mà không bằng người ta thì chớ cảm thấy buồn rầu.

Câu chuyện tham khảo:

“Kẻ sỹ 3 ngày gặp lại nên nhìn bằng con mắt khác”

Tôn Quyền khuyên Lã Mông (trái) trau dồi thêm học vấn. (Ảnh minh hoạ qua: xh.xhby.net)

Thời Tam Quốc, đại tướng nước Ngô là Lã Mông thuở nhỏ ít học, kiến thức nông cạn thường bị mọi người cười chê. Quốc quân Tôn Quyền khích lệ Lã Mông rằng: “Nay khanh đã nắm quyền lớn, nên trau dồi thêm học vấn, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho khanh đó”.

Lã Mông nói: “Việc quân bận rộn, e rằng không có thời gian đọc sách”.

Tôn Quyền nói: “Ta sau khi nắm quyền, đọc sáng tỏ 3 bộ sử, các sách binh thư của các binh gia, tự thấy rằng giúp ích công việc rất nhiều. Khanh thiên chất thông minh nhanh nhẹn, học ắt sẽ có thu hoạch, tại sao lại không đọc sách? Khổng Tử nói: ‘Cả ngày không ăn không ngủ để suy nghĩ cũng vô dụng, không bằng nỗ lực học tập’. Hán Quang Vũ Đế trong khi binh mã hỗn loạn mà tay vẫn không rời quyển sách. Tào Tháo cũng nói rằng ông ấy đã già nhưng vẫn thích học. Tại sao chỉ có khanh không muốn cố gắng tự học vậy?”

Lã Mông bắt đầu hăng hái đọc sách, thậm chí số sách ông đã đọc còn nhiều hơn cả những người chuyên học hành. Tướng nước Ngô là Lỗ Túc vốn ban đầu coi thường Lã Mông, sau khi cùng ông bàn luận sự việc liền vỗ lưng ông và nói: “Tôi vốn cho rằng ông chỉ biết dẫn quân đánh trận, hôm nay thấy học thức của ông rất uyên bác, đã không còn là A Mông kiến thức nông cạn xưa kia nữa rồi”.

Lỗ Túc kinh ngạc vì học thức của Lã Mông. (Ảnh minh hoạ qua: baidu.com)

Lã Mông nói: “Kẻ sỹ 3 ngày gặp lại nên nhìn bằng con mắt khác” (nguyên văn: “Sỹ biệt tam nhật, tức cánh quát mục tương đãi”).

(Nguồn tư liệu: “Tam Quốc chí” – Bùi Tùng chú thích)

Phụ chú

1. Nguyên văn Đệ tử quy

唯 德 學 唯 才 藝
不 如 人 當 自 勵
若 衣 服 若 飲 食
不 如 人 勿 生 慼

2. Âm Hán Việt

Duy đức học, duy tài nghệ
Bất như nhân, đương tự lệ
Nhược y phục, nhược ẩm thực
Bất như nhân, vật sinh thích.

3. Pinyin Hán ngữ

Wéi dé xué,wéi cái yì
Bù rú rén,dāng zì lì
Ruò yī fú,ruò yǐn shí
Bù rú rén,wù shēng qī.

4. Chú thích:

– Duy: chỉ có.
– Đức học: phẩm đức và học vấn.
– Tài nghệ: tài năng và kỹ thuật.
– Bất như nhân: không bằng người khác.
– Đương: nên.
– Tự lệ: tự khích lệ bản thân.
– Nhược: nếu, nếu như.
– Ẩm thực: đồ ăn, thức uống.
– Như: so sánh, như, bằng.
– Vật: không được, chớ.
– Sinh: cảm thấy.
– Thích: buồn đau.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch