(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Lời đã nói

Diễn giải

Những lời đã nói thì nhất định phải giữ chữ tín. Nói chuyện lừa dối người khác hoặc tùy tiện nói bừa bãi thì làm sao có thể nói được?

Nói nhiều quá mà không làm được thì chi bằng nói ít đi một chút thì tốt hơn. Hơn nữa, nói chuyện phải chân thực, không được mồm mép tép nhảy, liến thoắng, hoặc nói những lời hoa mỹ khéo léo xu nịnh lấy lòng người khác.

Những lời cay nghiệt khắc bạc, ngôn từ không nhã nhặn và ngữ khí thô tục đều nên thay đổi sửa lại cho đúng mực.

Câu chuyện tham khảo:

Quý Trát treo kiếm

Quý Trát treo kiếm. (Ảnh minh hoạ qua: sohu.com)

Quý Trát là công tử của quốc quân nước Ngô thời nhà Chu, là một vị quân tử rất có khí chất và tu dưỡng. Một lần, Quý Trát phải đi sứ nước Lỗ nên đã đi qua nước Từ, thế là ông tiện đường vào bái kiến quốc quân nước Từ. Trong khi hai người đàm đạo, ánh mắt của Từ quân luôn luôn bị cuốn hút bởi thanh bảo kiếm mà Quý Trát đeo bên hông.

Tranh vẽ Quý Trát. (Ảnh: Public Domain)

Từ quân trong lòng thầm nghĩ: thanh bảo kiếm này của Quý Trát được chế tạo ra không những có khí phách mà còn có mấy viên đá quý nạm vào nữa, đẹp cổ điển mỹ lệ mà lại không mất đi vẻ trang trọng. Chỉ có người quân tử như Quý Trát đây mới xứng đáng đeo thanh kiếm này. Mặc dù Từ quân rất thích thanh bảo kiếm này nhưng không nỡ lòng nói ra, chỉ một mực nhẫn nại ngắm nhìn thanh kiếm. Quý Trát biết tâm ý của Từ quân, trong lòng thầm nghĩ rằng, đợi đến sau khi hoàn thành sứ mệnh đi sứ nước Lỗ trở về, nhất định sẽ quay lại tặng Từ quân thanh kiếm này.

Sau đó, khi Quý Trát từ nước Lỗ trở về, đến nước Từ ông mới biết Từ quân đã qua đời rồi. Quý Trát buồn rầu đến bên mộ Từ quân, lấy thanh bảo kiếm ra treo lên cây, đồng thời trong lòng mặc niệm rằng: “Tuy ngài đã qua đời rồi, nhưng lời hứa trong tâm tôi vẫn còn. Hôm nay tôi đem thanh kiếm này tặng cho ngài, cũng là dùng thanh kiếm này để nói lời vĩnh biệt với ngài”.

Quý Trát cúi mình trước bia mộ lễ bái, sau đó quay người ra đi.

Hành động này của Quý Trát khiến những người tùy tùng cảm thấy rất nghi hoặc khó hiểu, họ không nén nổi bèn hỏi: “Từ quân đã qua đời rồi, ngài treo thanh kiếm ở đây là có dụng ý gì?”

Quý Trát đáp: “Tuy ông ấy đã qua đời rồi nhưng trong tâm ta đã có lời hứa với ông ấy rằng sau khi ta từ nước Lỗ trở về nhất định sẽ tặng kiếm cho ông ấy. Là một người quân tử thì cái cần coi trọng là thành tín và đạo nghĩa, sao có thể vì người ta chết rồi mà phản bội lại thành tín mà con người cần phải có chứ?”

Đức hạnh giữ chữ tín này của Quý Trát khiến người đời sau vô cùng kính trọng và cảm động.

Phụ chú

1. Nguyên văn Đệ tử quy

凡 出 言 信 為 先
詐 與 妄 奚 可 焉
話 說 多 不 如 少 
惟 其 是 勿 佞 巧
刻 薄 話 穢 污 詞 
市 井 氣 切 戒 之

2. Âm Hán Việt

Phàm xuất ngôn, tín vi tiên
Trá dữ vọng, hề khả yên
Thoại thuyết đa, bất như thiểu
Duy kỳ thị, vật nịnh xảo
Khắc bạc thoại, uế ô từ
Thị tỉnh khí, thiết giới chi.

3. Pinyin Hán ngữ

Fán chū yán,xìn wéi xiān
Zhà yǔ wàng,xī kě yān?
Shuō huà duō,bù rú shǎo
Wéi qí shì,wù nìng qiǎo
Kè bó huà,huì wū cí
Shì jǐng qì,qiè jiè zhī!

4. Chú thích:

– Xuất ngôn: lời nói ra. Ngôn nghĩa là lời nói.
– Tín: chữ tín, thành tín.
– Trá: dối trá, lừa dối.
– Vọng: nói xằng bậy, nói lung tung.
– Hề: tại sao. Biểu thị ngữ khí nghi vấn.
– Yên: từ ngữ khí, đặt cuối câu biểu thị nghi vấn.
– Duy: hy vọng, chỉ, duy nhất.
– Nịnh xảo: người giỏi ăn nói hoa mỹ khéo léo xu nịnh. Nịnh nghĩa là mồm mép khéo léo, giỏi biện luận, siểm nịnh. Xảo nghĩa là giảo hoạt, hư giả, giả dối.
– Khắc bạc: mỉa mai, châm chọc, giễu cợt người khác. Khắc nghĩa là làm tổn thương. Bạc nghĩa là không đôn hậu.
– Uế: dơ bẩn, không sạch sẽ.
– Thị tỉnh khí: khẩu khí thô tục, chợ búa.
– Giới: sửa đổi cho đúng.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch