(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Vén rèm cửa

Diễn giải

Khi vén cuốn rèm cửa lên cần phải chậm rãi, không được để phát ra tiếng động. Khi rẽ quẹo thì khoảng cách cần phải lớn một chút, không được va chạm vào những chỗ có góc cạnh. Khi tay cầm đồ vật tuy trống rỗng không chứa gì thì cũng phải cẩn thận như cầm đồ vật đựng đầy đồ. Vào phòng trống không có người cũng phải giống như phòng có người.

Làm việc không được vội vàng hấp tấp, vội vàng quá thì khả năng xảy ra sai lầm sẽ nhiều. Không được sợ khó khăn, cũng không được coi nhẹ qua loa không để ý. Những nơi dễ xảy ra những chuyện đánh cãi nhau ồn ào thì tuyệt đối không được đến gần. Những tư tưởng và hành vi không chính đáng hoặc tà vạy cũng tuyệt đối không được nghe ngóng hỏi han.

Câu chuyện tham khảo:

Chàng trai họ Liễu chìm đắm múa ca nữ sắc tiêu tán hết gia sản

(Ảnh minh hoạ qua: sohu.com)

Thời nhà Thanh ở tỉnh An Huy có hai phú ông họ Ân và họ Liễu, họ kết giao với nhau rất thân tình. Phú ông Liễu khi bị bệnh nguy kịch bèn đem con trai độc nhất vẫn còn ngây thơ phó thác cho phú ông Ân, xin ông chăm sóc giúp.

Sau khi đứa con côi cút của phú ông Liễu trưởng thành, anh ta giao du với một đám vô lại, cả ngày cờ bạc nhậu nhẹt, buông thả hưởng lạc chốn trăng gió. Phú ông Ân nhiều lần khuyên bảo anh ta, thậm chí khóc đau đớn hy vọng anh ta sửa chữa lỗi lầm, nhưng anh ta vẫn không hề hối cải. Phú ông Ân thấy anh ta không thể tỉnh ngộ nữa rồi, bèn sai người hàng ngày đánh bạc với anh ta, thua bạc thì bảo anh ta bán ruộng. Phú ông Ân nhờ người đứng ra mua giúp, mua được với giá thấp. Sau đó, chàng trai họ Liễu bán ruộng đất, nhà cửa, vàng bạc châu báu… Chỉ trong vài năm, khối gia sản khổng lồ đã bán sạch trơn, tất cả thuộc về sở hữu của phú ông Ân rồi.

Chàng trai họ Liễu cùng đường đành phải đến nhà họ hàng ăn nhờ. Anh ta không chịu nổi nỗi nhục bị người ta xua đuổi nên lại đến chùa chiền, Đạo quán. Nhưng những nơi Thánh địa tu hành cũng không phải là trạm nhân đạo thu nhận người vô gia cư. Cuối cùng, anh ta đành phải lần từng nhà ăn xin, trở thành một thành viên trẻ trong đoàn người ăn xin. Phú ông Ân thấy anh ta đã được tôi luyện đủ rồi, mới gọi anh ta đến nhà, để anh ta tắm rửa ăn uống xong rồi nói: “Cháu còn nhớ những lời bác khuyên trước kia không?”.

(Ảnh minh hoạ qua: Epoch Times)

Chàng trai họ Liễu vừa nghe xong thì nỗi lòng sầu bi từ trong lòng trào dâng, khóc rống lên, vô cùng hối hận những chuyện hoang đường của mình trước kia. Phú ông Ân nói: “Cái mất đi thì đã không thể truy cầu được nữa rồi. Cháu hãy ở nhà bác nỗ lực học hành, tương lai có thể còn có thành tựu đó”.

Từ đó, chàng trai họ Liễu sửa chữa sai lầm làm lại từ đầu, khắc khổ cầu học, sau một năm thi đỗ tú tài. Phú ông Ân thấy anh ta đã sửa chữa tất cả những lỗi lầm trước kia, liền đem toàn bộ gia sản ông mua giao lại cho anh ta, rồi nghiêm túc nói: “Trước kia bác thấy cháu không nghe lời khuyên răn, biết là không đến bước đường cùng thì không thể hối hận, bất đắc dĩ mới phải dùng cách ‘đưa vào chỗ chết để mà sống’. Mấy người trước kia đánh bạc với cháu đều là bác sai đến, người mua tài sản cũng là bác nhờ họ đứng ra. Bây giờ kế sách đã thành công, tiền đồ của cháu rộng mở, bác cũng không phụ sự phó thác của cha cháu lúc lâm chung. Sau khi chết, bác gặp ông ấy cũng không hổ thẹn”.

Chàng trai họ Liễu nghe xong bỗng bừng tỉnh ngộ, vội quỳ xuống khấu đầu rơi lệ, cảm kích nói không nên lời.

(Nguồn tài liệu: “Du Khúc viên bút ký” của Du Việt đời Thanh)

Phụ chú

1. Nguyên văn Đệ tử quy

緩 揭 簾 勿 有 聲
寬 轉 彎 勿 觸 棱
執 虛 器 如 執 盈 
入 虛 室 如 有 人
事 勿 忙 忙 多 錯 
勿 畏 難 勿 輕 略
鬥 鬧 場 絕 勿 近 
邪 僻 事 絕 勿 問

2. Âm Hán Việt

Hoãn yết liêm, vật hữu thanh
Khoan chuyển loan, vật xúc lăng
Chấp hư khí, như chấp doanh
Nhập hư thất, như hữu nhân
Sự vật mang, mang đa thác
Vật úy nan, vật khinh lược
Đấu náo trường, tuyệt vật cận
Tà tích sự, tuyệt vật vấn.

3. Pinyin Hán ngữ

Huǎn jiē lián,wù yǒu shēng
Kuān zhuǎn wān,wù chù léng
Zhí xū qì,rú zhí yíng
Rù xū shì,rú yǒu rén
Shì wù máng,máng duō cuò
Wù wèi nán,wù qīng lüè
Dòu nào chǎng,jué wù jìn
Xié pì shì,jué wù wèn

4. Chú thích:

– Hoãn: chậm, từ từ.
– Yết: kéo lên.
– Liêm: rèm, mành. Đồ gia dụng thường làm bằng tre, vải, nhựa… treo ở cửa để che gió mưa, nắng.
– Vật: không được, chớ.
– Thanh: âm thanh, tiếng động.
– Khoan: rộng. Chỉ khoảng cách lớn.
– Chuyển loan: rẽ, vòng. Thay đổi phương hướng.
– Xúc: chạm vào, va vào.
– Lăng: cạnh. Ở đây có nghĩa là góc tường, góc của vật thể.
– Chấp: nắm, cầm.
– Hư: không, trống, rỗng.
– Khí: đồ, dụng cụ. Tên gọi chung của dụng cụ như khí cụ, vũ khí…
– Như: giống như, giống.
– Doanh: đầy.
– Thất: bên trong căn phòng.
– Sự: sự việc. Chỉ tình huống mà con người làm hoặc gặp phải.
– Mang: bận, nhiều việc. Ở đây có nghĩa làm việc vội vàng, giải quyết hấp tấp.
– Thác: sai lầm.
– Úy: sợ, sợ hãi.
– Nan: khó. Chỉ việc không dễ làm.
– Khinh: coi thường, coi nhẹ.
– Lược: bỏ qua, khinh suất.
– Đấu: tranh đấu, tương tranh.
– Náo: tranh cãi gây sự.
– Trường: bãi đất trống hoặc nơi nhiều người tụ tập.
– Tà: chỉ tư tưởng hoặc hành vi không chính đáng.
– Tích: kỳ quặc, ít thấy.
– Vấn: hỏi hoặc hỏi han.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch